Vẫn có xu hướng nông dân giữ ruộng làm vật "bảo hiểm"
Cơ chế tập trung đất đai để có thể sản xuất lớn trong nông nghiệp gặp vướng do luật đất đai chưa được sửa đổi phù hợp
Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập ở cả đất đai và tín dụng, theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Gửi báo cáo đến Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Bộ đã tổ chức rà soát, cắt giảm 276/326 điều kiện đầu tư kinh doanh (bãi bỏ 139, sửa đổi 137 điều kiện đầu tư kinh doanh), đạt tỷ lệ 84,6%.
Tiếp cận đất đai còn gặp nhiều khó khăn
Bộ cũng đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và phê duyệt các chiến lược, chương trình nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong việc cung cấp cây giống, vật nuôi, chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành, giải quyết các vấn đề bức xúc thực tiễn, phục vụ cho việc cơ cấu lại ngành.
Tuy nhiên, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, theo báo cáo.
Đó là, tiếp cận đất đai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ chế tập trung đất đai để có thể sản xuất lớn trong nông nghiệp do vướng luật đất đai chưa được sửa đổi cho phù hợp.
Ngoài ra còn khó khăn trong tiếp cận tín dụng mặc dù chính sách đã sửa đổi thông thoáng hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng như cho vay thế chấp bằng tài sản hình thành trong trong quá trình đầu tư dự án nhưng thực tế các ngân hàng vẫn nặng về cho vay có tài sản đảm bảo do sợ rủi ro cũng như trách nhiệm khi cho vay đầu tư bằng hình thức này.
Khó khăn nữa được nêu tại báo cáo là chưa có chính sách thuế phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đặc biệt là cơ chế cho phép giảm trừ khoản thuế phải nộp vào khoản hỗ trợ đầu tư của nhà nước khi ngân sách không đủ hoặc không đáp ứng kịp thời do vướng vào luật thuế hiện hành.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, thủ tục hành chính có bước cải thiện đáng kể tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc trong các thủ tục hỗ trợ đầu tư đặc biệt là thủ tục hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương do không phù hợp với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách.
Vẫn có xu hướng giữ ruộng làm vật "bảo hiểm"
Cũng liên quan đến khó khăn về đất đai còn có việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp, một nội dung khác của báo cáo.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, giai đoạn 2016 - 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách theo cách tiếp cận mới, có nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Các chính sách được ban hành đã và đang phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng phát triển, làm rõ hơn định hướng phát triển nông nghiệp của cả nước, các vùng và các địa phương, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và giảm tổn thất trong nông nghiệp...
Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá, hạn chế về cơ chế, chính sách thể hiện rõ ở một số lĩnh vực, trong đó lĩnh vực đất đai, là chính sách tạo thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn chưa đủ mạnh.
Quy định chỉ cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đã ảnh hưởng đến quá trình tích tụ đất đai. Mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp chung như các bất động sản khác, còn cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đối với các hộ không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sang phi nông nghiệp chưa đủ mạnh (như chính sách hướng nghiệp, hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề…) nên họ vẫn có xu hướng giữ ruộng làm vật "bảo hiểm", mặc dù đã ngừng canh tác hoặc cho thuê ruộng ngắn hạn phi chính thức.
Việc thu hồi đất đối với trường hợp không đưa đất nông nghiệp vào sử dụng, chậm đưa đất nông nghiệp vào sử dụng chưa được thực hiện nghiêm, đã làm hạn chế đến việc đưa quỹ đất nông nghiệp vào sử dụng hiệu quả, báo cáo nêu rõ.