Trung Quốc bắt hai công dân Canada sau vụ Huawei
Công dân Canada thứ hai đang bị nhà chức trách Trung Quốc thẩm vấn, làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia
Công dân Canada thứ hai đang bị nhà chức trách Trung Quốc thẩm vấn, làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia sau vụ bắt giữ một cựu nhân viên ngoại giao Canada ở Bắc Kinh và vụ bắt Giám đốc điều hành (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc ở Vancouver.
Theo hãng tin Bloomberg, công dân Canada có tên Michael Spavor bắt đầu bị điều tra ngày thứ Hai tuần này vì "bị nghi có những hoạt động chống phá an ninh nhà nước Trung Quốc". Thông tin này được đăng ngày 13/12 trên Tin tức Đông Bắc, một trang web trực thuộc sở thông tin-tuyên truyền tỉnh Liêu Ninh. Bài báo nói Spavor đang bị điều tra bởi cơ quan công an thành phố Dandong thuộc biên giới giữa Trung Quốc với Triều Tiên.
Ông Spavor là người đã có nhiều năm làm công việc hỗ trợ các chuyến đi của người nước ngoài tới Triều Tiên, bao gồm chuyến thăm Triều Tiên của cựu ngôi sao bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman.
Bộ Ngoại giao Canada cho biết Chính phủ nước này không thể nối lại liên lạc với Spavor kể từ khi ông thông báo về việc mình bị nhà chức trách Trung Quốc thẩm vấn. "Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để xác định tung tích của ông ấy và đã nêu vấn đề với cơ quan chức năng Trung Quốc", Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland phát biểu ngày 12/12 tại Ottawa.
Mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc vốn đã bị thử thách khi Trung Quốc bắt giữ cựu nhân viên ngoại giao người Canada có tên Michael Kovrig vào hôm thứ Hai tuần này. Vụ bắt ông Kovrig diễn ra 9 ngày sau khi Canada bắt giữ bà Meng Wanzhou, CFO Huawei, theo đề nghị của Mỹ.
Một quan chức Chính phủ Canada cho biết nước này đã đề nghị Trung Quốc cho gặp ông Kovrig sau khi được phía Trung Quốc báo tin bằng đường fax về vụ bắt giữ. Hiện Canada không biết ông Kovrig đang ở đâu và đối mặt với những cáo buộc gì.
Truyền thông Trung Quốc thì nói Kovrig bị bắt do liên quan đến một vụ án về an ninh quốc gia. Khi bị bắt, ông Kovrig đang làm cho International Crisis Group (ICG), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Bỉ.
Theo Bloomberg, việc bắt ông Kovrig có thể dựa trên những thay đổi gần đây về quy định của Trung Quốc đối với các tổ chức phi chính phủ. ICG không được phép hoạt động ở Trung Quốc - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Tư.
"Chúng tôi hoan nghênh người nước ngoài, nhưng nếu họ tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật và quy định của Trung Quốc, thì đó hoàn toàn là chuyện khác", ông Lu Kang phát biểu, nhưng nói rằng không có thông tin cụ thể về Kovrig.
Đến nay, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau vẫn cố gắng chứng minh không đứng sau vụ bắt bà Meng, nói rằng Chính phủ không thể can thiệp vào quyết định của tòa án. Ngoại trưởng Freeland cũng từ chối bình luận về đánh giá cho rằng có sự liên quan giữa vụ ông Kovrig và vụ bà Meng.
Mặc dù vậy, ông Guy Saint-Jacques, người từng là đại sứ Canada tại Trung Quốc từ năm 2012-2016, hai vụ việc này hoàn toàn không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. "Trong trường hợp này, Trung Quốc không thể bắt một nhà ngoại giao Canada vì làm như thế sẽ tạo ra một sự kiện ngoại giao lớn. Bắt Kovrig là một cách để gửi thông điệp đến Chính phủ Canada và tạo sức ép", ông Saint-Jacques nói.
Bà Meng đã được tòa án Canada cho tại ngoại vào ngày thứ Ba, nhưng điều này chưa làm Trung Quốc hài lòng. "Phía Canada cần sửa chữa sai lầm và trả tự do cho bà Meng ngay lập tức", ông Lu nói.
Theo giới phân tích, căng thẳng hiện nay giữa hai nước có thể khiến các công ty Canada xem xét lại các kế hoạch đi công tác Trung Quốc.