13:39 31/08/2012

“Trùm” túi xách giả Trung Quốc lĩnh án nặng bất thường

An Huy

“Mỗi năm có tới hàng ngàn người Trung Quốc bị tuyên án phạt vì tội làm hàng giả, nhưng rất hiếm khi có hình phạt nặng tới mức này”

Bên ngoài một cửa hiệu của Hermes ở Paris, Pháp.
Bên ngoài một cửa hiệu của Hermes ở Paris, Pháp.
Tòa án Trung Quốc mới đây tuyên phạt án tù chung thân đối với “ông trùm” của một đường dây làm giả túi xách Hermès. Hình phạt này được đánh giá là mạnh tay bất ngờ và phát tín hiệu về những nỗ lực tiếp theo của Trung Quốc trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Báo Wall Street Journal cho biết, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nguyên thuộc tỉnh Quảng Đông đã dành cho bị cáo Xiao Zhenjiang mức án chung thân. Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành khám xét nhà máy của ông này ở Hà Nguyên và phát hiện ra một lô hàng Hermès giả trị giá 100 triệu Nhân dân tệ, tương đương khoảng 15,7 triệu USD.

Ba bị cáo khác trong vụ này nhận án từ 7-10 năm tù giam và phải nộp phạt số tiền từ 500.000-800.000 Nhân dân tệ, tương đương 79.000-126.000 USD.

Vụ xét xử ông Xiao đã diễn ra trong tháng 8 này, nhưng cho tới mấy ngày gần đây, thông tin về mức án dành cho các bị cáo mới được công bố.

Theo các chuyên gia luật pháp, hình phạt dành cho ông Xiao là nặng bất thường, vì tội phạm làm hàng giả ở Trung Quốc thường chỉ chịu mức án phạt từ 3-7 năm là cùng. “Mỗi năm có tới hàng ngàn người Trung Quốc bị tuyên án phạt vì tội làm hàng giả, nhưng rất hiếm khi có hình phạt nặng tới mức này”, ông Benjamin Bai, người đứng đầu bộ phận về tài sản trí tuệ ở Trung Quốc thuộc hãng luật Allen & Overy’s, nhận xét.

Cũng theo ông Bai, bình thường, hình phạt nặng chỉ dành cho tội phạm làm hàng giả trong các lĩnh vực dược phẩm và liên quan tới sức khỏe con người. Ông Bai cho biết thêm, các tòa án Trung Quốc có quyền áp mức hình phạt nặng hơn nếu cảm thấy người phạm tội xứng đáng với hình phạt đó.

Vụ xét xử ông Xiao nằm trong một chiến dịch lớn được phát động hồi tháng 2 năm nay ở Quảng Đông nhằm vào các hành vi thao túng thị trường, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, và hối lộ. Chính quyền Quảng Đông cho biết, chiến dịch này nhằm mục tiêu tăng cường năng lực sáng tạo và ổn định xã hội.

Từ đầu năm nay, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Wang Yang đã đẩy mạnh hoạt động bảo về quyền sở hữu trí tuệ. “Nếu như 5-10 năm trước, người nước ngoài yêu cầu chúng ta bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thì giờ chính là lúc chúng ta yêu cầu bản thân phải làm việc này. Nếu không, quá trình cải cách nền kinh tế của chúng ta sẽ thất bại”, ông Wang nói trong một hội nghị hồi tháng 3.

Theo luật sư Horace Lam thuộc hãng luật Jones Day ở Bắc Kinh, trong mấy tháng qua, cảnh sát Quảng Châu, địa phương được xem là “thủ phủ” hàng giả ở Trung Quốc, đã mạnh tay thực hiện các tấn công vào các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng “nhái”. Theo ông Lam, những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ các thương hiệu của chính nước này. Thúc đẩy năng lực sáng tạo của các công ty trong nước giờ đã trở thành một mục tiêu chính sách chính của Bắc Kinh trong vấn đề cải cách nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn các nỗ lực bảo vệ sở hữu trí tuệ của Trung Quốc mới chỉ mang tính bề nổi. Luật sư Bai cho rằng, để đạt hiệu quả, Trung Quốc cần có luật bảo vệ nhãn hiệu thương mại và bằng sáng chế mạnh hơn.