16:32 03/10/2023

Trung Quốc phô diễn công nghệ đặc sắc tại Đại hội Thể thao Châu Á Hàng Châu

Bảo Ngọc

Thành phố 12 triệu dân này đang “tận dụng” Asian Games như một đòn bẩy giới thiệu các công nghệ tiên tiến từ Trung Quốc, bao gồm big data, trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR)…

Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), được biết đến như một siêu cường về công nghệ đổi mới và là quê hương của nhà sáng lập Alibaba Jack Ma. Đây cũng là nơi diễn ra Đại hội Thể thao châu Á từ 23/9 đến 8/10/2023.

Thành phố 12 triệu dân đang tận dụng sự kiện như một cơ hội để giới thiệu các công nghệ tiên tiến của đất nước, bao gồm big data, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo, CNA đưa tin.

Theo đó, phương tiện di chuyển xung quanh các địa điểm tổ chức Đại hội là các xe ô tô không người lái cung cấp cả tour tham quan và kem miễn phí. Thành phố cũng trang bị chó robot tuần tra thường xuyên các cơ sở cung cấp điện và máy bẫy muỗi tự động.

Vận động viên và du khách có thể tìm tới xe bán kem lưu động không người lái, thao tác đơn giản như vẫy tay là có thể chọn lựa nhiều hương vị kem đa dạng như bơ, đào và vani.

Tiếp theo, các booth chụp ảnh được trang bị 140 camera nhỏ có thể sáng tạo hình ảnh đại diện 3D cho khách tham quan trong vòng chỉ từ 5 đến 8 phút. Các hình đại diện (avatar) có thể di chuyển, nhảy, chơi và thậm chí tham gia vào thế giới metaverse “Hangzhou Games”, nơi diễn ra các trò chơi thể thao thực tế ảo tương tác với linh vật của Á vận hội.

Tại làng truyền thông, một chiếc xe buýt không người lái đưa đoàn nhà báo tham gia tour du lịch kéo dài 10 phút tham quan các vùng lân cận. Xe buýt này không giống thông thường - nó không có cửa sổ. Thay vào đó, xe trang bị màn hình hiển thị chế độ xem camera theo thời gian thực về đường xá và phong cảnh bên ngoài.

Một chiếc xe buýt không người lái đưa các nhà báo tham quan làng truyền thông tại Đại hội Thể thao châu Á ở Hàng Châu, Trung Quốc. Thay vì cửa sổ, có màn hình AR hiển thị chế độ xem camera thời gian thực về đường xá và phong cảnh bên ngoài. 
Một chiếc xe buýt không người lái đưa các nhà báo tham quan làng truyền thông tại Đại hội Thể thao châu Á ở Hàng Châu, Trung Quốc. Thay vì cửa sổ, có màn hình AR hiển thị chế độ xem camera thời gian thực về đường xá và phong cảnh bên ngoài. 

LÀNG TRÒ CHƠI THÔNG MINH VÀ THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Chính phủ Hàng Châu đã chi khoảng 30 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng liên quan đến Thế vận hội, với mục đích chứng tỏ làng Thế vận hội vận hành thông minh và thân thiện với môi trường. Trước tiên, tất cả các địa điểm đều được cung cấp năng lượng tái tạo.

Việc chia sẻ xe đạp được khuyến khích và “cư dân” các làng có thể tham gia vào vô số hoạt động thân thiện với môi trường nhằm tích lũy điểm trực tuyến đổi lấy quà tặng.

Phóng viên CNA Low Minmin đứng trong một gian hàng tạo hình đại diện 3D tại làng Asian Games ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Phóng viên CNA Low Minmin đứng trong một gian hàng tạo hình đại diện 3D tại làng Asian Games ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Phóng viên CNA Low Minmin đứng trong một gian hàng tạo hình đại diện 3D tại làng Asian Games ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Phóng viên CNA Low Minmin đứng trong một gian hàng tạo hình đại diện 3D tại làng Asian Games ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Hình đại diện của phóng viên CNA Low Minmin chơi bóng bàn với linh vật Lianlian trong metaverse Asian Games.
Hình đại diện của phóng viên CNA Low Minmin chơi bóng bàn với linh vật Lianlian trong metaverse Asian Games.

"Trong quá trình xây dựng dự án làng Asian Games này, chúng tôi đã kết hợp các giá trị xanh, thông minh, tiết kiệm và văn minh", ông Chen Zhanglin, phó trưởng làng Asian Games cho biết. “Ví dụ, về khía cạnh thân thiện môi trường, chúng tôi đã xem xét làm thế nào để sử dụng càng ít đất càng tốt. Chúng tôi cần phải sử dụng một cách hiệu quả tài nguyên đất đai, vật liệu và năng lượng”.

Ban tổ chức bày tỏ mong muốn chứng minh Trung Quốc là một cường quốc văn minh và có trách nhiệm, có ý thức về môi trường.

SỰ KIỆN THỂ THAO LỚN ĐẦU TIÊN KỂ TỪ KHI KẾT THÚC ZERO-COVID

Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 đã bị trì hoãn một năm do đại dịch COVID-19. Năm nay, sự kiện chính thức bắt đầu vào thứ bảy tuần trước (23/9) với buổi lễ khai mạc hoành tráng xứng danh thành phố Hàng Châu - một trong những trung tâm công nghệ của Trung Quốc.

Đây là sự kiện thể thao lớn đầu tiên mà Trung Quốc đăng cai kể từ khi nước này dỡ bỏ chính sách zero-COVID. Khoảng 12.000 vận động viên từ 45 quốc gia khắp châu lục đang tranh tài ở 40 môn thể thao.

Nhiều nghi vấn đã được đặt ra về hàng tỷ USD đổ vào tổ chức sự kiện lớn này, khi một số doanh nghiệp cảm thấy rằng họ vẫn chưa nhìn ra lợi ích thu được.

"Á vận hội không mang đến bất kỳ tác động tích cực nào tới chúng tôi vào lúc này. Mọi sinh hoạt vẫn giống như bình thường. Đây không phải là địa điểm thi đấu chính, vì vậy lượng khách vẫn không quá đông", anh Han Yi, một nhân viên cửa hàng tiện lợi tại trung tâm thành phố (cách địa điểm tổ chức Thế vận hội khoảng 12km), cho biết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết Thế vận hội đã mang lại những thay đổi đáng kể cho thành phố.

"Cảm giác như thành phố bây giờ có một diện mạo rất mới. Rất nhiều thứ đã thay đổi. Ví dụ như hệ thống giao thông tàu điện ngầm hay cách người dân trở nên quan tâm tin tức nhiều hơn", một người dân sinh sống tại Hàng Châu chia sẻ với CNA.

"Chúng ta có được cơ hội đăng cai Đại hội Thể thao châu Á, chúng tôi phải trân trọng cơ hội này và trở thành cư dân Hàng Châu có trách nhiệm. Chúng ta nên văn minh và lịch sự, thân thiện, giúp đỡ bạn bè quốc tế", một người dân địa phương khẳng định.

Thế vận hội ước tính sẽ thu hút hơn 20.000 du khách đến Hàng Châu, mang tới hy vọng tạo ra sự thúc đẩy cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc.