TSMC xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại Châu Âu trị giá 11 tỷ USD
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên ở châu Âu với sự hỗ trợ của chính phủ Đức. Được biết, động thái mới nhất này của TSMC là nhằm giúp các nhà sản xuất tại châu u bớt phụ thuộc vào hàng nhập khẩu công nghệ cao từ châu Á…
TSMC cho biết họ đã phê duyệt khoản đầu tư 3,8 tỷ USD vào nhà máy ở Đức, với tổng vốn đầu tư vào nhà máy dự kiến vượt 10 tỷ euro, tương đương 11 tỷ USD, bao gồm cả hỗ trợ từ phía chính phủ Đức. Bộ Kinh tế Đức cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ dự án nếu được Liên minh châu Âu chấp thuận và họ cũng đang nới lỏng các giới hạn về trợ cấp của chính phủ cho dự án bán dẫn.
Quyết định của Bộ kinh tế Đức được đưa ra vài tuần sau khi Berlin cho biết họ sẽ trả 10 tỷ euro để hỗ trợ khoản đầu tư 30 tỷ euro của Intel vào hai nhà máy ở Magdeburg, miền đông nước Đức. Đây là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất từng được chính phủ quốc gia này thực hiện.
EU THÚC ĐẨY NGÀNH CÔNG NGHIỆP NỘI ĐỊA, GIẢM PHỤ THUỘC NHẬP KHẨU CÔNG NGHỆ
EU đang tìm cách tăng gấp đôi thị phần của mình trên thị trường chất bán dẫn toàn cầu nhằm củng cố lợi thế chuỗi cung ứng công nghệ cao và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài châu lục.
Vào tháng 7 vừa qua, Đức đã công bố tài liệu chiến lược đầu tiên liên quan đến Trung Quốc. Họ tuyên bố sẽ hạn chế sử dụng và phụ thuộc công nghệ Trung Quốc vào nền kinh tế của đất nước, bằng cách tăng cường hỗ trợ đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước.
Nhà máy của TSMC tại Đức sẽ được thành lập như một liên doanh với một số công ty sản xuất chip có trụ sở tại EU bao gồm Bosch, Infineon và NXP. TSMC cho biết họ sẽ điều hành nhà máy và nắm giữ 70% cổ phần trong liên doanh, ba công ty còn lại, mỗi công ty nắm giữ 10%. Công ty cho biết việc xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2024 và nhà máy sẽ bắt đầu đi vào sản xuất từ cuối năm 2027.
Tuy nhiên, giống như tình trạng nhiều công ty sản xuất chất bán dẫn khác đang phải trải qua, TSMC phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm nhu cầu tiêu dùng yếu, chi phí gia tăng và thiếu công nhân lành nghề. Tuy nhiên, TSMC đã tìm cách giảm bớt khả năng bị tổn thương trước những căng thẳng địa chính trị bằng cách phân bổ tài sản của mình trên toàn cầu.
Ngoài châu Âu, đối tác sản xuất chip cho một loại các sản phẩm điện tử của các công ty lớn bao gồm Apple, TSMC hiện cũng đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip tại các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản.
Công ty đang kêu gọi tới 15 tỷ USD từ chính quyền Biden cho kế hoạch xây dựng hai nhà máy sản xuất chip ở Arizona. Tuy nhiên, công ty cho biết họ đang lo ngại về các quy định và yêu cầu chia sẻ lợi nhuận từ các nhà máy và cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động của họ với chính phủ Hoa Kỳ. TSMC cũng cho biết gần đây họ đã phê duyệt khoản đầu tư vốn không quá 4,5 tỷ USD như một phần trong tổng khoản đầu tư 40 tỷ USD vào Arizona.
Trước đó, chính quyền Washington đã ban hành Đạo luật Chips trị giá 53 tỷ USD nhằm mục đích thu hút các khoản đầu tư vào chất bán dẫn đến Hoa Kỳ và Đạo luật Giảm lạm phát, đưa ra các khuyến khích hỗ trợ đầu tư công nghệ xanh.
CHÂU ÂU LÀ MỎ VÀNG MỚI CỦA TSMC
Nhà máy mới trị giá hàng tỷ USD tại Đức sẽ được đặt ở Dresden, thuộc bang miền đông Sachsen, nơi đã trở thành trung tâm công nghệ và công nghiệp kể từ khi nước Đức thống nhất ba thập kỷ trước. Công ty cho biết nhà máy này sẽ chuyên sản xuất các loại chip kém tiên tiến hơn thường được sử dụng trong ô tô.
Theo tờ Wall Street Journal, các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ giúp TSMC bù đắp những bất lợi trong khu vực như chi phí vận hành cao hơn và sự khan hiếm công nhân lành nghề để xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất chip ở châu Âu so với Đài Loan.
Theo chia sẻ của TSMC, thiếu hụt nhân tài là trở ngại cho quyết định mở rộng ra nước ngoài của công ty. Tháng trước, họ cho biết nhà máy tại tiểu bang Arizona (Mỹ) có thể sẽ chưa thể bắt đầu sản xuất vào năm tới, vì thiếu hụt nhân sự có chuyên môn tại địa phương. Các chuyên gia trong ngành cho biết TSMC cũng có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự tương tự khi mở rộng sang Châu Âu và Nhật Bản.
Việc thúc đẩy một cơ sở sản xuất ở Châu Âu có thể mang lại lợi ích cho TSMC khi nhà sản xuất chất bán dẫn này có thể tiếp cận gần hơn với các khách hàng là những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Được biết, trong thời kỳ đại dịch, các nhà sản xuất ô tô tại Châu Âu từng phải đóng cửa các nhà máy và cắt giảm sản xuất trong đại dịch vì thiếu chất bán dẫn cần thiết cho điều hòa không khí, điều khiển động cơ và các chức năng khác. Điều này đã khiến cho các công ty này thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu. Chính vì vậy, họ mong muốn xây dựng một hệ thống sản xuất vững chắc bằng cách hợp tác với các nhà sản xuất chip như TSMC…