"Truy tố oan tan nát số phận con người thì công khai, ai làm oan thì lại mật"
Trước khi trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh một vấn đề mà đã hơn một lần bà phải lên tiếng tại nghị trường: Lạm dụng dấu mật
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã phải thốt lên như thế trước khi trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo của các cơ quan tư pháp tại phiên họp sáng 12/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng chống tham nhũng, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2019.
Trước khi trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh một vấn đề mà đã hơn một lần bà phải lên tiếng tại nghị trường: lạm dụng dấu mật.
Những báo cáo nói trên, theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, ngoại trừ số liệu tại báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao rất minh bạch, còn lại cả báo cáo của Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều đóng dấu tối mật vào nhiều nội dung mà theo Uỷ ban Tư pháp thì không thể cho là mật được.
Tại sao khi truy tố, xét xử, làm oan làm tan nát cuộc đời của một con người thì công khai, nhưng đến số liệu bao nhiêu trường hợp oan và ai làm oan thì lại là mật? bà Nga nêu ví dụ.
Chủ nhiệm Nga cũng nêu lại vấn đề mà bà cho biết đã từng nói trước đây là tại sao tổng số các vụ tử hình là tối mật, trong khi từng vụ thì công khai, nếu chỉ cần đếm từng vụ thì cũng ra được tổng số vụ.
Tổng số phạm nhân tự sát, trốn trại tại sao lại là tối mật? số lượng cán bộ chiến sỹ trại giam vi phạm cũng tối mật?, bà Nga tiếp tục nêu những con số mà theo bà đóng dấu mật là không đúng.
Hiện nay đã có Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nên các ngành phải sửa danh mục tài liệu mật, nếu không thì không đảm bảo tính công minh trong hoạt động tư pháp, Chủ nhiệm Nga đề nghị.
Chính vì những lý do nêu trên mà nhiều vấn đề báo cáo thẩm tra phải chú thích "đề nghị xem trong phụ lục số liệu mật".
Chẳng hạn, trong công tác điều tra xử lý tội phạm, báo cáo nêu số phạm nhân trốn, chết do tự sát tại trại tạm giam, nhà tạm giữ tăng so với cùng kỳ, nhưng số liệu cụ thể thì đề nghị xem trong phụ lục số liệu mật.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh "đáng lưu ý để xảy ra một số trường hợp bị khởi tố oan", nhưng tương tự như trên, cũng không thể nêu con số.
Liên quan đến báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bà Nga dẫn lại thông tin từ báo cáo của Viện trưởng là các cấp không phê chuẩn 98 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 144 quyết định gia hạn tạm giữ, 132 lệnh bắt bị can để tạm giam".
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo cụ thể trong các trường hợp viện kiểm sát nhân dân không phê chuẩn nêu trên có bao nhiêu trường hợp bị oan theo quy định tạiđiều 18 và điều 34 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bao nhiêu trường hợp thuộc diện không cần thiết áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam?
Một lưu ý khác từ cơ quan thẩm tra là năm 2019, số trường hợp bị oan tăng 50% so với năm 2018 (con số cụ thể không công khai).
Về thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, cơ quan thẩm tra nhận xét, việc thương lượng, bồi thường, tổ chức xin lỗi công khai người bị oan được thực hiện đúng quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn bồi thường của các cơ quan còn thấp, cơ quan điều tra mới giải quyết được 3/12 vụ, chỉ đạt 25%. Viện kiểm sát nhân dân mới giải quyết được 16/34 vụ, tỷ lệ 47,1%. Toà án nhân dân giải quyết 3/07 vụ, tỷ lệ 42,8%. Cơ quan thi hành án dân sự mới giải quyết được 6/13 trường hợp tỷ lệ 46,1%.
Một số cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường chưa bảo đảm thời hạn theo quy định của pháp luật, cá biệt có một số vụ đã kéo dài qua nhiều năm, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết.