20:26 17/01/2023

Trung Quốc mở cửa và số liệu kinh tế khả quan bất ngờ, giới chuyên gia bớt lo về triển vọng năm 2023

Hoài Thu

Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại và nhiều số liệu lạc quan bất ngờ được công bố những tuần gần đây, các nhà kinh tế tỏ ra lạc quan hơn và bắt đầu điều chỉnh dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn đầu đã đưa ra trước đó...

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh trong ngắn hạn khi nền kinh tế khu vực đồng Euro không suy thoái mạnh như dự báo - Ảnh: Getty Images
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh trong ngắn hạn khi nền kinh tế khu vực đồng Euro không suy thoái mạnh như dự báo - Ảnh: Getty Images

Các dữ liệu được công bố tuần trước cho thấy lạm phát toàn cầu có dấu hiệu tăng chậm lại và sự suy thoái trong hoạt động kinh tế ít nghiêm trọng hơn. Điều này khiến ngân hàng Barclays hôm 13/1 nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 2,2% trong năm 2023, tăng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào giữa tháng 11 năm ngoái.

“Dự báo này được đưa ra chủ yếu dựa trên dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 4,8% mà chúng tôi đưa ra tuần trước. Điều này cũng phản ánh mức dự báo tăng 0,7 điểm phần trăm của kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro (lên mức -0,1%, chủ yếu nhờ triển vọng ở Đức), mức tăng 0,2 điểm phần trăm của Mỹ (lên 0,6%), Nhật (lên 1%) và Anh (lên -0,7%)”, giám đốc nghiên cứu kinh tế Christian Keller của Barclays cho biết.

“Mỹ sẽ vẫn trải qua suy thoái, vì chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ ở mức âm nhẹ trong ba quý (quý 2-4/2023), nhưng mức độ suy thoái không nghiêm trọng bởi tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ vẫn ở mức dương”, ông nói thêm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tại Mỹ đã giảm nhiệt, chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, đúng như dự báo của các nhà phân tích, chủ yếu nhờ giá năng lượng giảm và giá lương thực tăm chậm lại.

Tuy nhiên, theo ông Keller, một thước đo quan trọng hơn về sức khỏe nền kinh tế Mỹ và tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là chỉ số Tiền lương của Fed Atlanta tháng 12. 

Chủ tịch Fed Philadelphia, ông Patrick Harker, tuần trước nói rằng việc tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là động thái phù hợp trong tương lai. Chủ tịch Fed Boston, bà Susan Collins và Chủ tịch Fed San Francisco, bà Mary Daly, cũng có quan điểm tương tự.

Năm 2022, Fed đã tăng lãi suất mạnh tay nhằm kiềm chế lạm phát nhưng cũng kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm”. Barclays dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ điều chỉnh mức tăng lãi suất về mức 0,25 điểm phần trăm từ cuộc họp chính sách tháng 2/2023 trở đi và lãi suất quỹ liên bang Mỹ sẽ tăng lên 5,25% tại cuộc họp tháng 5, trước khi chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tại châu Âu, Barclays dự báo lạm phát lõi vẫn ở mức cao tại khu vực đồng Euro sẽ khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất hai lần với 0,5 điểm phần trăm mỗi lần vào tháng 2 và tháng 3, trước khi chấm dứt chu kỳ thắt chặt ở mức lãi suất 3% dù vẫn tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán.

 

"Dữ liệu GDP tốt hơn dự báo của Đức và Anh - hai tâm điểm cho tâm lý bi quan về tăng trưởng - đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy suy thoái kinh tế ít nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo được đưa ra vài tháng trước giữa lúc tình hình tăng lượng nhiều nhiều bất ổn".

Christian Keller, giám đốc nghiên cứu kinh tế của Barclays

Lạm phát cao tiếp tục dai dẳng tại Anh, nơi thị trường lao động vẫn thắt chặt, còn hóa đơn năng lượng được dự báo sẽ tăng trong tháng 4 tới, trong khi áp lực tăng lương với các doanh nghiệp gia tăng. Những yếu tố này khiến các nhà kinh tế cảnh báo về những tác động vòng hai từ lạm phát.

Trong dự báo mới nhất, Barclays nhận định Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5, sau khi tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 2 và 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3, đưa lãi suất cơ bản lên 4,5%.

Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế khả quan bất ngờ ở khu vực đồng Euro và Anh được công bố tuần trước có thể tạo thêm dư địa để các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và đưa lạm phát về mức mục tiêu.

“Dữ liệu GDP tốt hơn dự báo của Đức và Anh - hai tâm điểm cho tâm lý bi quan về tăng trưởng - đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy suy thoái kinh tế ít nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo được đưa ra vài tháng trước giữa lúc tình hình tăng lượng nhiều nhiều bất ổn”, ông Keller nói. “Dù có sự dao động tùy từng quốc gia, các gói hỗ trợ tài chính quy mô lớn nói chung ở châu Âu và Anh để ứng phó với giá năng lượng cao đã góp phần vào kết quả này, bên cạnh thị trường lao động khỏe mạnh và mức tiết kiệm của các hộ gia đình ở mức cao”.

Ngân hàng đầu tư Berenberg của Đức cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro dựa trên những thông tin tích cực gần đây, đặc biệt là giá khí đốt giảm, niềm tin của người tiêu dùng phục hồi và kỳ vọng kinh doanh được cải thiện.

Ngày 13/1, văn phòng thống kê liên bang Đức công bố dữ liệu cho thấy trong quý 4/2022, nền kinh tế lớn nhất châu Âu chỉ không tăng trưởng chứ không suy giảm. Nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg nhận định khả năng phục hồi của nền kinh tế Đức có ý nghĩa lớn với triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung gồm 20 thành viên.

Berenberg đã nâng dự báo tăng trưởng GDP tích lũy quý 4/2022 và quý 1/2023 của khu vực này từ mức -0,9% lên -0,3%.