12:51 28/07/2025

Xuất khẩu thủy sản tìm “vùng trú ẩn” giữa biến động thuế quan

Chương Phượng

Trong những tháng tới, nếu các mức thuế chính thức từ Mỹ không vượt kỳ vọng, thủy sản Việt Nam sẽ khó duy trì được nhịp xuất khẩu sang thị trường này. Trường hợp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp ở mức cao, xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm mạnh. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần tìm những “vùng trú ẩn” giữa biến động thuế quan…

Xuất khẩu tôm sang EU ghi nhận tăng trưởng mạnh.
Xuất khẩu tôm sang EU ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Dẫn số liệu từ Cục Hải quan, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong tháng 6/2025, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 194 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024.

Đạt được kết quả đáng mừng này là nhờ tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ: xuất khẩu trong tháng 6/2025 đạt 34 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2024. Trong tình thế phải đối mặt với mức thuế tăng tại Mỹ, nhưng xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh là nhờ vị thế của cá tra Việt Nam vẫn ở thế “một mình một chợ”, không bị cạnh tranh bởi các quốc gia khác.

EU LÀ “VÙNG TRÚ ẨN” CỦA MẶT HÀNG TÔM

Trái với cá tra, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khác sang Mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh, do tác động từ việc tăng thuế. Cụ thể, trong tháng 6/2025, xuất khẩu tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm 26,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, mặt hàng tôm giảm tới 37%.

Tuy nhiên, đối với thị trường EU, VASEP cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt hơn 252 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. EU được coi là thị trường tăng trưởng ổn định nhất của tôm Việt trong nửa đầu năm 2025. Bên cạnh đó, một số thị trường chủ lực trong khối có mức tăng trưởng đáng chú ý: Đức tăng 24%, Bỉ tăng 31%, Pháp tăng gần 20%.

 

Theo thống kê từ Rabobank và Kontali, nhu cầu nhập khẩu tôm từ EU đã tăng liên tục từ đầu năm 2024. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2025, lượng tôm nhập khẩu vào EU ước tính  tăng 25%, doanh số bán ra cho các nước còn lại ở châu Âu cũng tăng 8%.

Về cơ cấu sản phẩm, tôm chân trắng tiếp tục là mặt hàng chủ lực với kim ngạch 206 triệu USD, chiếm 81,9% tổng xuất khẩu sang EU và tăng 17,8%. Đáng chú ý, cả hai dòng sản phẩm chính của tôm chân trắng đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt: tôm chế biến (HS16) đạt 97,4 triệu USD, tăng 17%; còn tôm sống/tươi/đông lạnh (HS03) đạt 108,7 triệu USD, tăng 18,6%. Tôm sú đạt kim ngạch 25 triệu USD, chiếm 9,9% và giảm nhẹ 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm đông lạnh giảm 7,6%, còn tôm sú chế biến giảm 3,9%, cho thấy nhu cầu đối với tôm sú chưa phục hồi mạnh tại thị trường EU.

Tôm loại khác đạt 20,7 triệu USD, tăng mạnh 33,2%. Đặc biệt, dòng sản phẩm chế biến khác (HS16) tăng tới 50%, cho thấy EU đang có xu hướng mở rộng tiêu thụ các dòng tôm biển không truyền thống, đặc biệt là sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao – phù hợp với yêu cầu tiện lợi và an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe tại khu vực này.

Bà Kim Thu, chuyên gia phân tích thị trường ngành hàng tôm của VASEP nhận định trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang Mỹ gặp khó, EU sẽ nổi lên là một điểm đến trong chuyển dịch xuất khẩu. 

Để thúc đẩy xuất khẩu tôm sang EU, bà Thu khuyến cáo các doanh nghiệp cần đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt từ EU. Các nhà nhập khẩu ngày càng quan tâm đến: Tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng; Tuân thủ các chứng nhận như ASC, GlobalG.A.P, Organic.

Mặt khác, EU có xu hướng ưu tiên sản phẩm chất lượng cao, đóng gói có thương hiệu, đặc biệt là các dòng tôm thẻ bóc vỏ, tôm sú nuôi tự nhiên, chứng nhận sinh thái. Do vậy, các doanh nghiệp Việt muốn gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU cần phải có chiến lược tiếp thị rất cụ thể, giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu cho sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cần định vị lại chiến lược cạnh tranh, chuyển từ cạnh tranh giá sang tập trung vào chất lượng, bền vững, minh bạch.

XUẤT KHẨU HẢI SẢN KHÓ CẢ Ở MỸ VÀ EU

Dẫn số liệu thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, VASEP cho hay trong tháng 6/2025, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 67 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2024. Trước những lo ngại về việc Mỹ áp mức thuế đối ứng mới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã chủ động dừng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này để tránh rủi ro bị đánh thuế cao. Do đó, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ chỉ đạt 18 triệu USD trong tháng 6/2025, giảm mạnh 41% so với cùng kỳ 2024. Tuy vậy, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam với kim ngạch đạt 184 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2025, chiếm gần 39% tổng giá trị xuất khẩu.

VASEP nhận định trong những tháng tới, xuất khẩu hải sản sẽ gặp nhiều rủi ro ở thị trường Mỹ: thuế đối ứng của Mỹ là một vấn đề đáng lo ngại; các quy định về xuất xứ hàng hóa (transshipment, 40-20-40…) mơ hồ cũng tạo ra rủi ro bị đánh thuế cao hoặc cấm nhập khẩu vào Mỹ. Luật MMPA của Mỹ: NOAA chưa công nhận các biện pháp bảo tồn thú biển của Việt Nam, trong đó có các nghề liên quan đến khai thác mực. Nếu không đạt tương đồng, việc xuất khẩu mực và bạch tuộc sang Mỹ có thể bị cấm từ ngày 1/1/2026.

Trong khi mặt hàng tôm có thể tìm được “vùng trú ẩn” ở EU, thì hải sản sẽ rất khó vào EU, do vẫn chưa được EC gỡ bỏ “thẻ vàng”. Xuất cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường EU trong tháng 6/2025 chỉ đạt 16 triệu USD, giảm 17% so với tháng 6/2025. Xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường chủ lực tại khu vực này giảm sâu trong tháng 6/2025 như Hà Lan giảm 30%, Italy giảm 32%. Không chỉ vẫn bị ảnh hưởng bởi “thẻ vàng” IUU của EU, tình hình kinh tế yếu kém tại khu vực Nam Âu và chi phí logistic tăng cao được cho là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ thủy sản.

 

"Trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng tích cực với 62 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản và Canada lại tăng mạnh lần lượt là 24% và 15% so với cùng kỳ năm trước".

Bà Nguyễn Hà, Chuyên gia phân tích thị trường cá ngừ, VASEP.

Theo bà Nguyễn Hà, Chuyên gia phân tích thị trường cá ngừ, VASEP, về hạn ngạch miễn thuế cá ngừ chế biến và đóng hộp sang EU theo thỏa thuận trong Hiệp định EVFTA (11.500 tấn/năm), hạn mức này thường bị sử dụng hết trong vòng 4–5 tháng đầu năm, sau khi hết hạn ngạch, doanh nghiệp phải chịu thuế MFN cao, làm giảm sức cạnh tranh và nguy cơ mất bạn hàng EU.

Những năm đầu sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, tỷ lệ cá ngừ có xuất xứ Việt Nam được hưởng thuế quan theo hạn ngạch còn cao, chiếm 80-100%. Nhưng tỷ lệ này 2 năm qua giảm rất mạnh, thậm chí còn 30%. Nguyên nhân là do, các lô hàng không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, lượng sản phẩm đủ điều kiện đáp ứng các quy định về xuất xứ thuần tuý theo thoả thuận trong hiệp định EVFTA rất hạn chế.

Trong bối cảnh đó, bà Nguyễn Hà gợi ý rằng “vùng trú ẩn” của cá ngừ nói riêng, hải sản nói chung có thể là thị trường CPTPP và khu vực Đông Á. 

VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản cần chủ động đa dạng hóa thị trường, trong đó các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan tiếp tục là điểm tựa ổn định, đồng thời nên tận dụng thêm cơ hội từ các thành viên CPTPP khác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuẩn hóa hồ sơ và quy trình, đầu tư vào hệ thống quản lý chất lượng và nguồn gốc nguyên liệu để đảm bảo truy xuất minh bạch. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ EU và Mỹ về môi trường và truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với ngư dân, đầu tư vào hệ thống truy xuất minh bạch nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường bền vững.