Uber-Grab sáp nhập, quyền lợi người tiêu dùng có ảnh hưởng?
Cạnh tranh là quy luật của thị trường, doanh nghiệp nào hoạt động phù hợp với xu thế của thời đại thì sẽ thắng
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Uber và Grab đều là những doanh nghiệp thông minh, thừa hiểu kết quả nếu tăng giá cước nên người tiêu dùng có thể yên tâm.
Có thể yên tâm về giá cước
Sau gần 4 năm cạnh tranh quyết liệt, cuối cùng Uber đã rời khỏi thị trường Việt Nam bằng việc "bán mình" cho Grab. Sự sáp nhập giữa hai ông lớn trong ngành vận tải hành khách khiến không ít người lo ngại vấn đề độc quyền, tăng giá từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng Việt.
Đứng dưới góc độ khách hàng, trao đổi với VnEconomy, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, thừa nhận nguy cơ này là có thật, nhất là khi cuộc chơi giờ chỉ còn một mình Grab.
"Việc sáp nhập là nội bộ của hai đơn vị kinh doanh, còn với người tiêu dùng chỉ mong sự sáp nhập này không biến thành sự độc quyền về giá. Khi Uber còn hoạt động thì vẫn còn sự cạnh tranh, nhưng khi sáp nhập rồi thì có thể mức độ cạnh tranh sẽ giảm đi, kéo lợi ích của người tiêu dùng giảm theo.
Tuy nhiên tôi cho rằng, cạnh tranh là quy luật của thị trường, doanh nghiệp nào hoạt động phù hợp với xu thế của thời đại thì sẽ thắng. Còn nếu hoạt động vi phạm quyền lợi của người dân, làm thiệt quyền lợi của người lao động thì sẽ thất bại", ông Liên đánh giá.
Ông Liên cũng cho rằng cạnh tranh trên thị trường vận tải ở Việt Nam từ lâu đã có và việc sáp nhập cũng đã diễn ra. Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã sáp nhập với nhau, mở rộng quy mô và chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng sẽ không quan trọng xe to hay xe nhỏ, thương hiệu lớn hay thương hiệu nhỏ mà cứ giá thành hợp lý thì họ sẽ lựa chọn, kể cả Uber, Grab hay taxi truyền thống.
"Uber, Grab là những doanh nghiệp thông minh, biết rõ quy luật của thị trường. Họ thừa hiểu nếu họ tăng giá cước vận tải, nâng mức chiết khấu cho lái xe lên thì kết quả sẽ ra sao. Họ đã nghiên cứu kỹ các luật lệ cũng như nhu cầu đi lại của người dân nên tôi cho rằng người tiêu dùng có thể yên tâm về giá cước sau khi Uber, Grab sáp nhập", ông Liên nhận định.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết lo ngại độc quyền khi Grab sáp nhập với Uber chỉ đúng một phần, bởi hiện tại Việt Nam có khoảng 10 đơn vị cung ứng công nghệ kết nối vận tải hành khách có tính năng như Grab, Uber.
Doanh nghiệp vận tải nội chuyển mình là điều tất yếu
Sau khi Grab công bố mua lại Uber thì tại thị trường trong nước, Công ty Cổ phần Vận tải hành khách Phương Trang mới đây tuyên bố sẽ thay thế Uber khi quyết định đầu tư 100 triệu USD vào Vivu và đổi tên ứng dụng thành VATO, dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 4/2018.
Trong khi đó, ông lớn taxi truyền thống Mai Linh cũng cho biết, sau khi Uber, Grab tuyên bố sáp nhập đã có hàng trăm tài xế tìm đến đầu quân cho hãng này, nên Mai Linh phải mở các lớp đào tạo cho lái xe vào cả thứ 7 và chủ nhật để đáp ứng.
Điều này cũng cho thấy, hãng này đang trong quá trình tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần trên thị trường ứng dụng gọi xe.
Một số hãng taxi truyền thống khác như Thành Công, Taxi Group, Ba Sao, Mai Linh, Vinasun… cũng đều có ứng dụng gọi xe tương đối dễ sử dụng và tiện lợi, với nỗ lực giành lại khách hàng.
"Tôi cho rằng sự chuyển mình của các doanh nghiệp vận tải trong nước là điều tất yếu, lẽ ra phải làm điều này từ lâu rồi, bây giờ mới làm là còn chậm. Điều này không đơn thuần là hãng taxi hay các hãng vận tải phát triển để bù đắp, giành lại thị phần, mà nếu không phát triển công nghệ mới thì sẽ thất bại", ông Liên đánh giá.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp trong nước thậm chí cảm ơn Uber, Grab đã đưa phần mềm thông minh vào để thúc đẩy họ phát triển công nghệ theo hướng hiện đại hơn.
"Đây chính là hướng phát triển phù hợp với hiện đại theo đúng tinh thần cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và các doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu hưởng ứng, tìm tòi, vận dụng", ông Liên nói.