18:24 17/01/2010

Vấn đề & sự kiện: Tuần của tập đoàn

Nam An

VnEconomy điểm lại một số vấn đề - sự kiện nổi bật trong tuần, từ ngày 11/1 đến 17/1/2010

Tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhận quyết định bổ nhiệm từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhận quyết định bổ nhiệm từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
VnEconomy điểm lại một số vấn đề - sự kiện nổi bật trong tuần, từ ngày 11/1 đến 17/1/2010.

PCI và cuộc “chạy đua” cải thiện điểm số

9.890 doanh nghiệp dân doanh tham gia cuộc điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã cho điểm 9 chỉ số thành phần của PCI 2009 “rộng tay” hơn năm trước. Kết cục, nhiều tỉnh cải thiện điểm số lớn.

Bản đồ PCI năm 2009, màu đỏ và hồng (tỉnh, thành phố xếp hạng Thấp và Tương đối thấp) chỉ còn thưa thớt, trong khi màu xanh lam, xanh dương (xếp hạng Tốt và Khá) chiếm tỷ lệ áp đảo.

Đà Nẵng tiếp tục vững vàng ngồi đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009, lần thứ hai liên tiếp đẩy Bình Dương “về nhì”. Trong khi đó, Cao Bằng lùi ba bậc thế chỗ Điện Biên đứng chót bảng năm nay.

Bảo hiểm thất nghiệp: Hà Nội mới giải quyết được... một trường hợp

Trợ cấp thất nghiệp là một chính sách mới được nhiều người lao động chờ đợi. Mặc dù vậy, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp lại gây ra nhiều khó khăn, thậm chí có thể làm cho người lao động mất cơ hội được hưởng chính sách này.

Hiện tại, Tp.HCM là nơi có nhiều người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhất toàn quốc, gần 1.500 người, song cũng mới có 280 người đã làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp và cũng chỉ có khoảng 1/3 số này đủ hồ sơ được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Đối với Hà Nội, tính đến ngày 12/1, cũng mới tiếp nhận lao động thứ 49 đến đăng ký làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong số 49 trường hợp thì mới chỉ có 1 trường hợp duy nhất đủ hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp. Các trường hợp còn lại đều thiếu sổ bảo hiểm xã hội do công ty mà trước đây lao động làm việc chưa trả sổ.

Việt Nam chuẩn bị chào bán 1 tỷ USD trái phiếu

Được nhiều người chú ý trong tuần qua là thông tin Việt Nam sẽ chào bán 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế bằng USD với kỳ hạn 10 năm. Tuần tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà sẽ dẫn đầu một đoàn công tác thuộc các bộ ngành chức năng của Việt Nam đi tổ chức các cuộc giới thiệu chào bán trái phiếu ngoại tệ cho các nhà đầu tư tại Hồng Kông (ngày 18/1), London (19/1), Boston (20/1) và New York (21/1).

Chính phủ Việt Nam cũng đã thuê một tổ hợp các nhà bảo lãnh có tên tuổi hàng đầu thế giới (có trụ sở tại Anh, Mỹ và Đức) để thực hiện đợt chào bán này.

Trước đó, vào tháng 10/2005, Việt Nam đã thành công trong lần đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế với tổng giá trị huy động 750 triệu USD, lãi suất 7,125%/năm.

Lạm phát cao, “vị khách không mời”

Ngày 14/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo về kinh tế Việt Nam năm 2010 với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế. Bong bóng tài chính, lạm phát cao, thâm hụt ngân sách... là những mối lo ngại luôn được nhắc đến trong suốt quá trình thảo luận.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng: theo quy luật về độ trễ của tăng trưởng tín dụng, từ 6-7 tháng sau khi “đạt đỉnh”, lạm phát cao sẽ xuất hiện. Ông Cung nói: “Tháng 11/2009, Việt Nam “đạt đỉnh” về tăng trưởng tín dụng, vì vậy, nhiều khả năng, lạm phát cao sẽ là vị khách không mời của chúng ta, bắt đầu từ tháng 4”.

Dragon Capital và tin đồn thoái vốn

Việc trên thị trường chứng khoán xuất hiện thông tin Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital lên kế hoạch thoái vốn tại thị trường Việt Nam đã khiến lãnh đạo công ty phải một phen cải chính vất vả trên các mặt báo.

Trả lời VnEconomy, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, khẳng định đơn vị này không hề có kế hoạch thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam, thậm chí còn chuẩn bị ra mắt quỹ mới để tăng cường đầu tư. Ông nói thêm: "Có thể khi Dragon Capital công bố thông tin về ông John Shripmton, một người điều hành cấp cao, gắn bó với công ty nhiều năm ra đi, người ta đã lo ngại về cam kết đầu tư lâu dài của Dragon Capital ở Việt Nam".

Mạnh ai nấy dựng cột?

Hơn một năm đã trôi qua, song đàm phán về giá thuê cột điện để treo cáp thông tin giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa đến hồi kết.

Ngày 13/1, sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, EVN và VNPT đã ngồi lại với nhau để thống nhất về giá thuê cột điện. Tuy nhiên, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm của mình: EVN phải bỏ hàng trăm triệu tiền túi đi dọn dẹp, bó lại cáp treo, giữ an toàn cho người dân. VNPT vẫn cho rằng giá thuê của EVN đưa ra là quá cao và doanh nghiệp không thể chấp nhận được. Lãnh đạo của hai tập đoàn đã chấp thuận sẽ giao cho các đơn vị chức năng tiếp tục đàm phán để thống nhất về giá.

Trong khi đàm phán chưa đi đến đâu, Viettel đã họp bàn kế hoạch với VNPT chung nhau dựng cột. Hai bên dự tính sẽ bỏ ra khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng cho khoảng trên 2 triệu cột điện để treo cáp thông tin. Thậm chí, dọc một số tuyến đường ngoại thành của các thành phố lớn đã xuất hiện cột điện của Viettel và VNPT. Nếu như các doanh nghiệp - cụ thể ở đây là hai tập đoàn viễn thông lớn nhất nước - đều cùng nhau dựng cột, thì sự thiếu mỹ quan của bộ mặt đô thị sẽ càng thêm trầm trọng.

Điện, than rục rịch tăng giá: Mức nào để không... đột biến?

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết theo dự kiến, trong quý 1/2010, Bộ sẽ trình Chính phủ những đề xuất các phương án khác nhau đối với giá các loại nhiên liệu, đặc biệt là giá điện và giá than.

Trước đó, trong năm 2009, giá điện đã được điều chỉnh tăng 8,92%.

Cho dù nguyên nhân tăng giá có thể là bất khả kháng, song, người đứng đầu Bộ Công Thương hẳn đã lường trước những rủi ro có thể đến từ việc tăng giá hai loại nhiên liệu có sức ảnh hưởng rộng rãi này, giữa lúc lạm phát cao đang rình rập trở lại trong một năm mà yếu tố ổn định của kinh tế - xã hội được đề cao. Chính vì vậy, ông hơn một lần nhấn mạnh quan điểm: các động thái tăng giá các mặt hàng chiến lược như than và điện cần có những bước đi thận trọng để không gây ảnh hưởng đột biến cho sản xuất và đời sống người dân.

Tuần của tập đoàn

Ngày 12/1, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chính thức ra mắt. Ngày 13/1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin Thủ tướng đã phê duyệt đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam. Ngày 14/1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tiếp tục đưa tin Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam đã được Thủ tướng đồng ý thí điểm thành lập.

Như vậy, chỉ sau 3 ngày, danh sách các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã được nâng lên con số 12, gồm: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (TKV), Dầu khí (Petro Vietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt may (Vinatex), Cao su (VRG), Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt); Viễn thông Quân đội (Viettel); Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Phát triển nhà và đô thị (HUD Holdings) và Công nghiệp Xây dựng (Songda).

Riêng với Viettel (đơn vị đang có nhiều hoạt động đầu tư lớn ra nước ngoài), đáng chú ý, đây là tập đoàn kinh tế đầu tiên của Bộ Quốc phòng và cũng là đơn vị đầu tiên hoạt động theo mô hình tập đoàn trực thuộc bộ chủ quản. Do cơ chế đặc thù trong quân đội nên Tập đoàn Viettel sẽ không có hội đồng quản trị mà Đảng ủy Tập đoàn sẽ thực hiện vai trò và chức năng giống như hội đồng quản trị ở các tập đoàn kinh tế hiện có.

Hiện tại, việc tìm ra một mô hình phát triển bền vững cho tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn còn là một câu hỏi khó. Tại phiên họp Quốc hội vừa qua, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã nêu ra sáu hạn chế, mà một trong số đó là mô hình và phương thức hoạt động vẫn còn nhiều bất cập, làm hạn chế chất lượng quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty. Báo cáo cũng cho biết, 7 tập đoàn kinh tế Nhà nước chiếm tới gần 10% tổng nợ của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, chủ yếu là nợ trung và dài hạn, tính đến thời điểm 31/12/2008.

Thảm họa của Haiti
 
Trong những ngày này, Haiti, quốc gia thuộc vùng Caribbean vừa trải qua trận động đất kinh hoàng ngày 12/1, vẫn đang chìm trong đổ nát, hỗn loạn và cần tới sự giúp đỡ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế.

Trận động đất với cường độ 7 độ richter tại Haiti đã làm thiệt mạng nhiều ngàn người, phá hủy hàng loạt nhà cửa, trường học, bệnh viện... ở nước này. Phủ tổng thống của Haiti cũng sụp đổ trong trận động đất.

Các hãng thông tấn lớn mô tả, thủ đô Port-au-Prince của Haiti đã bị san phẳng sau trận động đất, xác người chết la liệt khắp nơi. Những người may mắn sống sót ở đây phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không thức ăn, nước uống... Bệnh dịch có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.

Các bác sỹ địa phương và các tổ chức cứu trợ quốc tế đang nỗ lực hết sức để cứu chữa những người bị thương và đào bới để tìm kiếm những nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát nhưng cơ sở vật chất cho việc hỗ trợ y tế là vô cùng thiếu thốn vì hàng loạt bệnh viện tại Haiti đã sụp đổ hoặc bị phá hủy nghiêm trọng.

Haiti vốn đã là quốc gia nghèo nhất ở châu Mỹ, với thu nhập bình quân đầu người hàng năm 560 USD. Hơn một nửa dân số Haiti có mức sống dưới 1 USD/ngày. Cơ sở hạ tầng ở nước này trước khi động đất xảy ra đã xuống cấp nghiêm trọng.

Google "dọa" rời Trung Quốc

Công cụ tìm kiếm trực tuyến số một thế giới Google vừa tuyên bố có thể sẽ đóng cửa website và văn phòng tại Trung Quốc, sau khi phát hiện ra những cuộc tấn công trên mạng nhằm vào hệ thống của công ty này. Theo nhận định ban đầu của Google, hacker Trung Quốc có thể là tác giả của các vụ tấn công này.

Google cũng cho hay, trong vài tuần tới, họ sẽ đàm phán với các cơ quan chức năng Trung Quốc về việc chấm dứt kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm trên trang web của Google tại nước này là Google.cn, dù biết rằng, "điều này có thể dẫn tới việc phải đóng cửa Google.cn và thậm chí cả các văn phòng của Google tại Trung Quốc", trích phát biểu của Giám đốc pháp lý của Google.

Đáp lại tuyên bố của Google, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các công ty nước ngoài được chào đón tại đất nước này, nhưng cần tuân thủ luật pháp Trung Quốc.

Có trị giá hơn 1 tỉ USD trong năm 2009, thị trường tìm kiếm trên mạng ở Trung Quốc lại không phải là nơi mà Google chiếm thế thượng phong như tại nhiều thị trường khác. "Miếng bánh" lớn nhất đang thuộc về Baidu, công cụ tìm kiếm "made in China". Nếu Google rời khỏi thị trường Trung Quốc, đây sẽ là một vụ rút lui hiếm gặp của một thương hiệu có phạm vi phủ sóng toàn cầu khỏi một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới. Tính tới tháng 6/2009, Trung Quốc có 338 triệu người sử dụng Internet, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Chính phủ Trung Quốc thường áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với các thông tin và nội dung trên mạng.