17:56 08/09/2012

Trung Quốc tung tiền kích thích tăng trưởng

An Huy

“Chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã có hành động thực tế để chặn đà suy giảm ngày càng tệ của nền kinh tế”

Hồi đầu năm nay, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ thoát đáy trong quý 1 hoặc quý 2 năm nay. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người tin là sự giảm tốc của nền kinh tế này sẽ kéo dài cho tới hết năm - Ảnh: AP.
Hồi đầu năm nay, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ thoát đáy trong quý 1 hoặc quý 2 năm nay. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người tin là sự giảm tốc của nền kinh tế này sẽ kéo dài cho tới hết năm - Ảnh: AP.
Chính phủ Trung Quốc vừa thông qua một loạt dự án cơ sở hạ tầng với ước tổng trị giá 156 tỷ USD nhằm hỗ trợ tốc độ tăng trưởng kinh tế đang trên đà suy giảm. Động thái này phần nào giảm bớt những lo ngại của các chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc phản ứng chậm chạp trước sự suy giảm tăng trưởng.

Theo báo Wall Street Journal, kế hoạch chi tiêu nói trên gửi đi tín hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc rốt cục cũng đã quan ngại những rủi ro từ một nền kinh tế giảm tốc và trở nên cởi mở hơn đối với chính sách kích thích.

“Chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã có hành động thực tế để chặn đà suy giảm ngày càng tệ của nền kinh tế”, nhà phân tích Lu Ting thuộc ngân hàng Bank of America - Merrill Lynch nhận định. Tuy nhiên, ông Lu cho rằng, kế hoạch mới này đến quá muộn để tránh cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tránh được sự giảm tốc sâu hơn trong quý 3.

Ngày 8/9, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã phát biểu về sự cần thiết phải nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định và phục hồi kinh tế, đồng thời cảnh báo rằng “ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính còn lâu mới kết thúc”. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Vladivostok, Nga, ông Hồ Cẩm Đào nhận định, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt “áp lực suy giảm đáng kể”.

Cơ quan hoạch định kinh tế của Trung Quốc là Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) đã thông qua 25 dự án tàu điện ngầm, 13 dự án đường bộ, 5 dự án xây dựng cảng và 2 dự án đường thủy. Trong số này có những kế hoạch lớn như xây dựng 240 km đường tàu điện ngầm và 138 nhà ga tàu điện ngầm ở thành phố Hạ Môn, hay kế hoạch xây hơn 300 km đường cao tốc 4 làn xe ở Tân Cương.

Hồi đầu năm nay, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ thoát đáy trong quý 1 hoặc quý 2 năm nay. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người tin là sự giảm tốc của nền kinh tế này sẽ kéo dài cho tới hết năm.

Các nhà kinh tế tỏ ra ngạc nhiên trước sự phản ứng khá thận trọng của Trung Quốc cho tới hiện tại trong việc hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời đưa ra những cách lý giải khác nhau cho vấn đề này. Cho đến nay, sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn chưa nghiêm trọng như hồi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Nhiều nhà chức trách Trung Quốc cho rằng, một kế hoạch kích thích kinh tế lớn vào lúc này có thể gây ra những hậu quả dài hạn như lạm phát hay các khoản vay có vấn đề trong hệ thống ngân hàng.

 “Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang diễn ra từ từ, không giống như sự sa sút bất ngờ như hồi cuối năm 2008 và vẫn chưa dẫn tới những áp lực lớn đối với thị trường việc làm”, chuyên gia Wang Tao của ngân hàng UBS nhận xét.

Bên cạnh đó, doanh số thị trường bất động sản và giá nhà đã bắt đầu tăng trở lại bất chấp những nỗ lực kiềm chế của Bắc Kinh, làm dấy lên những lo ngại rằng một gói kích thích kinh tế lớn có thể thổi bong bóng bất động sản phình to trở lại. Chưa kể, cuộc chuyển giao quyền lực mỗi thập kỷ chỉ có 1 lần sắp diễn ra ở Trung Quốc, nên các nhà lãnh đạo nước này có thể không muốn có những xáo trộn lớn.

UBS và ING là hai ngân hàng mới nhất cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay, xuống còn 7,5%, từ mức 8% và 8,1% trong lần dự báo trước đó. Nhiều ngân hàng khác như America Merrill Lynch, Goldman Sachs… đều đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.

Trong quý 2 vừa qua, kinh tế Trung Quốc tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng chậm nhất kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm mạnh nhờ kế hoạch đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn mà Bắc Kinh đưa ra. Trong đó, chỉ số Shanghai Composite Index của thị trường Thượng Hải tăng 3,7%, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ giữa tháng 1.

Chính phủ Trung Quốc không đưa ra con số cụ thể về tổng mức đầu tư cho các dự án vừa được thông qua. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Zhang Zhiwei của Nomura ước tính rằng, các dự án này, cùng với một số kế hoạch xây sân bay và cơ sở năng lượng mới gần đây, có tổng trị giá vào khoảng 1.000 tỷ Nhân dân tệ (158 tỷ USD), tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc, và kéo dài trong thời gian 4 năm.

“Chúng tôi tin là quyết định mà Chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra về những dự án này cho thấy tín hiệu về sự chuyển biến lập trường chính sách quan trọng từ thận trọng sang quyết đoán và chủ động hớn”, chuyên gia Zhang nhận xét.

Tuy nhiên, giá trị của các dự án mà Bắc Kinh vừa thông qua còn thua xa so với gói kích thích khổng lồ được tung ra hồi năm 2009-2010. Gói kích thích khi đó có trị giá lên tới 4.000 tỷ Nhân dân tệ và được thực hiện trong 2 năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, giá trị thực tế của gói kích thích đó còn lớn hơn nhiều bởi các khoản chi cấp địa phương vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng như hoạt động cho vay ồ ạt chưa từng có của các ngân hàng quốc doanh.