Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Đừng nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”
Kết quả tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực trọng tâm, nhìn chung còn rất khiêm tốn
GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, vừa có cuộc trò chuyện với báo giới ngày cuối năm 2013. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản lược ghi nội dung cuộc trò chuyện này, Tiêu đề và các tựa đề trong bài do Tòa soạn đặt.
Đến giờ, đã trải qua ba năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Dự báo - không chỉ Việt Nam... hẫng
Nhìn lại về thời điểm hơn ba năm trước, khi chúng ta xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm để chuẩn bị cho Đại hội 11, lúc đó, đã xác định nhiều vấn đề, trong đó, có đặt ra nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Trên cơ sở đó đề ra mục tiêu phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 - 2015 là 7,0 - 7,5%, sau đó, chỉ tiêu này có được điều chỉnh xuống còn 6,5-7%.
Khi chúng ta xây dựng kế hoạch này thì khủng hoảng kinh tế thế giới đã xảy ra, chứ chúng ta không bị bất ngờ hay thiếu chủ động trong ứng phó với khủng hoảng. Nhưng phải nói rằng, phạm vi, tác động của khủng hoảng tài chính, khởi đầu từ năm 2008 đã gây ra hậu quả nhiều hơn, khó khăn nhiều hơn mức mà chúng ta có thể dự báo. Và không chỉ Việt Nam bị tình trạng dự báo chưa sát so với thực tế diễn ra như vậy. Kết quả là bình quân 3 năm qua, GDP tăng 5,6%/năm.
Dư luận có đặt ra vấn đề rằng, việc không đạt chỉ tiêu đề ra, có phải do điều hành của Chính phủ chưa đạt hay do các nguyên nhân khác, mà trước hết là vì việc đề ra chỉ tiêu chưa sát thực tế?
Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn điểm lại các diễn biến chủ yếu từ đó đến nay, từ việc xác định đường hướng đến việc thực thi chính sách. Ngay sau khi Đại hội 11 bế mạc (19/1/2011), tình hình kinh tế cả trong nước cũng như thế giới xuất hiện nhiều diễn biến xấu khiến kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có điều chỉnh. Khởi đầu là Nghị quyết 11 của Chính phủ, ban hành ngày 24/2/2011, chuyển trọng tâm điều hành chính sách sang “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Sau đó, tại Kết luận số 02-KL/TW, ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị, cũng xác định quan điểm chỉ đạo là tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo. Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP.
Bảy tháng sau đó, tại Hội nghị Trung ương 3, tháng 10/2011, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định sự đúng đắn của Kết luận 02- KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá 13, tháng 11/2011, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, đặt ra mục tiêu: “Trong 2 - 3 năm đầu, kế hoạch tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...”.
Như vậy, đến nay, có thể thấy rằng những điều chỉnh đó đều là rất cần thiết, rất đúng hướng, mở đường cho chúng ta từng bước vượt qua khó khăn, thử thách của thời kỳ khủng hoảng và đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Trong ba năm vừa qua, cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực.
Tất nhiên, so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng 11, thì có một số chỉ tiêu không đạt và đạt thấp, nhưng so với những gì mà chúng ta điều chỉnh, thì đã đạt được những thành tích rất căn bản, tích cực và đúng hướng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng vẫn giữ được ở mức hợp lý, an sinh và phúc lợi xã hội được chú trọng và tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.
Đừng nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”
Có ý kiến cho rằng, với lạm phát, không cần làm gì, cứ trùm chăn đi ngủ thì nó cũng tự xuống vì trong bối cảnh “mùa đông” của nền kinh tế mấy năm qua, lấy gì cho nó tăng?
Tôi không cho là như vậy. Năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng cao hơn 18% nhưng từ đó đến nay chúng ta luôn đảm bảo được mức năm sau thấp hơn năm trước, năm 2012 xuống còn 6,81% và dự kiến năm 2013 chỉ ở mức tăng khoảng hơn 6%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Tất nhiên, có ý kiến nói do tổng cầu yếu, nên lạm phát không tăng được. Điều đó cũng đúng nhưng xin lưu ý rằng, nếu không có một chính sách tốt trong điều hành nền kinh tế vĩ mô và không có các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng hướng thì làm sao đạt được kết quả như vậy. Nhất là trong điều kiện Việt Nam phải chịu rất nhiều tác động về vấn đề lạm phát, ở nhiều hướng, cả chi phí đẩy, cả cầu kéo và đặc biệt là lạm phát kỳ vọng, thường khiến CPI tăng rất mạnh...
Chúng ta cũng biết tại một số thời điểm của năm 2012, 2013, do phải điều chỉnh một số dịch vụ công đang bị neo ở mức thấp nên đã tạo ra chi phí đẩy,... khiến lạm phát tăng cao nhưng Chính phủ đã điều phối rất nhanh và kịp thời nên chúng ta có được kết quả kiềm chế lạm phát tốt hơn.
Cũng đừng bao giờ nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng nguy cơ tăng trở lại vẫn còn, do cải cách tiền lương chưa thực hiện được nhiều, chúng ta cũng đang tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với giá điện, than, dịch vụ công về y tế, giáo dục...
Giá cả thị trường, thế giới nhất là xăng dầu cũng có thể biến động mạnh do bất ổn ở một số khu vực trên thế giới. Nếu điều hành cung tiền và tín dụng không khoa học, sát thực, sử dụng đầu tư công kém hiệu quả cũng sẽ gia tăng áp lực lạm phát. Sức ép về lạm phát đối với chúng ta luôn là rất lớn.
Vì thế, tôi mới thường dùng từ “kiềm chế” lạm phát, chứ lẽ ra, một cách tích cực hơn cả là chúng ta phải “kiểm soát” được lạm phát.
Niềm tin sẽ được củng cố hơn
Với vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, năm 2013, cũng là một năm xuất hiện không ít chỉ trích từ một số chuyên gia về tiến độ chậm trễ tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi cho rằng, nhìn một cách thật công bằng, thì Chính phủ đã triển khai khá toàn diện tái cơ cấu nền kinh tế và đã đạt được kết quả bước đầu, nhất là trong việc xây dựng khung khổ, thể chế cho quá trình tái cơ cấu.
Theo đánh giá của tôi, thì có thể coi đây là một trong ba thành tích mà chúng ta đạt được trong năm 2013, bên cạnh thành tích về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và những thành tích về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo.
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 3, tháng 10/2011, chúng ta đã xác định tái cấu trúc nền kinh tế trong 5 năm tới cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất, đó là: tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phê duyệt các đề án liên quan đến tái cấu trúc. Đối với tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đã thực hiện những giải pháp mang tính đột phá theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg.
Đối với cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, đã ban hành các chính sách đảm bảo hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước ổn định, nguy cơ đổ vỡ cơ bản được đẩy lùi.
Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách... Trong năm 2013, chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đang triển khai đề án này một cách khẩn trương.
Nhưng Chính phủ cũng thừa nhận tiến trình này chưa được như mong muốn. Kết quả tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực trọng tâm, nhìn chung còn rất khiêm tốn. Bản thân việc tái cơ cấu nền kinh tế, đã được đề cập đến từ Nghị quyết Đại hội 11.
Nhưng suốt từ đó đến nay, nền kinh tế luôn gặp phải hoàn cảnh rất khó khăn, nên chúng ta phải tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn của nền kinh tế như nợ xấu tăng cao, tồn kho tăng cao, bất động sản đóng băng... nên nỗ lực tái cấu trúc chưa được như mong muốn.
Cùng với đó, nguồn lực để thực hiện tiến trình này cũng rất hạn chế. Như việc chúng ta thành lập công ty quản lý tài sản để giải quyết nợ xấu, là giải pháp đúng, cần thiết.
Nhưng phải nói rằng, các nước lớn, có nhiều nguồn lực thì cách làm của họ có thể khác. Cũng cần nhìn nhận cả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, có lúc, có nơi cũng chưa quyết liệt, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương còn thiếu hiệu quả.
Vì những lý do đó nên tái cơ cấu nền kinh tế tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng kết quả chưa như mong muốn. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, phải đạt được chuyển biến thực sự và có kết quả cụ thể, rõ ràng hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Đối với tình hình năm 2014. Kinh tế thế giới năm 2014 được dự báo tăng trưởng cao hơn, ở mức 3,6% so với mức 2,9% của năm 2013. Tình hình trong nước tiếp tục những động thái tích cực, kinh tế trên đà phục hồi và ổn định hơn, niềm tin của doanh nghiệp và người dân sẽ được củng cố hơn.
Những thành quả mà chúng ta đạt được trong ba năm qua, cho phép trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ này tiếp tục củng cố tính vững chắc của kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát và cho phép chúng ta nghĩ đến phục hồi sản xuất kinh doanh và nhịp độ tăng trưởng theo mục tiêu hợp lý.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Đến giờ, đã trải qua ba năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Dự báo - không chỉ Việt Nam... hẫng
Nhìn lại về thời điểm hơn ba năm trước, khi chúng ta xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm để chuẩn bị cho Đại hội 11, lúc đó, đã xác định nhiều vấn đề, trong đó, có đặt ra nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Trên cơ sở đó đề ra mục tiêu phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 - 2015 là 7,0 - 7,5%, sau đó, chỉ tiêu này có được điều chỉnh xuống còn 6,5-7%.
Khi chúng ta xây dựng kế hoạch này thì khủng hoảng kinh tế thế giới đã xảy ra, chứ chúng ta không bị bất ngờ hay thiếu chủ động trong ứng phó với khủng hoảng. Nhưng phải nói rằng, phạm vi, tác động của khủng hoảng tài chính, khởi đầu từ năm 2008 đã gây ra hậu quả nhiều hơn, khó khăn nhiều hơn mức mà chúng ta có thể dự báo. Và không chỉ Việt Nam bị tình trạng dự báo chưa sát so với thực tế diễn ra như vậy. Kết quả là bình quân 3 năm qua, GDP tăng 5,6%/năm.
Dư luận có đặt ra vấn đề rằng, việc không đạt chỉ tiêu đề ra, có phải do điều hành của Chính phủ chưa đạt hay do các nguyên nhân khác, mà trước hết là vì việc đề ra chỉ tiêu chưa sát thực tế?
Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn điểm lại các diễn biến chủ yếu từ đó đến nay, từ việc xác định đường hướng đến việc thực thi chính sách. Ngay sau khi Đại hội 11 bế mạc (19/1/2011), tình hình kinh tế cả trong nước cũng như thế giới xuất hiện nhiều diễn biến xấu khiến kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có điều chỉnh. Khởi đầu là Nghị quyết 11 của Chính phủ, ban hành ngày 24/2/2011, chuyển trọng tâm điều hành chính sách sang “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Sau đó, tại Kết luận số 02-KL/TW, ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị, cũng xác định quan điểm chỉ đạo là tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo. Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP.
Bảy tháng sau đó, tại Hội nghị Trung ương 3, tháng 10/2011, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định sự đúng đắn của Kết luận 02- KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá 13, tháng 11/2011, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, đặt ra mục tiêu: “Trong 2 - 3 năm đầu, kế hoạch tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...”.
Như vậy, đến nay, có thể thấy rằng những điều chỉnh đó đều là rất cần thiết, rất đúng hướng, mở đường cho chúng ta từng bước vượt qua khó khăn, thử thách của thời kỳ khủng hoảng và đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Trong ba năm vừa qua, cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực.
Tất nhiên, so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng 11, thì có một số chỉ tiêu không đạt và đạt thấp, nhưng so với những gì mà chúng ta điều chỉnh, thì đã đạt được những thành tích rất căn bản, tích cực và đúng hướng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng vẫn giữ được ở mức hợp lý, an sinh và phúc lợi xã hội được chú trọng và tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.
Đừng nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”
Có ý kiến cho rằng, với lạm phát, không cần làm gì, cứ trùm chăn đi ngủ thì nó cũng tự xuống vì trong bối cảnh “mùa đông” của nền kinh tế mấy năm qua, lấy gì cho nó tăng?
Tôi không cho là như vậy. Năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng cao hơn 18% nhưng từ đó đến nay chúng ta luôn đảm bảo được mức năm sau thấp hơn năm trước, năm 2012 xuống còn 6,81% và dự kiến năm 2013 chỉ ở mức tăng khoảng hơn 6%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Tất nhiên, có ý kiến nói do tổng cầu yếu, nên lạm phát không tăng được. Điều đó cũng đúng nhưng xin lưu ý rằng, nếu không có một chính sách tốt trong điều hành nền kinh tế vĩ mô và không có các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng hướng thì làm sao đạt được kết quả như vậy. Nhất là trong điều kiện Việt Nam phải chịu rất nhiều tác động về vấn đề lạm phát, ở nhiều hướng, cả chi phí đẩy, cả cầu kéo và đặc biệt là lạm phát kỳ vọng, thường khiến CPI tăng rất mạnh...
Chúng ta cũng biết tại một số thời điểm của năm 2012, 2013, do phải điều chỉnh một số dịch vụ công đang bị neo ở mức thấp nên đã tạo ra chi phí đẩy,... khiến lạm phát tăng cao nhưng Chính phủ đã điều phối rất nhanh và kịp thời nên chúng ta có được kết quả kiềm chế lạm phát tốt hơn.
Cũng đừng bao giờ nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng nguy cơ tăng trở lại vẫn còn, do cải cách tiền lương chưa thực hiện được nhiều, chúng ta cũng đang tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với giá điện, than, dịch vụ công về y tế, giáo dục...
Giá cả thị trường, thế giới nhất là xăng dầu cũng có thể biến động mạnh do bất ổn ở một số khu vực trên thế giới. Nếu điều hành cung tiền và tín dụng không khoa học, sát thực, sử dụng đầu tư công kém hiệu quả cũng sẽ gia tăng áp lực lạm phát. Sức ép về lạm phát đối với chúng ta luôn là rất lớn.
Vì thế, tôi mới thường dùng từ “kiềm chế” lạm phát, chứ lẽ ra, một cách tích cực hơn cả là chúng ta phải “kiểm soát” được lạm phát.
Niềm tin sẽ được củng cố hơn
Với vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, năm 2013, cũng là một năm xuất hiện không ít chỉ trích từ một số chuyên gia về tiến độ chậm trễ tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi cho rằng, nhìn một cách thật công bằng, thì Chính phủ đã triển khai khá toàn diện tái cơ cấu nền kinh tế và đã đạt được kết quả bước đầu, nhất là trong việc xây dựng khung khổ, thể chế cho quá trình tái cơ cấu.
Theo đánh giá của tôi, thì có thể coi đây là một trong ba thành tích mà chúng ta đạt được trong năm 2013, bên cạnh thành tích về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và những thành tích về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo.
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 3, tháng 10/2011, chúng ta đã xác định tái cấu trúc nền kinh tế trong 5 năm tới cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất, đó là: tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phê duyệt các đề án liên quan đến tái cấu trúc. Đối với tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đã thực hiện những giải pháp mang tính đột phá theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg.
Đối với cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, đã ban hành các chính sách đảm bảo hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước ổn định, nguy cơ đổ vỡ cơ bản được đẩy lùi.
Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách... Trong năm 2013, chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đang triển khai đề án này một cách khẩn trương.
Nhưng Chính phủ cũng thừa nhận tiến trình này chưa được như mong muốn. Kết quả tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực trọng tâm, nhìn chung còn rất khiêm tốn. Bản thân việc tái cơ cấu nền kinh tế, đã được đề cập đến từ Nghị quyết Đại hội 11.
Nhưng suốt từ đó đến nay, nền kinh tế luôn gặp phải hoàn cảnh rất khó khăn, nên chúng ta phải tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn của nền kinh tế như nợ xấu tăng cao, tồn kho tăng cao, bất động sản đóng băng... nên nỗ lực tái cấu trúc chưa được như mong muốn.
Cùng với đó, nguồn lực để thực hiện tiến trình này cũng rất hạn chế. Như việc chúng ta thành lập công ty quản lý tài sản để giải quyết nợ xấu, là giải pháp đúng, cần thiết.
Nhưng phải nói rằng, các nước lớn, có nhiều nguồn lực thì cách làm của họ có thể khác. Cũng cần nhìn nhận cả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, có lúc, có nơi cũng chưa quyết liệt, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương còn thiếu hiệu quả.
Vì những lý do đó nên tái cơ cấu nền kinh tế tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng kết quả chưa như mong muốn. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, phải đạt được chuyển biến thực sự và có kết quả cụ thể, rõ ràng hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Đối với tình hình năm 2014. Kinh tế thế giới năm 2014 được dự báo tăng trưởng cao hơn, ở mức 3,6% so với mức 2,9% của năm 2013. Tình hình trong nước tiếp tục những động thái tích cực, kinh tế trên đà phục hồi và ổn định hơn, niềm tin của doanh nghiệp và người dân sẽ được củng cố hơn.
Những thành quả mà chúng ta đạt được trong ba năm qua, cho phép trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ này tiếp tục củng cố tính vững chắc của kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát và cho phép chúng ta nghĩ đến phục hồi sản xuất kinh doanh và nhịp độ tăng trưởng theo mục tiêu hợp lý.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)