Triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia rất khó khăn
Có hiệu lực từ 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn
Có hiệu lực từ 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Sáng 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 đạo luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế (cơ quan chủ trì soạn thảo luật), ông Trương Quốc Cường nhìn nhận, việc triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia là rất khó khăn, vì quản lý rượu bia rất khó.
Vấn đề quan trọng trong thực hiện, theo Thứ trưởng là quy định chế tài đối với các hành vi bị cấm đã quy định trong phòng chống tác hại của rượu bia.
Điều 5 của luật quy định 13 hành vi bị cấm, trong đó có cấm" điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Đây là quy định được Ủy ban Thường vụ Quốc hội "tha thiết" xin đưa vào luật sau khi xin ý kiến không đủ 50% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý.
Luật cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải trong việc thực hiện biện pháp ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
Và để đảm bảo tính đồng bộ thì điều khoản thi hành luật cũng đã quy định về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Một số nội dung đáng chú ý khác, theo Bộ Y tế, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán của luật là quản lý toàn diện đối với rượu bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đố với bia. Nhưng, có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia.
Về quản lý, luật tiếp tục duy trì kế thừa các biện pháp quản lý điều kiện, cấp phép đối với kinh doanh rượu và bổ sung quy định các điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp hình thức thương mại hiện đại, phổ biến trong tương lai.
Đồng thời, luật cũng quy định các biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản kê khai với uỷ ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường.