09:23 10/05/2018

Vẫn còn hơn 70% người dân chưa tham gia bảo hiểm xã hội

Song Hà

Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị không đạt được

Tổng số chi hưu trí, tử tuất năm 2017 từ nguồn ngân sách Nhà nước là 44.875 tỷ đồng.
Tổng số chi hưu trí, tử tuất năm 2017 từ nguồn ngân sách Nhà nước là 44.875 tỷ đồng.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có bài viết về việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó chỉ ra khá nhiều hạn chế, tồn tại của lĩnh vực này.

Trong bài viết của mình, Phó thủ tướng cho biết, tổng số tiền chi cho các chế độ hưu trí, tử tuất, mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng khác năm 2017 từ Quỹ Bảo hiểm xã hội là 132.140 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với thời điểm đầu năm 2007. Tổng số chi hưu trí, tử tuất năm 2017 từ nguồn ngân sách Nhà nước là 44.875 tỷ đồng, chỉ còn 25,35% so với tỷ lệ 56,2% tại thời điểm ngày 1/1/2007.

Tính đến năm 2017, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội là 13,9 triệu người, trong đó bảo hiểm bắt buộc là 13,6 triệu người, tự nguyện là 0,3 triệu người, tăng hơn 2,3 lần so với 2007; số người tham gia bảo hiểm tự nguyện là 11,7 triệu người; thực hiện cho trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, bảo hiểm hàng tháng…

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, bên cạnh những kết quả tích cực trên, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp, chưa hướng đến bao phủ toàn dân.

Hệ thống bảo hiểm xã hội về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách bảo hiểm với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Đặc biệt, bảo hiểm xã hội bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia. Trên thực tế, năm 2017 mới chỉ đạt gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn trên 70% chưa tham gia.

Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị không đạt được.

Cùng với đó, các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được quán triệt đầy đủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, chính sách bảo hiểm tự nguyện nặng về giải quyết hậu quả khi người lao động thất nghiệp mà chưa chú ý thỏa đáng đến phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Chưa thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập với tiền lương của người đang làm việc theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI và Luật Bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, chậm được khắc phục.Tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm còn nhiều hạn chế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và nhân sự của bộ máy thực hiện bảo hiểm tự nguyện còn bất hợp lý, phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, chưa phù hợp với nguyên lý bảo hiểm và thông lệ quốc tế nhưng chậm được sửa đổi…

Phó thủ tướng nhìn nhận, những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Phó thủ tướng cũng đề ra mục tiêu và lộ trình thực hiện, trong đó giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 có khoảng 45% và đến 2030 có khoảng 60%.

Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội); đến năm 2025 có khoảng 55% và đến 2030 có khoảng 60%.

Giai đoạn đến năm 2021, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp bằng mức ASEAN 4.

Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 80%; đến năm 2025 đạt mức 85% và đến 2030 đạt mức 90%.