Trung Quốc khai trương cầu vượt biển dài nhất thế giới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/10 đã chính thức khai trương cây cầu vượt biển lớn nhất thế giới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/10 đã chính thức khai trương cây cầu vượt biển lớn nhất thế giới nối từ Hồng Kông đến thành phố Chu Hải ở Trung Quốc đại lục và tới Macau.
Theo tin từ BBC, lễ khai trương cây cầu diễn ra 9 năm sau ngày khởi công xây dựng. Tính cả đường dẫn vào cầu, cây cầu có tổng chiều dài 55 km. Chi phí xây dựng cây cầu lên tới khoảng 20 tỷ USD, và trong quá trình thi công, dự án đã có nhiều lần bị hoãn.
Ông Tập Cận Bình đã dự lễ khai trương cầu diễn ra ở Chu Hải, cùng với lãnh đạo của hai vùng lãnh thổ Hồng Kông và Macau. Theo dự kiến, sau lễ khai trương, cây cầu sẽ chính thức thông xe vào ngày 24/10.
Cây cầu đặc biệt này được thiết kế để có thể chống chọi với động đất và những trận bão biển lớn, được xây bằng 400.000 tấn thép - lượng thép đủ để xây 60 tháp Effeil của Pháp.
Cây cầu có khoảng 30 km chiều dài đi qua vùng biển ở đồng bằng sông Châu của Trung Quốc. Để tàu bè có thể đi qua, một đoạn dài 6,7 km ở phần giữa của cây cầu được xây ngầm trong một đường hầm dưới biển nằm giữa hai hòn đảo nhân tạo.
Đường đi của cây cầu vượt biển lớn nhất thế giới - Nguồn: BBC.
Trước đây, việc di chuyển giữa Chu Hải và Hồng Kông có thể mất tới 4 giờ đồng hồ, nhưng với cây cầu mới này, thời gian di chuyển chỉ còn 30 phút.
Tuy nhiên, không phải xe cộ nào cũng có thể đi qua cây cầu này, mà phải xin một giấy phép đặc biệt được cấp theo hệ thống hạn ngạch. Xe cộ qua cầu sẽ phải trả phí.
Nhà chức trách ban đầu ước tính sẽ có khoảng 92.00 xe cộ vượt cầu mỗi ngày. Tuy nhiên, sau đó, con số dự báo được giảm xuống do có nhiều hệ thống giao thông mới được xây dựng trong khu vực.
Trong quá trình xây dựng, dự án cây cầu này đã vấp phải nhiều sự chỉ trích về vấn đề an toàn lao động. Theo nhà chức trách, đã có ít nhất 18 công nhân thiệt mạng trong quá trình xây cầu, chưa kể hàng trăm người khác bị thương.
Ngoài ra, các nhà bảo vệ môi trường cũng lo ngại dự án gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các loài sinh vật biển trong khu vực, bao gồm loại cá heo trắng Trung Quốc đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Cây cầu mất 9 năm để xây dựng - Ảnh: Getty/BBC.
Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của cây cầu cũng là một vấn đề. Theo ước tính của BBC, cây cầu sẽ chỉ mang về khoảng 86 triệu USD tiền phí mỗi năm. Trong khi đó, chi phí bảo dưỡng cầu đã tiêu tốn khoảng 1/3 số tiền này.
Các nhà phê bình thì cho rằng cây cầu chẳng đảm bảo lợi ích kinh tế gì. Một số nói mục đích của cây cầu chỉ là tạo ra một biểu tượng về sự kết nối của Hồng Kông với Trung Quốc đại lục.