11:15 04/03/2015

“Trả lại” sức cạnh tranh, cần tiếp tục phá giá VND từ 3-4%?

Minh Đức

“Ngân hàng Nhà nước nên chủ động phá giá tiền đồng để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất nội địa”

Một mặt VEPR cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá với biên độ hẹp những năm gần đây làm suy yếu khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, mặt khác khuyến nghị phá giá lại chỉ 3-4% rải ra trong vòng 2-3 năm.<br>
Một mặt VEPR cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá với biên độ hẹp những năm gần đây làm suy yếu khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, mặt khác khuyến nghị phá giá lại chỉ 3-4% rải ra trong vòng 2-3 năm.<br>
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố bản báo cáo về kinh tế vĩ mô Việt Nam, trong đó đưa ra một số khuyến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước.

Khuyến nghị nổi bật nhất của bản báo cáo này, là nhà điều hành cần chủ động phá giá tiền đồng.

Theo VEPR, trong năm 2014, tỷ giá USD/VND dao động tuơng đối lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước can thiệp hai lần vào thị trường tiền tệ. Trong năm qua, tỷ giá chính thức tăng khoảng 1,4% và nằm trong giới hạn điều hành, trong khi tỷ giá tự do tăng hơn 2%.

Không dưới hai lần Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào phía cung với lượng ngoại tệ bán ra khoảng 1,5 - 2 tỷ USD.

Theo VEPR, một lượng vốn lớn dưới dạng tiền gửi rút ra khỏi thị trường nội địa trong quý 2/2014 (một báo cáo khác của VEPR đề cập đến quy mô khoảng 3,6 tỷ USD) và nhu cầu ngoại tệ gia tăng cuối quý 4/2014 là hai trường hợp đáng chú ý.

So với nhiều đồng tiền tại thị trường mới nổi khác, đồng Việt Nam tỏ ra tương đối ổn định so với đồng USD. Cơ chế neo đồng VND vào USD được đảm bảo bằng việc can thiệp chủ động trên thị trường tiền tệ, kết hợp với dự trữ ngoại hối tương đối lớn và rủi ro vĩ mô thấp cho phép Việt Nam chủ động giới hạn độ mất giá của tiền đồng.

Thế nhưng, báo cáo của VEPR đưa ra nhận định: “Một bất cập của chính sách này là hậu quả tăng giá của VND so với USD và các ngoại tệ khác. Xu hướng này âm thầm diễn ra trong nhiều năm qua làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu và hàng hóa trên thị trường quốc tế, và gián tiếp trợ giá cho tiêu dùng hàng nhập khẩu tại thị trường trong nước”.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá rằng, việc điều chỉnh tỷ giá với biên độ hẹp trong nhiều năm gần đây là quá thận trọng và tiếp tục làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

“Ngân hàng Nhà nước nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3 - 4% trong vòng 2-3 năm tới, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hoá sản xuất nội địa”, VEPR khuyến nghị.

Ở đây, báo cáo dường như có sự mâu thuẫn giữa đánh giá và khuyến nghị của mình. Một mặt cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá nhiều năm gần đây có biên độ hẹp, trong khi khuyến nghị phá giá 3 - 4% cho khoảng thời gian 2 - 3 năm thì cũng không hẳn là lớn. Mặt khác, mức độ điều chỉnh đó cũng gần với các bước Ngân hàng Nhà nước đã và đang định hướng ở chính sách điều hành tỷ giá.

Ở một nội dung khác, báo cáo của VEPR cho rằng, trong bối cảnh lạm phát thấp, thanh khoản dồi dào, các ngân hàng sẽ tự động điều chỉnh lãi suất. Ngân hàng Nhà nước có thể dỡ bỏ trần lãi suất cho huy động và cho vay vì các quy định này đã mất nhiều ý nghĩa và không còn có tính ràng buộc chặt.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo trên, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất trên thị trường mở (5,5%) và lãi suất tái chiết khấu (4,5%) để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng nhỏ.

Ngân hàng Nhà nước cũng nên thận trọng với tín dụng ngoại tệ khi tỷ lệ tín dụng/tiền gửi ngoại tệ đã tăng lên 88%. Tiếp tục chính sách này có thể gây mất cân đối ngoại tệ. Một ràng buộc từ phía cung là lãi suất tiền gửi USD chịu mức trần 0,75%/năm làm giảm động lực tiền gửi.

Thúc đẩy tín dụng ngoại tệ có thể giảm gánh nặng đẩy vốn ra nền kinh tế của hệ thống ngân hàng nhưng tỏ ra mâu thuẫn với mục tiêu giảm tình trạng đô la hóa của hệ thống tài chính.