20:30 28/02/2011

Vẫn còn 500 lao động Việt Nam tại vùng nguy hiểm Tripoli

Vũ Quỳnh

Tình hình Libya vẫn hết sức nguy cấp, ưu tiên số một của Việt Nam vẫn là di chuyển lao động ra khỏi vùng nguy hiểm

Doanh nghiệp gặp gỡ lao động từ Libya về nước. Ảnh: T.U
Doanh nghiệp gặp gỡ lao động từ Libya về nước. Ảnh: T.U
Vẫn còn 500 lao động Việt Nam tại vùng nguy hiểm Tripoli là thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại cuộc họp Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi chiều 28/2.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, tính đến chiều ngày 28/2, đã có 931 lao động được đưa về nước an toàn và 40 lao động sẽ về đến sân bay Nội Bài vào đêm 28/2, rạng sáng ngày 1/3. Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng tại Libya, hiện nay vẫn còn khoảng hơn 500 người chưa ra khỏi vùng nguy hiểm

Ngoài số lao động trên, đã có 6.161 lao động di chuyển được sang các nước khác như Ai Cập, Hy Lạp, Manta, Tunisia, Angieri.. Tuy nhiên, theo bà Ngân,, hiện nay vẫn còn khoảng 4.000 lao động nằm sâu trong đất liền Libya, trong đó khoảng 2.000 người có kế hoạch sơ tán trong vài ngày tới. Tuy nhiên, những lao động này ở những vùng không mấy nguy hiểm và đã nằm trong kế hoạch sơ tán.

Nhận định tình hình đang ngày càng nguy cấp, bà Ngân cho rằng ưu tiên hàng đầu là đưa người lao động ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trước đó, ngày 26/2, Ban chỉ đạo đã họp bàn và quyết định cử 5 đoàn công tác lên đường sang các nước lân cận Libya để hỗ trợ sơ tán và đưa lao động Việt Nam về nước. Đoàn công tác đầu tiên xuất phát ngay trong đêm 26/2 đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và đang làm thủ tục để đưa lao động về nước.

Vào lúc 1 giờ sáng mai (1/3), đoàn công tác đặc biệt theo các chuyên cơ sẽ lên đường đến Cairo (Ai Cập) nhằm đón các lao động và chở theo 8 tấn lương thực, thực phẩm hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động chưa thể về nước tại Ai Cập.

Ngoài ra, đoàn công tác còn có nhiệm vụ liên hệ với các tổ chức quốc tế, các nước láng giềng để thuê phương tiện đưa 500 lao động ra khỏi vùng Tripoli. Bà Ngân cũng khẳng định, trong trường hợp khẩn cấp, đoàn công tác có thể thậm chí thuê máy bay quân sự, nhằm bảo đảm an toàn nhất cho lao động rời khỏi vùng nguy hiểm nói trên.

Tin mới nhất mà Ban chỉ đạo nhận được, hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đã bố trí 2 chuyên cơ hỗ trợ đưa lao động Việt Nam về nước. Hiện, Bộ Ngoại giao đang làm việc với các nước có đường bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Việt Nam để chuyên cơ cơ cất cách trong thời gian sớm nhất.

Thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện đã có 8.461 lao động Việt Nam sang nước láng giềng. Trong đó, có  4.560 lao động đã sang nước thứ ba, bao gồm: 991 lao động sang Ai Cập; 242 người đang vào Hy Lạp; đã có 1.378 lao động nhập cảnh Malta; 1.145 sang Tunisia; 570 lao động sang Thổ Nhĩ Kỳ; 292 lao động sang Angierri và đã có 931 lao động về tới Việt Nam.

Từ nay tới 3/3, theo kế hoạch có hơn 1.000 lao động nữa sẽ được đặt vé máy bay và thuê chuyên cơ về nước.