Qua đại dịch, đưa đất nước trở nên hùng cường
Ngày 23/1/2020, cả đất nước “chết lặng” khi ca nhiễm Covid -19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Từ “sự kiện lịch sử” này, cả dân tộc bắt đầu bước vào một cuộc chiến mới, một thời đại mới với những khó khăn dường như không hẹn ngày kết thúc...
Bốn làn sóng dịch bệnh liên miên tưởng như đã vắt kiệt sức của những chiến sĩ áo trắng, đánh gục sức kháng cự của cả hệ thống y tế và phá hủy những thành quả của hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp trên khắp cả nước. Nhưng giống như mọi cuộc chiến mà đất nước đã phải kinh qua, người Việt Nam luôn biết cách để xoay chuyển và thích ứng.
Những doanh nghiệp Việt cũng đã từng bước vượt qua thách thức để ổn định, phát triển. Hàng ngàn doanh nghiệp Việt vẫn đang có những giấc mơ lớn, hoài bão lớn với mong muốn đóng góp phần xây dựng đất nước hùng cường.
Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Tạp chí kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã ghi lại những ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp Việt với kỳ vọng sớm vượt qua đại dịch trong năm mới 2022 và từng bước đưa đất nước hùng cường.
KHÔNG NGỒI YÊN CHỜ GIÔNG BÃO ĐI QUA...
"Năm 2021, du lịch Việt Nam đã thực sự chạm đáy. Đợt dịch thứ 4 quá phức tạp, kéo dài, đã khiến cho ngành du lịch trong nước vốn đang lao đao càng thêm tụt dốc, khi các chỉ số tăng trưởng gần như bằng 0.
Sun Group cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng đó. Hai năm dịch Covid-19 tấn công thì phần lớn thời gian các công trình khách sạn, resort, khu du lịch, sân bay, cảng biển… của Sun Group phải tạm ngưng hoạt động. Sun Group phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng chưa từng có. Chỉ riêng Bà Nà Hills- “cánh chim đầu đàn” của Sun Group, doanh thu hai năm qua so với 2019 giảm tới 96%.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của SunGroup là phải đảm bảo đời sống cho gần 11.000 cán bộ công nhân trên cả nước và chi phí lớn để vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng, máy móc của hệ thống khách sạn, resort và khu vui chơi, sân bay, cảng biển trong thời gian dịch.
"Chúng tôi xác định rằng, nếu cứ ngồi yên chờ dông bão đi qua thì chúng ta có thể sẽ bị nhấn chìm trước khi có cơ hội vượt bão. Do vậy, dẫu khó khăn, chúng tôi vẫn quyết tâm lựa chọn thay đổi để thích nghi với tình hình mới.
Ngoài việc duy trì công tác bảo dưỡng, bảo trì, chúng tôi cũng liên tục tiến hành cải tạo, tu bổ, “thay áo mới” cho các dự án, bổ sung các sản phẩm, dịch vụ mới mẻ, đẳng cấp.
Nhờ sự chủ động "thay áo mới" nên các điểm đến của Sun Group luôn trong tâm thế sẵn sàng đón khách ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Sun Group cũng tự nâng cấp mình, đón đầu và dẫn dắt những xu hướng mới của thị trường du lịch và bất động sản ở giai đoạn sau dịch như: du lịch chăm sóc sức khỏe, bất động sản wellness, du lịch không chạm, một chạm…
Sự đón nhận hào hứng của khách hàng với những dự án như Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh) hay các dự án bất động sản Sun Onsen Village – Limited Edition (Quảng Ninh), “ngôi làng nhiệt đới” Sun Tropical Village (Nam Phú Quốc)… cho thấy định hướng mới là đúng đắn.
Đặc biệt, Sun Group đã tranh thủ thời gian ngưng đón khách để chuyển đổi số và chuẩn hóa hệ thống vận hành quản trị và sản xuất kinh doanh, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại giúp tối ưu hóa hoạt động quản trị và sản xuất kinh doanh, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Với Sun Group, những thành tựu nhỏ bé từ việc định hướng sản phẩm, dịch vụ dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, bất động sản sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy chúng tôi bứt phá hơn trong năm 2022.
Cùng với đó, chúng tôi vẫn không ngừng đổi mới để hoàn thiện hệ sinh thái 3 chân kiềng (Sun World – Sun Hospitality – Sun Property) đồng bộ, bài bản và đẳng cấp ở khắp cả nước, góp phần tạo điều kiện để cùng ngành du lịch Việt Nam hồi phục và bứt phá ngay khi thời cơ đến".
TÌM RA THỊ TRƯỜNG NGÁCH ĐỂ BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI
"Gặp nhiều khó khăn vì Covid-19 trong năm 2021, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời cùng những quyết sách, giải pháp chủ động và linh hoạt đã giúp cho VNI vượt qua khó khăn như đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác bán chéo sản phẩm offline và online, ứng dụng văn phòng số trên toàn hệ thống, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, chữ ký số, thực hiện giám định, bồi thường online (My VNI) rút ngắn thời gian bồi thường cho khách hàng.
Nhờ những quyết sách linh hoạt, VNI vẫn tăng trưởng bền bỉ, tính đến hết năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ đưa VNI lọt TOP 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 tái bùng phát nhiều lần.
Covid-19 vừa là cơ hội, vừa là thách thức khi là bước đệm để các doanh nghiệp tìm được cách đi khác biệt hay nói chính xác là tìm ra thị trường ngách để vượt qua, biến thách thức thành cơ hội.
Không chỉ có vậy, Covid-19 góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm. Người dân đã chủ động hơn trong việc tiếp cận và tham gia các dịch vụ bảo hiểm, đây chính là cơ hội để ngành bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng và phát triển hơn trong thời gian tới.
Năm 2022, VNI đặt mục tiêu giữ vững trong TOP 10 về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ và tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu bảo hiểm trên 30%, Các gói giải pháp sẽ triển khai: mở rộng mạng lưới đơn vị thành viên; đầu tư công nghệ thông tin, tăng cường công tác quản lý; tăng cường hợp tác các đối tác nhằm mở rộng kênh bán hàng và phục vụ sau bán hàng hướng tới mang lại cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm chất lượng tốt nhất".
COVID -19 LÀ "CƠ HỘI NGÀN NĂM CÓ MỘT" ĐỂ THAY ĐỔI CÁCH THỨC HOẠT ĐỘNG
"Bất chấp nhiều trở ngại do đại dịch, Generali - một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã hoàn thành một năm 2021 với kết quả kinh doanh rất tích cực. Vốn là doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ, Generali đã nhanh chóng thích ứng với “bình thường mới”.
Covid -19 là cơ hội “ngàn năm có một” để thay đổi cách hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác phục vụ khách hàng, quản lý và huấn luyện đại lý, với mục tiêu nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đồng thời tăng cường tính hiệu quả.
Hiện nay 100% công tác phục vụ khách hàng của Generali đã có thể thực hiện không cần giấy. Đã có rất nhiều sáng kiến được thực hiện thành công trong thời gian vừa qua.
Ví dụ như việc Generali đi đầu trong việc xóa bỏ quy định nộp chứng từ gốc trong giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, hay thay việc gặp mặt trực tiếp khách hàng khi giao kết hợp đồng bảo hiểm bằng việc gặp gỡ trực tuyến (remote selling), thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử…
Dịch vụ tư vấn miễn phí với các bác sĩ của doanh nghiệp này (Alo Dr. Gen) cũng phát huy hiệu quả rất tốt trong đợt dịch này. Trong thời gian giãn cách, chúng tôi cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, gắn kết đội ngũ nhằm duy trì kết nối cũng như tạo thêm hứng khởi trong công việc cho đội ngũ nhân viên, tư vấn viên của công ty.
Nhìn lại một năm sóng gió, người đứng đầu Generali Việt Nam nhận định, đợt bùng phát dịch thứ tư vừa qua đã gây ra nhiều tổn thất lớn. Nhưng cũng chính trong năm 2021, toàn xã hội đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái.
Generali đã dành 16 tỷ đồng hỗ trợ thêm cho khách hàng, cộng đồng và chính phủ trong cuộc chiến với Covid-19 vừa qua. Chúng tôi cũng liên tục triển khai các sáng kiến gây quỹ trực tuyến để kịp thời hỗ trợ trẻ em nghèo và chương trình “Nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng” nhằm hỗ trợ các gia đình có con nhỏ đang phải “gồng mình” khi con cái không được đến trường do Covid-19.
Trải qua 2 năm ứng phó và vượt lên những thách thức của đại dịch, Generali sẽ sẵn sàng để đối mặt với bất kỳ thử thách nào. Trong thời gian tới, Generali sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ và quy trình để liên tục nâng cao chất lượng của dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch giới thiệu một số sản phẩm mới rất đặc biệt để đáp ứng nhu cầu về bảo vệ, đầu tư và chăm sóc sức khỏe của khách hàng trong năm 2022".
DOANH NGHIỆP CẦN NHÀ NƯỚC KHƠI THÔNG DÒNG VỐN
"Đối mặt với đại dịch trong năm 2021, Công ty TNHH gỗ Minh Long đã có chiến lược nhất quán để ứng phó trong mọi tình huống. Tiêu chí 3 tại chỗ luôn được doanh nghiệp này chuẩn bị sẵn sàng nhằm đảm bảo việc sản xuất vẫn được diễn ra trong quá trình giãn cách. Đồng thời, công ty cũng áp dụng chế độ làm việc tại nhà với nhân viên khối văn phòng để đảm bảo công việc được vận hành thông suốt.
2021 mặc dù gặp khó khăn nhưng thành quả mà Minh Long có được rất đáng ghi nhận, tự hào. Công ty đã hợp tác để có thêm các nhà phân phối các sản phẩm của Gỗ Minh Long, đặc biệt tại thị trường Đà Nẵng, giúp khách hàng miền Trung có thêm cơ hội được tiếp cận gần hơn nữa với nguồn gỗ công nghiệp chất lượng, thời trang.
Đặc biệt, Minh Long không tăng giá bán dù giá nguyên vật liệu biến động tăng hàng ngày do sự khan hiếm nguồn cung và giá cước vận chuyển hàng hoá tăng cao. Doanh nghiệp này cho biết, họ muốn chung tay cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn để có thể bắt nhịp tốt với hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Bước sang năm 2022, mỗi doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó với những kịch bản xấu nhất khi Covid -19 diễn biến phức tạp. Song song với đó, chúng ta cũng cần có cái nhìn và cách ứng xử khác hơn đối với dịch bệnh nói chung và các bệnh nhân nhiễm Covid -19 nói riêng.
Trên thực tế cả thế giới đang dần nhìn nhận Covid -19 như một căn bệnh cúm mùa và có vaccine phòng bệnh cho mọi người. Chỉ khi chấp nhận sống chung và thích nghi, kết hợp với chính sách điều hành ổn định, nhất quán của nhà nước thì các doanh nghiệp mới có cơ hội vực dậy và vươn lên sau thời kỳ khó khăn.
Hiện bản thân doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi chuỗi cung ứng đứt gãy và sự biến đổi tăng cao của giá nguyên vật liệu. Vì thế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ các bộ, ban ngành là điều hết sức cần thiết.
Tôi mong muốn Nhà nước cần có chính sách khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Covid -19 khiến cho lượng tích lũy của các doanh nghiệp bị thâm hụt nghiêm trọng. Dòng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngân hàng. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ hệ thống tài chính – ngân hàng lúc này do vậy là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên xem xét tăng đầu tư công bởi dịch covid khiến cho tỉ lệ người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập tăng cao, vì thế việc tăng đầu tư công sẽ là một cú hích rất cần thiết giúp tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân và qua đó tái khởi động lại chu trình sản xuất kinh doanh mới".
MONG CHÍNH PHỦ TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ GIẢM GIÁ CƯỚC TÀU BIỂN
"Mặc dù trải qua 2 năm dịch bệnh nhưng nhờ sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên, G.C Food đã đạt kết quả rất đáng tự hào. Doanh thu năm 2021 của GC Food tăng 50% so với 2020, trong đó, nội địa tăng trưởng 22% và xuất khẩu tăng trưởng 100%.
Ở những thời điểm dịch Covid -19 bùng phát phức tạp, G.C Food đã chấp nhận duy trì sản xuất, mặc dù vẫn còn hàng tồn kho để giúp người nông dân thu hoạch nguyên liệu và giúp cho người lao động có công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế.
Bên cạnh đó, công ty đã tập trung giữ vững đơn hàng cho các khách hàng quan trọng, khai thác lại các khách hàng tiềm năng những năm trước. Thời gian vừa qua, G.C Food đã tập trung phát triển mảng B2C với các sản phẩm mang chất lượng cao, chinh phục nhiều đối tác lớn trên thế giới.
Dù gặp khó khăn do dịch Covid -19 nhưng nông sản Việt Nam đang là lựa chọn mới của “người mua lớn” từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì vậy với định hướng phát triển trước mắt trong năm 2022, G.C Food đầu tư nhà máy mới về chế biến các loại trái cây đặc sản của Tây Nguyên tại Đắk Lắk như bơ, xoài, sầu riêng, khoai lang…
Song song với việc xây dựng nhà máy mới, công ty này đã mở rộng vùng nguyên liệu cũng như thị phần tiêu thụ của các sản phẩm chủ lực, từ đó GC Food đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt doanh thu 650 tỉ đồng, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 50% như năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hướng đến mục tiêu đạt 350 tỉ (tăng trưởng 67%) và doanh thu nội địa đạt 300 tỉ đồng (tăng trưởng 47%).
Vấn đề băn khoăn duy nhất của chúng tôi là, hiện nay cước vận chuyển hàng hóa, đặc biệt cước tàu quốc tế đang tăng rất cao, nhiều thời điểm tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến giá bán xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt nếu tình trạng tiếp tục gia tăng và kéo dài. Vì vậy chúng tôi mong muốn, đề xuất Chính phủ ra các chính sách hỗ trợ và tác động tới hiệp hội tàu biển quốc tế nhằm kiểm soát lại việc tăng giá này".
ĐẶT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG TRONG THỜI ĐẠI DỊCH
"Năm 2021, mặc dù khó khăn bủa vây, giá nhôm tăng phi mã, hàng hóa ngưng trệ nhưng Công ty CP nhôm Đô Thành vẫn đạt được những thành tựu nổi bật. Điển hình như công ty này đã xuất khẩu lô hàng billet nhôm đầu tiên sang châu Âu, dây chuyền được duy trì hoạt động và quan trọng nhất là người lao động có công ăn việc làm, có thu nhập trong mùa dịch.
Lường trước được những khó khăn trong năm 2021, ngay từ cuối năm 2020 ban lãnh đạo công ty đã triển khai kế hoạch kinh doanh phù hợp với điều kiện thích ứng với đại dịch, chúng tôi mở rộng thêm các kênh bán hàng cũng như đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu.
Tại nhà máy, chúng tôi sắp xếp nơi ăn chốn ở để đảm bảo 3 tại chỗ theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Đặc biệt là cho cán bộ công nhân viên được tiếp cận với nguồn vaccine sớm nhất để người lao động yên tâm sản xuất."
Chúng tôi mong muốn, Nhà nước, Chính phủ cần thúc đẩy gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn nhanh, ngoài ra những chính sách miễn và giảm thuế hoặc giãn thời gian nộp thuế cũng cần sớm thực thi.
Sang năm 2022, dự báo vẫn sẽ là một năm khó khăn bởi giá nhôm biến động cùng các biến chủng virus corona mới vẫn đang phức tạp. Tuy nhiên ban lãnh đạo Nhôm Đô Thành vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng song hành với việc đầu tư máy móc, nhân lực để nâng công suất của nhà máy. Trong năm tới, Nhôm Đô Thành sẽ ra mắt những sản phẩm mới, mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế".