21:22 02/05/2022

Trên nền móng của chiến thắng 30/4

Nguyễn Quốc Uy

Chiến thắng 30/4 đã thực sự là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, trở thành điểm tựa tinh thần và nền móng vững chắc để nhân dân ta dựng xây và phát triển đất nước theo định hướng mà Đảng đã hoạch định...

Những ngày vừa qua, nhân dân trong cả nước tưng bừng chào đón và hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 47 năm Ngày Chiến thắng 30/4 lịch sử và 136 năm Ngày quốc tế lao động 1/5.

Với chiến thắng ngày 30/4/1975, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, không chỉ kết thúc vẻ vang chặng cuối của cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối, mà còn tạo ra thế và lực mới để xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến thắng 30/4 đã tạo đà, với niềm tin tất thắng, để quân và dân cả nước hồ hởi bước vào cuộc trường chinh mới – bảo vệ và xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Đảng, dẫu trước mắt vẫn bộn bề khó khăn, thách thức.

Với các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, rồi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia mà chúng ta tiếp tục phải chịu thêm nhiều mất mát, hy sinh, nền kinh tế nước ta khi đó, vốn bị kiệt quệ sau mấy chục năm chiến tranh, lại gặp thêm không ít khó khăn, trở ngại.

Trong 10 năm đầu, sau khi kết thúc chiến tranh giải phóng miền Nam, chúng ta vẫn loay hoay với mô hình kinh tế kế hoạch hóa duy ý chí của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, cộng với trở lực từ thế bị bao vây, cấm vận, khiến Việt Nam đã nghèo lại nghèo hơn, thậm chí lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Đó là một sự thật.

Đảng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, để từng bước khắc phục những sai lầm, yếu kém.

Nhờ tinh thần ấy, Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã tạo bước đột phá về tư duy kinh tế, khi khởi xướng công cuộc Đổi mới, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Một năm sau, Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên được thông qua, mở đường cho các nhà tư bản nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Bây giờ, sau 36 năm nhìn lại, càng thấy đó là quyết sách có ý nghĩa sống còn đối với thể chế chính trị và nền kinh tế của nước ta.       

Nếu vào năm 1988, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 1970, và bùng phát trong đầu những năm 1980, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ có 86 USD, đưa nước ta vào danh sách vài chục nước có mức thu nhập thấp nhất thế giới, thì sau hơn 3 thập kỷ, đến hết năm 2020, theo số liệu từ cuốn sách tiếng Anh “Viet Nam –Land of Opportunities” (Việt Nam – đất nước của những cơ hội), do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp biên soạn, xuất bản năm 2021, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người lên tới 3.521 USD. Nếu so sánh về giá trị GDP bình quân đầu người, năm 2020 cao gấp hơn 40 lần năm 1988 (không tính yếu tố trượt giá của đồng USD). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh, từ hơn 60% trước thời kỳ Đổi mới, đến nay chỉ còn dưới 4%.

Trong bài giới thiệu về tổng quan Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận xét: “Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỷ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%”.

Chỉ riêng những số liệu về GDP được dẫn ra trên đây đã cho thấy kinh tế nước ta phát triển như thế nào, kể từ mốc thời gian được đánh dấu bằng Chiến thắng 30/4 lịch sử.

Hàng triệu con người đã hy sinh xương máu trong cuộc trường chinh mấy mươi năm để làm nên chiến thắng ấy.

Nhìn lại chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước 47 năm qua, kể từ ngày 30/4/1975, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm vóc và ý nghĩa to lớn của chiến thắng vĩ đại này.

Không có Chiến thắng 30/4, Việt Nam không thể đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt như ngày hôm nay, với những thành tựu to lớn đó, như lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm lần thứ 90 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), “chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín này của đất nước chính là căn cứ quan trọng để Đại hội lần thứ XIII của Đảng (đầu năm 2021) thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021- 2030), tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đưa Việt Nam thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Chiến thắng 30/4 đã thực sự là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, trở thành điểm tựa tinh thần và nền móng vững chắc để nhân dân ta dựng xây và phát triển đất nước theo định hướng mà Đảng đã hoạch định.