Trung ương bàn công tác cán bộ, cải cách tiền lương
Đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ
Sáng 7/5 hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 đã khai mạc tại Hà Nội.
Tại hội nghị này, Trung ương thảo luận cho ý kiến về các nội dung: xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, và một số vấn đề quan trọng khác.
Đánh giá cán bộ đa chiều
Theo ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ IV, Ban Tổ chức Trung ương, trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, đề án đã đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Thể hiện quyết tâm chặn đứng tiêu cực và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Một số giải pháp đồng bộ, hiệu quả được đề xuất trong đề án như, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và có sự so sánh, gắn đánh giá của cả nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Giải pháp đáng chú ý khác là thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND.
Đề án cũng đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng; xác định rõ khái niệm tiêu chí về nhân tài cũng như quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy; những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược.
Giải pháp nữa cũng được đề cập là xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ, hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để chủ trương "có lên, có xuống", "có vào, có ra" là việc bình thường trong công tác cán bộ....
Cải cách chính sách tiền lương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn tính toán của Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công là chính sách tiền lương hiện hành quy định tới 20 nhóm phụ cấp với gần 100 loại phụ cấp các loại. Như, phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút,...
Thực tế, nhiều loại phụ cấp có tính chất tương tự nhau, như phụ cấp chức vụ, chức danh cũng tương tự phụ cấp lãnh đạo nhưng vẫn được duy trì. Một cán bộ, viên chức có thể hưởng nhiều loại phụ cấp…
Một số loại phụ cấp không nhất quán như phụ cấp ở cơ quan Đảng từ Trung ương xuống cấp huyện là 30% nhưng ở cấp xã thì không áp dụng. Cũng với mức này, trong một Ban Đảng ở Trung ương lại chỉ có cấp Vụ trưởng trở xuống được hưởng còn chức danh Phó Trưởng Ban lại không được hưởng phụ cấp này.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) ông Nguyễn Quang Dũng cho biết, dự thảo đề án trình Trung ương đề xuất hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để phù hợp với luật cán bộ công chức và viên chức.
Trong thiết kế cải cách tiền lương sắp tới dự kiến đề nghị thiết kế 1 bảng lương theo chức vụ lãnh đạo. Ví dụ chức vụ vụ trưởng thì được hướng mức lương 17 triệu thì cứ ai được bổ nhiệm chức vụ này thì được hưởng mức lương đó và không phải thi nâng ngạch.
Điểm mới nữa là thiết kế 1 bảng lương đối với chuyên môn nghiệp vụ áp dụng chung đối với các ngành nghề áp dụng cho những người không giữ chức vụ lãnh đạo. Bảng lương này cũng được thiết kế đảm bảo tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo và thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ có thể phát triển nhưng không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo vẫn có thể tăng lương.
Cũng liên quan đến tiền lương và bảo hiểm xã hội, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh cho rằng hiện số năm hưởng lương hưu vớ bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu là hơi dài, có thể kéo ngắn xuống 15 năm vì thế giới đóng 16 năm đã được hưởng lương hưu rồi.
Ông Sinh nêu quan điểm, Việt Nam cũng có thể kéo 15-16 năm như thế giới để người dân thấy thời gian đóng góp giảm xuống, chỉ 15 năm là đã được hưởng lương hưu rồi, chưa kể khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm đảm bảo. Do đó chính sách cần thiết kế linh hoạt, kể cả chính sách lẫn việc hỗ trợ của nhà nước làm sao trở thành sức hút với người tham gia thì sẽ mở rộng được người tham gia.