09:39 07/12/2007

Trung Quốc thắt chặt tiền tệ

Lê Hường

Trung Quốc đã chuyển chính sách tiền tệ từ “thận trọng” sang “thắt chặt”, thể hiện sự lo ngại của nước này về tốc tộ tăng GDP 2 con số

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức 11,5% trong 3 quý đầu tiên của năm nay.
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức 11,5% trong 3 quý đầu tiên của năm nay.
Tại cuộc hội nghị kinh tế thường niên vừa diễn ra trong tuần này, các quan chức của Chính phủ Trung Quốc đã công bố chuyển chính sách tiền tệ từ “thận trọng” sang “thắt chặt”, một tín hiệu thể hiện sự lo ngại của Bắc Kinh về tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức 11,5% trong 3 quý đầu tiên của năm nay. Tất cả các nhà kinh tế tham gia trong cuộc thăm dò ý kiến do Reuteurs thực hiện và được công bố hôm 4/12 vừa qua, đều nói rằng, họ dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ lại vượt quá 10% trong năm 2008.

“Chính phủ nên áp dụng những biện pháp mạnh để hãm phanh tốc độ tăng giá quá nhanh, đồng thời tăng cường sản xuất hàng hóa thiết yếu và các sản phẩm khác đang bị thiếu cung” đây là một tuyên bố được thống nhất ý kiến trong cuộc họp.

Chính phủ Trung Quốc quan ngại rằng, lạm phát có thể đã “bén rễ” từ thực phẩm sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Điều này sẽ “ngốn” thêm nhiều công sức của các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương trong nỗ lực đưa ra các thông lệ cho vay hiệu quả của những thể chế tài chính trong nước.

Đầu tư được xem là “bánh lái” của sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh mẽ với sự đóng góp lớn của xây dựng. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Dragonomics ở Bắc Kinh, lĩnh vực này từng bị chìm xuống trong giai đoạn 2004-2006 do các chính sách đất đai hạn chế và thắt chặt tín dụng, đến nay lại đang bùng phát với tốc độ phát triển 25%/năm trong hai năm 2007 và 2008.

Với lo ngại tăng trưởng công nghiệp quá nóng và “bong bóng” giá cả, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã nhấn một bước mạnh hơn vào mục tiêu lâu dài của Trung Quốc trong việc giảm phụ thuộc vào các khoản đầu tư, đây cũng được xem là một động lực cho sự tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng.

Thực tế, sự trỗi dậy này đã được định hướng bằng quyết định của Chính phủ về việc tăng nguồn cung nhà ở giá thấp, một phần trong những chính sách phân phối bình đẳng lợi nhuận từ tăng trưởng kinh tế. Jonathan Anderson, một nhà phân tích của UBS ở Hồng Kông nhận xét: “Tôi không nghĩ là ngân hàng trung ương muốn giảm mức cầu trong nước. Họ chỉ muốn tránh độ gia tốc lớn trong tăng trưởng”.

Từ trước đến nay, công cụ chính sách quan trọng nhất của Chính phủ trong việc kiểm soát xây dựng là nén chặt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của các khoản vay trong ngân hàng ở mức 17% và khoảng 13% trong năm 2008.
Kiểu “buộc túi” tiền này sẽ có tác động giới hạn đầu tư chung khi xấp xỉ một nửa số tiền đầu tư của các doanh nghiệp được trích từ lợi nhuận sẵn có, và chỉ khoảng 30-40% được đầu tư bằng các khoản vay của ngân hàng.

Ngoài ra, Trung Quốc đã năm lần tăng lãi suất trong năm nay, nỗ lực chính của việc làm này là để đối phó với lạm phát, mà ít có tác động thực đến nền kinh tế. Tín dụng vẫn chủ yếu được kiểm soát thông qua các can thiệp hành chính, do Chính phủ áp đặt cho các ngân hàng nhà nước. “Các bạn có thể còn được chứng kiến những cuộc hành quân của lãi suất nữa, điều này phụ thuộc vào các con số lạm phát”, ông Anderson nhận xét.

Trong một báo cáo khác tại hội nghị, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, năng suất lao động ở các doanh nghiệp công nghiệp lớn và vừa ở Trung Quốc từ năm 1995-2003 đã tăng với một tỷ lệ “chóng mặt” khoảng 20,4%. Số liệu thống kê cũng cho thấy, doanh thu trong quý ba của các công ty niêm yết trên thị trường Thượng Hải tăng khoảng 74%/năm, và 89% ở thị trường Thẩm Quyến, những con số này cho thấy sức nóng trong doanh thu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cho rằng, mức độ tái cơ cấu của các doanh nghiệp Trung Quốc đang ở tốc độ cao.

Các nhà hoạch định chính sách đã tìm cách “làm mát” đầu tư bằng việc cắt giảm tỷ lệ cho vay của ngân hàng thông qua các yêu cầu về tỷ lệ dự trữ cao hơn và các giới hạn hành chính đối với những khoản vay mới. Tuy nhiên, hiệu quả của động thái này bị giới hạn bởi năng lực đầu tư vốn từ lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Bà Gail Fosler, chủ tịch hội nghị và đồng tác giả của bản báo cáo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh nên có những hành động triệt để hơn. Thay vì “đánh bắt xa bờ” vào các khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ, nguồn tài chính của Trung Quốc nên được sử dụng để xây dựng một kế hoạch trợ cấp quốc gia nhằm hỗ trợ tiêu dùng, thông qua việc giảm rủi ro tài chính cá nhân mà những người dân bình thường có thể gặp phải, bà Fosler bình luận.