09:13 02/12/2009

Triển vọng kinh tế 2010: Lạc quan và thận trọng

Minh Đức

Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp hướng về năm 2010 với những kỳ vọng mới, nhưng cũng lường đến không ít trở ngại

Nhiều con số và dự báo lạc quan được đưa ra tại Hội thảo Kịch bản kinh tế năm 2010.
Nhiều con số và dự báo lạc quan được đưa ra tại Hội thảo Kịch bản kinh tế năm 2010.
Lạc quan và thận trọng, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp hướng về năm 2010 với những kỳ vọng mới, nhưng cũng lường đến không ít trở ngại.

Ngày 1/12, Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Kịch bản kinh tế năm 2010”. Tại đây, những con số và dự báo lạc quan đã được đưa ra, nhưng cũng đi cùng dự báo sẽ khó "cất cánh" khi còn nhiều tác động trái chiều, những biến động khó lường níu kéo.

Một năm “sẽ tốt hơn”

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, năm 2010, kinh tế vĩ mô sẽ đạt những kết quả tốt hơn năm 2009. Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ ở khoảng 6,5%, cao hơn mức 5,2% dự kiến cho cả năm nay; kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trở lại khoảng 6% thay vì có thể âm 10% trong năm 2009; CPI tiếp tục được giữ ở mức dưới 7%; nhập siêu sẽ giảm...

Để đạt được những kết quả dự kiến trên, một yêu cầu mà TS. Lịch nhấn mạnh là Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định trong năm tới. Giá trị VND nên giữ ổn định nhưng vẫn phải điều chỉnh linh hoạt theo tỷ giá đồng USD nhằm kích thích xuất khẩu, vừa giảm nhập siêu và giữ thăng bằng cán cân tổng thể.

Chính sách lãi suất mà chuyên gia này dự báo là sẽ tiếp tục duy trì thực dương, bên cạnh yêu cầu giải quyết được sự mất cân đối trong cơ cấu tín dụng ngắn hạn và trung – dài hạn, hệ thống ngân hàng thương mại được củng cố và tiếp tục phát triển thị trường vốn.

Không đưa ra những con số dự báo cụ thể, nhưng TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, cũng cho rằng yếu tố lạc quan 2010 là nền kinh tế đang trên đà phục hồi; thể hiện ở GDP tăng liên tục các quý vừa qua, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp gần như đã trở lại bình thường, tổng doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng cao.

Chuyên gia Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh rằng sự lạc quan đó nhận được sự ủng hộ từ dấu hiệu hồi phục của kinh tế thế giới, thể hiện ở những quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản và khu vực đồng Euro. “Tôi cho rằng hai điểm sáng nổi bật nhất cho năm 2010 là kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang phục hồi, sẽ có tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam”, TS. Tự Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, một diễn biến thuận lợi và cụ thể khác được ông cho là “cơ may” đối với Việt Nam là đồng USD đang tiếp tục xu thế giảm giá. Điều này góp phần giảm bớt áp lực giảm giá VND và đối với chính sách điều hành tỷ giá – một bài toán khó khăn với nhiều tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2008 và 2009.

Một kịch bản lạc quan được GS. Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đưa ra là nền kinh tế Việt Nam có thể tạo đột phá, nhưng có lộ trình và những bước đi thích hợp để chuyển mạnh sang mô hình mới, với yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế được tiến hành dựa trên chất lượng, năng suất và hiệu quả. Các chỉ tiêu kinh tế theo đó có thể vừa phải, nhưng hướng đến chất lượng, đảm bảo ổn định vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh.

Một kịch bản khác theo GS. Nguyễn Quang Thái, có nhiều khả năng hơn, là các điều kiện phát triển chỉ có cải tiến nhẹ trong thế giới cạnh tranh gay gắt, các vấn đề tồn đọng không được xử lý kiên quyết theo hướng đi vào chất lượng. Ở kịch bản này, một số chỉ tiêu kế hoạch có thể đạt được như tăng trưởng GDP trên 6%, nhưng lo ngại mà chuyên gia này đặt ra là có thể nguy cơ lạm phát quay lại, mất ổn định vĩ mô và xã hội, đất nước khó khăn dài hạn trong xu thế trì trệ và không phát triển bền vững...

Trọng lực ngoài quốc doanh

Tại hội thảo, một nội dung được các chuyên gia tập trung phân tích là Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả của các hoạt động đầu tư, hiệu quả sản xuất của các thành phần kinh tế để có những điều chỉnh và phát huy hợp lý, tạo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh và bền vững hơn trong năm 2010. Điểm chung được kỳ vọng là sức bật của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Câu hỏi mà TS. Trần Du Lịch đặt ra là “Làm thế nào để phục hồi bền vững, khắc phục được sự tồn tại của cơ cấu nền kinh tế thiếu cạnh tranh?”. Một dẫn chứng mà ông đưa ra là hệ số ICOR bình quân giai đoạn 1995 – 2008 của Việt Nam là 5,11. Dữ liệu cụ thể trong hệ số này cho thấy, ngoài khu vực ngoài quốc doanh thể hiện hiệu quả hơn với 3,56, khu vực đầu tư nước ngoài cũng ở mức cao là 5,05, đặc biệt khu vực quốc doanh lên tới 7,55.

Đó cũng là một điểm hạn chế của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, theo nhìn nhận của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh – Đại học Ngân hàng Tp.HCM, khi cung vốn nhiều nhưng tỷ suất đầu tư thấp; để tạo được 1 đồng phải cần tới gần 8 đồng đầu tư như dẫn chứng ở trên. Theo đó, vấn đề Chính phủ cần xem xét là gia tăng đầu tư hay chất lượng đầu tư trong thời gian tới.

Cụ thể hơn, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng cần phân tích cụ thể hơn trong cơ cấu hiệu quả đầu tư của các thành phần kinh tế để phát huy những động lực cho tăng trưởng. Và theo ông, một trọng lực hiện nay và đang tạo xu hướng là sức mạnh và đóng góp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; điều này sẽ tiếp tục thể hiện trong năm 2010.

Dẫn chứng, trong giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng qua, tăng trưởng của khu vực ngoài quốc doanh đã bật mạnh từ tháng 7 trở lại đây, bên cạnh khối đầu tư nước ngoài; trong khi đó, khu vực quốc doanh lại ở mức thấp và có xu hướng giảm dần. 3 tháng gần nhất, so với cùng kỳ 2008, tăng trưởng của khu vực quốc doanh lần lượt giảm mạnh từ 8,5%, 6,8% và còn 6,1% trong tháng 11; trong khi khu vực ngoài quốc doanh sau khi giảm từ 16,5% xuống 15,7% trong tháng 10 đã tăng trở lại 17,3% trong tháng 11.

Dẫn chứng trên đặt ra yêu cầu Chính phủ xem xét lại việc định hướng các hoạt động đầu tư, sự hỗ trợ và điều chỉnh hợp lý cho các khu vực để hướng tới đà tăng trưởng mạnh hơn và bền vững hơn trong dài hạn.

Lo ngại nhiều biến động

Tại hội thảo, dòng chảy thời sự của nền kinh tế những ngày qua được đề cập đến như những điển hình của biến động, thay đổi chính sách mà các doanh nghiệp phải đối diện. Đó là biến động của lãi suất, tỷ giá và những điều chỉnh chính sách liên quan; là sự khôn lường của thị trường vàng, phản ứng thái quá của thị trường chứng khoán...

Theo bà Lại Thu Trúc, Giám đốc Tài chính và Đầu tư Công ty Cổ phần Doanh thương Mỹ Á, khó khăn nổi bật hiện nay là việc dự báo, tiếp nhận các thông tin dự báo về chính sách, thay đổi của thị trường, bởi tình hình kinh tế hiện nay biến động không ngừng và việc dự báo phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

“Tôi nhận thấy dự báo về vĩ mô, các chuyên gia theo các trường phải lạc quan, thận trọng, nhưng doanh nghiệp chúng tôi thì theo trường phải duy lý, cái nào có lý thì chúng tôi tin. Với chính sách, chúng tôi quan tâm ở việc giám sát thực hiện, bởi khi đưa ra nó thực thi chậm, chưa đúng thì cũng không đưa đến kết quả tốt”, bà Trúc nói.

Trong khi đó, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, điều họ cần hiện nay là sự ổn định về môi trường kinh doanh, về chính sách quản lý và điều hành nền kinh tế. TS. Vũ Thành Tự Anh cũng nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp có thể tự lực, không trông chờ hỗ trợ từ Chính phủ, nhưng họ cần một môi trường vĩ mô ổn định trong khi đã có quá nhiều biến động mạnh thời gian qua, cũng như dự báo sẽ tiếp tục khó lường trong thời gian tới.

Hai rủi ro và khả năng có biến động lớn được TS. Tự Anh đề cập đến là áp lực phá giá VND và rủi ro tỷ giá, nguy cơ lạm phát cao trở lại trong năm 2010. Và một lo ngại được ông nói đến là rủi ro về môi trường chính sách; điều đã thể hiện ở hai lần thay đổi trong năm 2009 và mỗi lần là “quay 180 độ”. Hay như cách nói của TS. Trần Du Lịch, doanh nghiệp hiện vẫn “nơm nớp” với những biến động của tỷ giá và nguy cơ lạm phát cao trở lại.

Thế nhưng, theo quan điểm của TS. Lê Thẩm Dương, cần nhìn nhận và thích nghi với những thay đổi của chính sách. “Doanh nghiệp vẫn ngại chính sách thay đổi, nhưng tôi lại cho rằng việc thay đổi là đương nhiên, thay đổi để ổn định hơn chứ không phải chỉ muốn thay đổi. Nếu không thay đổi thì làm sao tạo được ổn định? Doanh nghiệp cần sống chung và thích nghi với những thay đổi đó”, ông Dương nói.

Lo ngại mà TS. Dương nhấn mạnh là những biến động của thị trường, đã và đang tạo ra những khó khăn khó giải đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Ông phân tích: “Hàm của nền kinh tế có nhiều biến, khôn lường và có những trường hợp không chạy theo những quy luật thông thường. Đó là đặc trưng của thị trường những ngày vừa qua, như giá vàng, phản ứng suy giảm thái quá trên thị trường chứng khoán... Hay chỉ cần một tin đồn thôi cũng có thể tạo những xáo trộn không theo quy luật kinh tế vĩ mô”. Và điều này, ngoài năng lực quản lý và điều hành của nhà hoạch định chính sách, còn phụ thuộc vào khả năng thích nghi, xoay xở của mỗi doanh nghiệp.