14:40 31/10/2018

Tranh luận về chi phí thủ tục dự án ODA

Hà Vũ

Không chỉ tranh luận với Bộ trưởng mà đại biểu còn tranh luận với nhau xung quanh thông tin từ chất vấn về ODA

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý tranh luận tại phiên chất vấn
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý tranh luận tại phiên chất vấn

Không chỉ tranh luận với Bộ trưởng mà đại biểu còn tranh luận với nhau xung quanh thông tin từ chất vấn về ODA.

Chiều 30/10, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: có ý kiến của doanh nghiệp cho rằng có đến 90% dự án ODA của các cơ quan nhà nước mất trung bình 6 tháng để phê duyệt. Còn của các tổ chức ngoài Nhà nước mất trung bình là từ 12-16 tháng, nếu mỗi dự án có kinh phí trung bình là 1-2 triệu USD, chỉ với 100 dự án thì nhà nước đã mất khoảng 50-100 triệu USD/năm vì thủ tục, Bộ trưởng bình luận như thế nào về ý kiến này?

Sáng 31/10 Bộ trưởng còn chưa trả lời thì đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã dùng quyền tranh luận để lên tiếng.

Theo đại biểu Phương thì với dự án ODA của nước ngoài thì họ rất cẩn thận không những 1 năm mà có thể 5 năm hoặc 10 năm, khi có dự án họ đầu tư tiền thì làm rất nhanh. "Mình phải học tập điều này, nếu làm dự án như mình hiện nay rất nhanh nhưng hiệu quả không chắc chắn, cuối cùng từ 1 phải nâng lên gấp 2-3 lần", ông  Phương thể hiện quan điểm.

Đại biểu Thuý ngay lập tức giơ biển tranh luận, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị để sau khi Bộ trưởng trả lời.

Trả lời đại biểu Thuý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, về nguyên tắc sử dụng ODA vốn vay ưu đãi, đây là một nguồn ngân sách của nhà nước cho nên sử dụng phải đảm bảo tính hiệu quả và phải nằm trong trần nợ công, nợ bội chi, nợ Chính phủ mà Quốc hội đã cho phép.

Bộ trưởng cũng khẳng định quy trình, thủ tục đã được thiết kế hết sức chặt chẽ gồm 4 bước: một là đề xuất dự án, hai là phê duyệt chủ trương, ba là quyết định đầu tư, bốn là ký kết hiệp định và triển khai dự án.

Bốn quy trình này đều phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép, trên thực tế các quy trình này sẽ phức tạp hơn. Bởi vì bên cạnh quy trình ở trong nước thì còn phải thực hiện các yêu cầu quy định của các nhà tài trợ nước ngoài nên quy trình trong một dự án thường kéo dài hơn, ông Dũng nói.

Thời gian chuẩn bị dự án không phải chỉ 6 tháng, trung bình hiện nay khoảng 2-3 năm, có những dự án lớn, phức tạp phải đến 5 năm mới có thể xong được các quy trình này, Bộ trưởng "đính chính" thông tin của đại biểu Thuý.

Vẫn theo Bộ trưởng thì chuẩn bị dự án càng kỹ, càng tốt, chất lượng càng cao thì khi triển khai thực hiện càng nhanh, càng hiệu quả và không làm phát sinh thêm chi phí, đó là yêu cầu và cũng là thông lệ của quốc tế.

"Chúng tôi đang hướng tới là phải tăng cường khâu chuẩn bị dự án để khi chúng ta ký hiệp định thì lúc đó mới bắt đầu phát sinh chi phí. Đó là phí lãi vay và phí cam kết. Nếu chuẩn bị dự án không tốt thì chi phí đó khi thực hiện sẽ kéo dài làm phát sinh và chúng ta phải chịu chi phí đó. Tuy nhiên, chúng tôi thấy trong các bước và về mặt thủ tục như đại biểu Thúy có đề cập, chúng tôi thừa nhận là trong xử lý thì chất lượng hồ sơ còn chưa tốt, thiếu, chưa đầy đủ, giải trình nhiều lần", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng nhìn nhận là trong các bước thủ tục thì các bộ, các cơ quan tham gia xử lý chưa nhanh, thiếu nhất quán và chưa rõ, chung chung nên khi tổng hợp để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng làm mất thời gian.

"Về phần này, chúng tôi nhận trách nhiệm sẽ rà soát, đôn đốc, làm sao giải quyết thủ tục minh bạch và nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ phần này", Bộ trưởng "hứa".

Không bình luận về con số triệu đô được đại biểu Thuý chất vấn, Bộ trưởng giải thích, khi bắt đầu ký hiệp định triển khai dự án mới phát sinh chi phí nên toàn bộ khâu chuẩn bị dự án là không phát sinh chi phí.

Cuối cùng là các cơ quan ngoài nhà nước thì không được sử dụng ODA mà hiện nay chỉ có các cơ quan nhà nước sử dụng, Bộ trưởng kết thúc phần trả lời.

Tranh luận, đại biểu Thuý nói câu hỏi bà nêu trong chất vấn là chi phí về cơ hội, chi phí của xã hội do chính thủ tục của ta đặt ra.

Bà Thuý cũng trao đổi thêm và đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ là trong hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn về tài chính, có được nguồn ngân sách tài trợ, đặc biệt là vốn ODA nhân đạo không hoàn lại thì càng đáng quý. Nhưng khi làm thủ tục tiếp nhận gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thủ tục trong nước gây ra như yêu cầu tổ chức nhận vốn ODA phải có cơ quan chủ quản, trong khi luật pháp không quy định mà văn bản dưới luật tạo ra rào cản này.

Đai biểu nêu ví dụ điển hình là trung tâm nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng đăng ký là tổ chức khoa học, công nghệ theo Nghị định 81 đã thực hiện tốt giai đoạn 1 của dự án phòng chống HIV/AIDS được Chính phủ Mỹ tiếp tục cho tài trợ giai đoạn 2. Qua đấu thầu kinh phí là 4,5 triệu USD, công ty mất 21 tháng với khoảng 60 văn bản gửi các nơi liên quan, đến nay mới xong được 1/3 giai đoạn phê duyệt.

Điều này khiến nhà tài trợ là đại sứ quán Mỹ cũng sốt ruột phải gửi thư đến chính quyền vì không thể hiểu nổi các thủ tục phiền toái của ta.

Xin hỏi bộ có biết không và có giải pháp gì để tháo gỡ, đại biểu Thuý tiếp tục chất vấn.

Bà Thuý cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải tổng kết, đánh giá xem quy trình, thủ tục phê duyệt như vậy trung bình hết bao nhiêu thời gian ở tất cả các cấp và toàn bộ thời gian đó gây tốn kém, thất thoát cho Nhà nước là bao nhiêu tiền.

Tại sao vốn ODA nhân đạo không hoàn lại phải phê duyệt phức tạp như vậy để làm gì, trong khi vốn vay lại để tràn lan, vô cùng lãng phí mà Bộ thì hoàn toàn không biết hiệu quả của đồng tiền vay?, đại biểu Thuý nhấn mạnh.

Trao đổi với đại biểu Phương, đại biểu Thuý giải thích ODA ở đây là hỗ trợ phát triển chính thức, có 3 loại.

Một là viện trợ không hoàn lại thì thường được ưu tiên cho những dự án về các lĩnh vực y tế, dân số, giáo dục, môi trường.

Hai là viện trợ có hoàn lại, tức là lãi thấp, thời gian trả nợ dài cho các dự án cơ sở hạ tầng thuộc lĩnh vực giao thông vận tải nông nghiệp, thủy lợi, năng lượng.

Ba là ODA cho vay hỗn hợp, tức là kết hợp 2 dạng trên.

Quan điểm của đại biểu Thuý là không quá kỳ vọng và cũng không nên kỳ thị đối với vốn ODA, mà vấn đề đặt ra là phải quản lý, sử dụng và phát triển nguồn vốn như thế nào, không phải quản lý không được thì lại tạo ra rào cản để cản trở.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của đại biểu Kim Thúy và xem xét dự án cụ thể mà đại biểu Thúy nêu.