13:19 21/10/2019

Uỷ ban Kinh tế đề nghị không mua xe công, giảm mạnh chi lễ lạt

Hà Vũ

Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công, giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội là giải pháp Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm thêm

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quang Phúc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quang Phúc.

Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công, giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội là giải pháp Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm thêm.

Trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, sáng 21/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, 2019 tiếp tục là năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP, ông Thanh nêu vài con số tiêu biểu.

Thách thức không nhỏ với ngân hàng

Về một số lĩnh vực đáng chú ý 2019, Uỷ ban thẩm tra cho rằng, chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định trong điều kiện chịu áp lực lớn từ những biến động trên thị trường quốc tế. Việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai và đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phản ánh, một số ý kiến cho rằng việc triển khai cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc còn nhiều khó khăn, việc tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế đặt ra thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Việc thực hiện nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt được một số kết quả tích cực; tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất là trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương.

Báo cáo thẩm tra năm nay đề cập khá đậm nét về môi trường với nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt gây thiệt hại và để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục hậu quả của sự cố đối với hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe người dân. Việc xử lý các sai phạm của tổ chức, người có thẩm quyền liên quan, doanh nghiệp còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân.

Có ý kiến đề nghị kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, đặc biệt là của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ vào các nguồn nước gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân tại một số địa phương.

Nhiều ý kiến đề nghị phân tích rõ thực trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn tới mức ảnh hưởng sức khỏe người dân tại hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM, ông Thanh phản ánh.

Tiết giảm mạnh ngân sách xuất ngoại

Với kế hoạch năm sau, trong số 12 chỉ tiêu chủ yếu do Chính phủ trình, Ủy ban Kinh tế vẫn băn khoăn về xuất - nhập khẩu.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7%. Uỷ ban thẩm tra đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu này vì năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 7,9% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm lại dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta giảm hoặc tăng chậm lại như hàng thủy sản, rau quả, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ mục tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 7-8% (tương tự như mục tiêu đề ra của năm 2019).

Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng GDP năm 2020 là khoảng 6,8% (tương tự như kết quả ước đạt năm 2019), trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng 7% (thấp hơn kết quả ước đạt năm 2019).

Uỷ ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng GDP thông qua các yếu tố đóng góp vào GDP năm 2020 (so sánh với năm 2019) như tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tích lũy tài sản.

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ cơ sở của việc xác định tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Trong 4 năm gần đây (2016-2019), Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng kết quả thực tế là xuất siêu, Chủ nhiệm Thanh nhấn mạnh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của nền kinh tế.

Như, rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi ngân sách cho đoàn ra, không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.

Cơ quan thẩm tra cho rằng cần có biện pháp kiên quyết điều chỉnh vốn của các dự án không triển khai được cho các dự án khác có khả năng giải ngân cao nhưng chưa được bố trí vốn, hạn chế chuyển nguồn quá lớn cho năm sau. Triển khai chuẩn bị lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, cung cấp thông tin đầy đủ, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để góp phần hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn tín dụng không chính thức. 

Theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh xảy ra tiêu cực đối với nền kinh tế. Đẩy nhanh việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp để tăng vốn điều lệ, bảo đảm hệ số an toàn của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng được cơ quan thẩm tra lưu ý.