“Trung Quốc nghi ngờ khả năng đạt thỏa thuận lâu dài với Mỹ”
Giới chức Trung Quốc đang nghi ngờ về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại toàn diện vào lâu dài với Mỹ, giới thạo tin cho hay
Giới chức Trung Quốc đang nghi ngờ về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại toàn diện vào lâu dài với Mỹ, cho dù hai bên đang đàm phán để ký kết thỏa thuận "giai đoạn 1" - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Nguồn tin tiết lộ, giới chức Trung Quốc nói họ sẽ không nhượng bộ Mỹ trong những vẫn đề gai góc nhất của đàm phán thương mại. Bắc Kinh cũng lo ngại về tính cách có phần bốc đồng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nguy cơ ông Trump có thể quay lưng lại với ngay cả thỏa thuận thương mại một phần mà hai nước dự kiến ký kết sau vài tuần nữa.
Theo dự định, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào giữa tháng 11 để ký thỏa thuận "giai đoạn 1". Tuy nhiên, Chile đã hủy đăng cai sự kiện này vì bất ổn xã hội leo thang.
Trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter vào ngày 31/10, ông Trump nói Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm một địa điểm mới để ký thỏa thuận. Ông cũng nói thỏa thuận "giai đoạn 1" sẽ chiếm "khoảng 60% thỏa thuận toàn diện".
Giới chức chính quyền ông Trump vẫn nói rằng thỏa thuận "giai đoạn 1" nhằm dẫn tới một thỏa thuận cuối cùng, toàn diện và lâu dài mà trong đó Trung Quốc sẽ phải thực thi các cải cách kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, phía Trung Quốc luôn thể hiện thái độ hoài nghi và giữ quan điểm muốn Mỹ phải dỡ thuế quan trừng phạt đã áp lên khoảng 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ đến hiện tại vẫn cho thấy chưa sẵn sàng cho việc dỡ thuế.
Nguồn thạo tin nói lập trường của Trung Quốc là không đòi Mỹ phải dỡ hết thuế ngay lập tức, nhưng việc dỡ thuế phải được bắt đầu, và thỏa thuận cuối cùng phải bao gồm xóa bỏ toàn bộ thuế quan trừng phạt.
Trước mắt, Trung Quốc muốn ông Trump hủy kế hoạch áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc dự kiến thực thi vào ngày 15/12 như một phần trong thỏa thuận "giai đoạn 1". Đây là kế hoạch mà đối tượng chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng như điện thoại thông minh (smartphone), quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em…
Trái với mong muốn của Trung Quốc, Mỹ muốn duy trì lâu dài thuế quan áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như một cách để buộc Bắc Kinh phải thực hiện các cam kết đã đưa ra.
Cũng theo nguồn tin, Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục đàm phán sau giai đoạn 1, nhưng cả hai bên đều nhận thấy rất khó để đạt nhất trí về những cải cách sâu về cơ cấu mà Mỹ muốn Trung Quốc phải thực hiện, bao gồm cải cách trong các doanh nghiệp quốc doanh - bộ phận vốn được coi là một đầu tàu tăng trưởng quan trọng của kinh tế Trung Quốc mà thông qua đó Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước.
"Nếu Mỹ đòi hỏi quá nhiều, chẳng hạn đòi thay đổi cơ cấu dẫn tới biến đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc, thì sẽ khó có chuyện thỏa thuận toàn diện được hoàn tất trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump", ông Zhou Xiaoming, một cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định.
"Có vẻ hai bên chưa gặp nhau về quan điểm", giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, người từng là chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận xét về cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.
Thỏa thuận "giai đoạn 1" mà hai bên đang cố gắng đàm phán dự kiến bao gồm việc Trung Quốc nối lại việc mua nông sản Mỹ và một số sản phẩm khác như máy bay. Thỏa thuận cũng có thể bao gồm cam kết của Trung Quốc về tăng bảo hộ tài sản trí tuệ Mỹ và một cam kết của hai bên về không thao túng tỷ giá đồng tiền của mỗi nước. Đổi lại, ông Trump đã nhất trí không thực thi kế hoạch áp thuế quan bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc vào hôm 15/10.