Uẩn khúc sau sự thoái lui của Chứng khoán Kim Long
Một trong những tổ chức góp phần đặt nền móng đầu tiên cho thị trường chứng khoán Việt Nam chấp nhận thất bại trước thị trường?
Thông tin về Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS), một trong những tổ chức góp phần đặt nền móng đầu tiên cho thị trường chứng khoán Việt Nam phải “đành lòng” từ bỏ “mác” công ty chứng khoán khiến thị trường xôn xao.
Đây là lần đầu tiên một tổ chức trung gian của thị trường, đầu tư chuyên nghiệp, nổi tiếng với nghiệp vụ tự doanh phải chấp nhận thay đổi ngành nghề kinh doanh, cắt bỏ nghiệp vụ môi giới. Từ trường hợp của công ty chứng khoán Vincom, nay đến trường hợp của KLS, tín hiệu về sự cạnh tranh khốc liệt của một thị trường có tới 105 công ty chứng khoán đã phát đi rõ hơn.
Chiều nay, KLS đã chính thức thông báo kế hoạch sẽ trình đại hội cổ đông, chuyển đổi từ Công ty Chứng khoán Kim Long thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Kim Long. Mọi việc đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận cuối cùng vì còn phải thông qua đại hội cổ đông. Tuy nhiên, việc KLS rất có thể sẽ không còn là một công ty chứng khoán nữa chắc chắn sẽ gây sốc với giới đầu tư.
Theo ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị KLS, bản chất của sự chuyển đổi là KLS sẽ không còn thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán nữa, không còn thực hiện ngành nghề kinh doanh chứng khoán nữa nhưng vẫn kế thừa tất cả những thế mạnh đang có. Thoát khỏi “cái áo chật” với tên gọi “công ty chứng khoán”, KLS sẽ có lợi thế hơn nhiều để tập trung vào những lĩnh vực sử dụng hiệu quả nhất lượng vốn rất lớn mà công ty đang có, trong đó đặc biệt là lĩnh vực đầu tư góp vốn cổ phần (Private Equity).
“Chắc chắn sẽ rất bất ngờ khi nhiều doanh nghiệp “xin” làm công ty chứng khoán trong khi KLS lại xin ra. Tuy nhiên, mục đích của sự chuyển đổi, tái cơ cấu này là nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho công ty, cho cổ đông”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, những nghiệp vụ chính của một công ty chứng khoán hiện đang bị cạnh tranh mạnh mẽ. Các hoạt động này có thể không lỗ, nhưng lãi quá nhỏ, không thể tạo đột biến về doanh thu và lợi nhuận.
Lĩnh vực môi giới mặc dù được nhiều công ty sử dụng như một công cụ để nâng cao danh tiếng nhưng chi phí cũng rất lớn, rủi ro đạo đức không nhỏ. Độ cạnh tranh rất cao giữa 105 công ty và nhà đầu tư chủ yếu lựa chọn những công ty cho đòn bẩy lớn, các hình thức lách luật, thậm chí là đánh sóng. Các dịch vụ này có rủi ro rất cao, chẳng hạn nếu cho một nhà đầu tư vay 1 tỷ đồng thì 1.000 khách hàng sẽ tạo số dư 1.000 tỷ đồng. Đây là khoản phải thu khổng lồ và độ rủi ro rất cao vì phụ thuộc vào điều kiện thị trường.
Nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành cũng bị cạnh tranh mạnh, mức phí trên mỗi hợp đồng có xu hướng giảm đi. Với KLS, hoạt động tư vấn không đem lại doanh thu trực tiếp mà chủ yếu hỗ trợ môi giới và tự doanh. Hoạt động bảo lãnh phát hành tại Việt Nam không sôi động, doanh nghiệp không chấp nhận mức phí cao, và hoạt động này không mang lại hiệu quả nhiều cho công ty.
Với nghiệp vụ đầu tư, công ty chứng khoán có danh mục đầu tư lớn rất khó hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh thị trường hiện tại. Thời gian của các khoản đầu tư đòi hỏi phải dài hơn, tăng cường đầu tư theo giá trị. Đầu tư ngắn hạn trên sàn không hạn chế bởi bất kỳ tổ chức nào, thậm chí một công ty chứng khoán còn bất lợi hơn một tổ chức đầu tư thông thường. KLS dù không còn là công ty chứng khoán thì vẫn có thể phát huy lợi thế của mảng tự doanh hiện có.
Mặt khác, “chiếc áo chật” của những quy định đối với công ty chứng khoán lại bó buộc hoạt động đầu tư giá trị của KLS. Chẳng hạn hiện công ty chứng khoán không thể đầu tư quá 20% số cổ phần của một công ty niêm yết, không được mua quá 15% cổ phần của công ty chưa niêm yết. Thoát khỏi cái “mác” công ty chứng khoán, KLS có thể gia tăng quy mô đầu tư vào doanh nghiệp, thực hiện nhiều hơn cơ hội thâu tóm, sáp nhập.
Riêng với “nghiệp chứng khoán”, ông Nam khẳng định nếu cần thiết, KLS hoàn toàn có thể thành lập hoặc thâu tóm một công ty chứng khoán khác làm công ty con của mình để phát triển nghiệp vụ.
Tóm lại, việc tái cơ cấu KLS trở thành một dạng công ty đầu tư hay ngân hàng đầu tư không làm thay đổi nhiều trong hoạt động, thậm chí còn thuận lợi hơn. Có chăng thương hiệu “Công ty Chứng khoán Kim Long” không còn nữa có thể gây sốc. Sức mạnh của đội ngũ phân tích, đầu tư hiện tại vẫn có thể phát huy. Theo ông Nam, điều quan trọng nhất là KLS có thể sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng đang có trong tay.
Tái cơ cấu, chuyển hướng kinh doanh là hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Tuy nhiên lần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự “thay áo” của một doanh nghiệp như vậy. Biết đâu, đây cũng là uẩn khúc khó nói của rất nhiều công ty chứng khoán khác, vốn dĩ đã bùng nổ như nấm sau mưa thời kỳ thị trường hưng vượng, nay đang chật vật xoay sở trong gian khó.