09:51 12/05/2009

Trung Quốc giàu hay nghèo?

Mai Phương

Nên coi đây là một quốc gia cần được giúp đỡ hay một đất nước với sức mạnh kinh tế đáng vị nể?

Một góc Thượng Hải, thành phố đã được xếp ngang tầm những thành phố hàng đầu thế giới như Hồng Kông, New York hay Tokyo.
Một góc Thượng Hải, thành phố đã được xếp ngang tầm những thành phố hàng đầu thế giới như Hồng Kông, New York hay Tokyo.
Năm 2009 này có thể là một năm tốt lành đối với Trung Quốc. Những số liệu kinh tế công bố gần đây đã dẫn tới nhận định rằng, nước này có lẽ đã chạm đáy của chu kỳ kinh tế hiện tại. Nhiều người kỳ vọng, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sẽ phục hồi trong nửa sau của năm nay.

Nếu kinh tế Trung Quốc bắt đầu quá trình phục hồi sớm hơn các nền kinh tế khác, những cách nhìn nhận vốn có về trật tự kinh tế toàn cầu rất có thể sẽ trải qua những thay đổi lớn.

Có trong tay nguồn tiền dồi dào hơn các đối thủ lớn ở một số quốc gia khác và còn có thêm sự hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ, các công ty Trung Quốc đang trong quá trình săn tìm các nguồn tài nguyên trên phạm vi toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay giúp họ có thêm cơ hội để mua vào những tài sản giá rẻ. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn đang nhận được hàng trăm triệu USD viện trợ mỗi năm từ các quốc gia phương Tây.

Vậy, thế giới nên coi Trung Quốc là một nước giàu hay một nước nghèo, một quốc gia cần được giúp đỡ hay một đất nước với sức mạnh kinh tế đáng vị nể?

Từ sân thượng của Trung tâm Tài chính Thế giới -  tòa nhà cao nhất ở Thượng Hải - du khách đang nhìn xuống dưới thành phố bên dưới. Tốc độ phát triển nhanh chóng trong mấy năm gần đây đã đưa thành phố này lên ngang tầm những thành phố hàng đầu thế giới như Hồng Kông, New York hay Tokyo. Nhìn từ độ cao này, có vẻ như Thượng Hải là một thành phố giàu có, sành điệu và hiện đại, và ở một góc độ nào đó thì đúng là như vậy.

Nhưng ở dưới chân tháp, người ta chứng kiến một câu chuyện hoàn toàn khác. Ở đó là ô nhiễm, tiếng ồn, bụi bẩn và tình trạng kẹt xe.

Đi sâu hơn vào thực tế, cuộc sống ở các thành phố ở Trung Quốc không phải lúc nào cũng dễ chịu như nhìn từ trên tòa nhà cao nhất Thượng Hải. Trung Quốc đang vội vã cải thiện bộ mặt của mình, trong khi luật kiểm soát hoạt động xây dựng và phát triển ở đây đôi khi không được tuân thủ chặt chẽ. Nếu chỉ nhìn vào sự thay đổi nhanh chóng này, sẽ rất khó để đánh giá Trung Quốc đã tiến xa tới đâu.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin BBC, nhà kinh tế độc lập Andy Tsieh cho rằng, Trung Quốc không còn là một quốc gia nghèo. “Về phương diện thương mại, Trung Quốc là nước có hoạt động ngoại thương lớn nhất thế giới hiện nay. Về GDP, Trung Quốc có khả năng vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay hoặc năm tới”, ông nói.

Nhưng ông Tsieh cũng thừa nhận rằng, quy mô rộng lớn của đất nước Trung Quốc khiến việc đánh giá sự giàu nghèo của nước này khó khăn thêm. “Trung Quốc không phải là một quốc gia bình thường, mà là một “vương quốc” lớn. Như thể thế giới thứ nhất, thứ hai và thứ ba đều cùng tồn tại trong biên giới Trung Quốc”, ông Tsieh nhận định.

Ở những thành phố lớn như Thượng Hải, Trung Quốc “thế giới thứ nhất” và Trung Quốc “thế giới thứ ba” không chỉ cùng tồn tại, mà còn xung đột với nhau. Dưới chân Trung tâm Tài chính Thế giới, một phụ nữ ăn xin quỳ trên vỉa hè, cúi rạp đầu trước một cái mũ. Những doanh nhân mặc vest đi ngang qua chẳng mảy may để ý tới bà.

Các quan chức ở Trung Quốc đang “đau đầu” vì tình trạng người nghèo nhập cư vào các thành phố lớn để tìm việc làm và một cuộc sống khá hơn. Nhưng các nhà chức trách không thể giúp được tất cả những đối tượng này.

Ông Li Wei, một nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Standard Chartered tại Thượng Hải, cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc trở nên giàu hơn, vẫn có hàng trăm triệu người dân ở nước này phải vật lộn thực sự trong cuộc sống hàng ngày. Các kinh tế gia và chính trị gia nước ngoài nhiều khi chẳng để ý tới gánh nặng phải quan tâm tới đối tượng này của Chính phủ Trung Quốc khi họ yêu cầu Trung Quốc phải đóng góp nhiều hơn cho những tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

“Nếu bạn sống ở miền Tây hoặc miền Trung của Trung Quốc, bạn sẽ chẳng hiểu nổi tại sao cộng đồng quốc tế lại đòi hỏi nhiều ở chúng tôi tới vậy. Người dân ở đó chỉ quan tâm tới chuyện kiếm sống hàng ngày, chứ chẳng biết tới chuyện giúp đỡ thế giới là gì”, ông Li nói.

Theo Giáo sư Shen Dingli thuộc Đại học Fudan ở Thượng Hải, còn có những lý do khác hạn chế khả năng của Trung Quốc trong vấn đề đóng góp nhiều hơn trên trường quốc tế. Ông Shen cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã tích lũy được thêm nhiều của cải vật chất, nhưng mặc khác cũng mất mát nhiều.

“Chúng tôi đã tích lũy được một số tiền khổng lồ, nhưng cũng đã gây ra những thiệt hại lớn về sinh thái. Chúng tôi đã không có được sự phát triển cân bằng và bền vững. Bởi thế tôi cho rằng, Trung Quốc vẫn là một nước nghèo xét về mặt môi trường, sinh thái và triết học”, ông Shen nhận xét.

Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Trung Quốc vào nhóm những quốc gia có thu nhập trung bình như Bolivia, Ấn Độ và Syria. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế phương Tây. Do đó, các quốc gia phương Tây lo ngại những tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc với vị thế mạnh hơn bao giờ hết có thể thâu tóm những tài sản giá trị như các mỏ khoáng sản và các tài sản chiến lược khác mà các công ty phương Tây kẹt tiền đành bán lại.

Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng nói “thách thức và cơ hội luôn đến cùng nhau”.

Trong bối cảnh các nước phương Tây ngập trong nợ nần và suy yếu kinh tế, câu hỏi liệu Trung Quốc là một “người khổng lồ” đáng vị nể, hay một quốc gia đang phát triển vẫn cần sự giúp đỡ, càng trở nên hiện thực hơn và cấp bách hơn. Nhưng việc trả lời chính xác câu hỏi này gần như là không thể, và phụ thuộc vào việc người ta nhìn nhận sự việc ở góc độ nào.

(Theo BBC)