15:18 10/09/2013

Trái phiếu VAMC để mua nợ xấu sắp “ra lò”

Thùy Duyên

Cơ chế cần thiết cho VMAC mua lại nợ xấu và phát hành loại trái phiếu đặc biệt bắt đầu có từ 15/9 tới

Với hạn mức tái cấp vốn có thể lên tới 70% mệnh giá trái phiếu đặc biệt,
 các tổ chức tín dụng sẽ có cơ hội để có thể tái tạo một nguồn vốn đáng 
kể hiện đang kẹt trong nợ xấu.
Với hạn mức tái cấp vốn có thể lên tới 70% mệnh giá trái phiếu đặc biệt, các tổ chức tín dụng sẽ có cơ hội để có thể tái tạo một nguồn vốn đáng kể hiện đang kẹt trong nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước vừa lần lượt ban hành hai thông tư, tạo cơ chế và quy định cụ thể về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của công ty này.

Theo Thông tư số 20/2013/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn hoạt động trong quá trình xử lý nợ xấu. Việc tái cấp vốn chỉ dành cho các tổ chức tín dụng trong nước, không dành cho tổ chức 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh.

Để được tái cấp vốn, tổ chức tín dụng phải có trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành chưa được thanh toán, phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Mức tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt đó do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kết quả trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt và kết quả xử lý nợ xấu nhưng không vượt quá 70% so với mệnh giá trái phiếu này.

Lãi suất tái cấp vốn sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ; lãi suất tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn ghi trên hợp đồng. Thời hạn tái cấp vốn là dưới 12 tháng nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt.

Cùng với quy định trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-NHNN quy định việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.

Thông tư 19 quy định cụ thể về trái phiếu đặc biệt của VAMC, điều kiện các khoản nợ được mua lại bằng trái phiếu này, việc cơ cấu lại các khoản nợ khi mua lại, cũng như cơ chế để VAMC xem xét giảm hoặc miễn lãi suất cho các khoản nợ theo các trường hợp cụ thể…

Cả hai thông tư trên đều có hiệu lực từ ngày 15/9/2013. Theo đó, về cơ bản khung pháp lý đã đầy đủ để VAMC triển khai việc mua lại nợ xấu; trái phiếu đặc biệt của công ty này cũng đã có cơ sở để “ra lò”, tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sắp tới.

Với hạn mức tái cấp vốn có thể lên tới 70% mệnh giá trái phiếu đặc biệt, các tổ chức tín dụng sẽ có cơ hội để có thể tái tạo một nguồn vốn đáng kể hiện đang kẹt trong nợ xấu.