Trung Quốc ở Davos: Kêu gọi đầu tư, khẳng định sẽ mở cửa rộng hơn nữa
Phó Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh: “Một số người rằng Trung Quốc đang cố gắng hướng tới một nền kinh tế kế hoạch hóa, nhưng điều này tuyệt đối không thể. Cánh cổng lớn của Trung Quốc sẽ chỉ mở rộng hơn mà thôi”...
Khoảng 9 giờ sau khi công bố những số liệu tăng trưởng kinh tế chậm nhất của đất nước trong nhiều thập kỷ, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023 (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài.
Là người phụ trách về chính sách kinh tế, ông Lưu nhấn mạnh 5 bài học mà Trung Quốc học được từ sự tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ qua. Ông gọi đây là 5 điều mà “đất nước phải tuân thủ”, bao gồm lấy tăng trưởng kinh tế làm ưu tiên hàng đầu, vận dụng cơ chế thị trường, mở cửa nền kinh tế theo mọi hướng, quản lý theo pháp quyền trong đó có bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Đây là những điều mà chúng tôi đã theo đuổi kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa, và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì trong dài hạn mà không thay đổi”, ông Lưu phát biểu tại sự kiện trong khuông khổ WEF ngày 17/1. “Chính sách dài hạn được thiết lập vào năm 1978 bởi nhà lãnh đạo tối cao lúc đó là ông Đặng Tiểu Bình sẽ không bị đảo ngược”.
“Một số người rằng Trung Quốc đang cố gắng hướng tới một nền kinh tế kế hoạch hóa, nhưng điều này tuyệt đối không thể. Cánh cổng lớn của Trung Quốc sẽ chỉ mở rộng hơn mà thôi”, ông tiếp tục.
Thủ tướng Trung Quốc xuất hiện tại cuộc họp thường niên của WEF - cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Covid bùng phát - chưa đầy nửa ngày sau khi nước này công bố mức tăng trưởng kinh tế thực tế năm 2022 là 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5%.
Không tính mức tăng trưởng 2,2% vào năm 2020, thời điểm đầu đại dịch, dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1976. Nguyên nhân bắt nguồn từ các biện pháp phòng chống dịch hà khắc theo chiến lược Zero Covid kéo dài suốt gần 3 năm qua, cũng như cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước và môi trường kinh tế toàn cầu suy yếu. Từ đầu tháng 12/2022, nước này đã bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch và mở cửa trở lại.
Cũng trong bài phát biểu ở Davos, ông Lưu đề cập đến sáng kiến “thịnh vượng chung” của Trung Quốc, khẳng định đây không phải là sáng kiến nhằm thúc đẩy chủ nghĩa bình đẳng hay chủ nghĩa phúc lợi, mà nhằm tránh sự phân cực. Ông cũng thừa nhận sự chênh lệch thu nhập và giàu nghèo ở một mức độ nhất định là không thể tránh khỏi.
“Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là sự bình đẳng về cơ hội chứ không phải sự bình đẳng về kết quả,” ông Lưu phát biểu. “Các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh này.
Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ và các nước đồng minh vì có lập trường chống lại Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực, tăng trưởng toàn cầu chậm lại, thì "kiểu tư duy truyền thống sẽ không tạo ra lối thoát và chúng ta cần loại bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh”.
Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, bài phát biểu của ông Lưu dường như không gây được tiếng vang với khán giả tại WEF. Nhiều người có mặt tại hội trường đã rời đi trước khi bài phát biểu kết thúc. Điều này trái ngược với bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, người đã phát biểu trước ông Lưu trong khán phòng chật cứng và hầu hết khán giả ở lại cho tới khi kết thúc bài phát biểu. Tuy nhiên, lý do của việc này cũng có thể là bài phát biểu của bà von der Leyen kết thúc muộn hơn dự kiến khoảng 20 phút khiến bài phát biểu của ông Hạc kéo dài qua thời gian ăn trưa.
Trong một phiên họp khác cũng diễn ra vào ngày 17/1 với sự cộng tác của hãng tin Trung Quốc Caixin, ông Weng Jieming, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc, cũng lặp lại quan điểm của ông Lưu và nói rằng Trung Quốc đang bước vào một chương mới với “sự mở cửa chất lượng cao”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về chương mới này của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Nếu được yêu cầu mô tả chương tiếp theo của Trung Quốc, tôi sẽ nói rằng ‘vẫn còn bất định’”, ông Kevin Rudd, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Asia Society và là cựu Thủ tướng Australia, nói.