Vàng miếng “phi SJC” được yêu cầu ngừng sản xuất
Thời gian gần đây, các thương hiệu vàng không phải vàng SJC đã ngừng dập vàng nguyên liệu thành vàng miếng
Thời gian gần đây, các thương hiệu vàng không phải vàng SJC đã ngừng dập vàng nguyên liệu thành vàng miếng, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Một số thương hiệu vàng “sinh sau đẻ muộn” đang lo ngại sẽ thua lỗ, vì chưa kịp khấu hao hết dây chuyền.
Theo thông tin từ một số công ty kim hoàn sản xuất vàng miếng như Sacombank-SBJ và PNJ thì từ hơn một tháng nay, hệ thống máy móc dập vàng của họ đã nằm im.
Ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh của Sacombank-SBJ cho hay, công ty này hiện không dập vàng miếng cho nhu cầu kinh doanh của riêng công ty hay theo yêu cầu gia công của phía ngân hàng, cho dù nguyên liệu chính thống là có.
“Chúng tôi đang thực hiện nghiêm ngặt chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về ngừng sản xuất vàng miếng”, ông Quyền cho biết. Cũng theo ông Quyền, văn bản này đến tay công ty từ hơn một tháng trước.
Hôm 25/11 vừa qua, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết, sắp tới, khi điều kiện cho phép, vàng miếng mang thương hiệu SJC sẽ được đổi thành SBV - tên viết tắt tiếng Anh của Ngân hàng Nhà nước.
“Sau một thời gian hoạt động, SJC hiện đã chiếm 90% thị phần. Đây là đơn vị thuộc UBND Tp.HCM. Chúng tôi đã bàn với UBND Tp.HCM và theo đó SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, qua đó Nhà nước vẫn giữ được yêu cầu độc quyền trong quản lý và sản xuất vàng miếng, tiết giảm được chi phí trong sản xuất”, Thống đốc giải thích và nói, “nên hiểu nhãn vàng SJC là nhãn vàng của Ngân hàng Nhà nước, khi điều kiện cho phép chúng tôi sẽ chuyển đổi thương hiệu đó và in lên vàng miếng là SBV”.
“Siết sản xuất và kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc Nhà nước độc quyền. Nếu có nhóm lợi ích ở chỗ này, thì các nhóm lợi ích đó là đi trái lại lợi ích của quốc gia, không được chấp nhận và không tồn tại trong thời gian tới”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp vàng lớn phía Nam cho hay, trước đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng song song hai loại hạn ngạch là hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu và hạn ngạch dập vàng miếng. Thông thường, hạn ngạch dập vàng miếng chỉ được cấp sau khi doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, đã mấy tháng nay, chỉ có SJC được nhập vàng nguyên liệu, và đến nay, các doanh nghiệp không phải SJC lại nhận được yêu cầu ngừng gia công vàng miếng.
Trả lời phỏng vấn kênh VTV1 trưa ngày 30/11, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ cũng cho biết công ty này đã chấp hành yêu cầu ngừng gia công vàng miếng. Thông tin ngừng sản xuất vàng AAA cũng đã được ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Agribank, xác nhận.
Trong khi đó, việc dập vàng miếng SJC tại SJC vẫn diễn ra bình thường. “Hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng của chúng tôi không có gì xáo trộn”, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC cho biết.
Như vậy, việc sản xuất vàng miếng ngoài SJC đã ngừng lại, cho dù nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng chưa được ban hành. Các thương hiệu vàng “phi SJC” hiện vẫn được các doanh nghiệp phát hành giao dịch bình thường, tuy một số loại bị áp dụng mức giá thấp hơn đáng kể so với giá vàng SJC như hai thương hiệu vàng AAA hay vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu.
Ngừng sản xuất vàng miếng đồng nghĩa với việc một hệ thống máy móc, con người không nhỏ của các đơn vị bị “xếp xó”. Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, PNJ hoạt động đã lâu năm nên khấu hao dây chuyền sản xuất vàng miếng đã gần hết. Bởi thế, việc ngừng sử dụng dây chuyền này sẽ không gây ảnh hưởng lớn về kinh tế.
Trong khi đó, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền cho biết, để đầu tư cho thương hiệu vàng SBJ, Sacombank-SBJ đã chi ra khoảng 30 tỷ đồng, bao gồm các chi phí cho nhập khẩu máy móc, kỹ thuật, đào tạo nhân viên, xây dựng thương hiệu… “Doanh nghiệp chúng tôi đi vào hoạt động chưa lâu, nên có thể lãng phí toàn bộ số tài sản này nếu không được tiếp tục sản xuất vàng miếng nữa”, ông Quyền nói.
Ông Quyền kiến nghị, sau khi cho ngưng sản xuất các thương hiệu vàng miếng ngoài SJC, Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại dây chuyền sản xuất của các thương hiệu này để dập vàng miếng thương hiệu quốc gia. “Làm như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại”, ông Quyền nói.
Theo thông tin từ một số công ty kim hoàn sản xuất vàng miếng như Sacombank-SBJ và PNJ thì từ hơn một tháng nay, hệ thống máy móc dập vàng của họ đã nằm im.
Ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh của Sacombank-SBJ cho hay, công ty này hiện không dập vàng miếng cho nhu cầu kinh doanh của riêng công ty hay theo yêu cầu gia công của phía ngân hàng, cho dù nguyên liệu chính thống là có.
“Chúng tôi đang thực hiện nghiêm ngặt chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về ngừng sản xuất vàng miếng”, ông Quyền cho biết. Cũng theo ông Quyền, văn bản này đến tay công ty từ hơn một tháng trước.
Hôm 25/11 vừa qua, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết, sắp tới, khi điều kiện cho phép, vàng miếng mang thương hiệu SJC sẽ được đổi thành SBV - tên viết tắt tiếng Anh của Ngân hàng Nhà nước.
“Sau một thời gian hoạt động, SJC hiện đã chiếm 90% thị phần. Đây là đơn vị thuộc UBND Tp.HCM. Chúng tôi đã bàn với UBND Tp.HCM và theo đó SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, qua đó Nhà nước vẫn giữ được yêu cầu độc quyền trong quản lý và sản xuất vàng miếng, tiết giảm được chi phí trong sản xuất”, Thống đốc giải thích và nói, “nên hiểu nhãn vàng SJC là nhãn vàng của Ngân hàng Nhà nước, khi điều kiện cho phép chúng tôi sẽ chuyển đổi thương hiệu đó và in lên vàng miếng là SBV”.
“Siết sản xuất và kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc Nhà nước độc quyền. Nếu có nhóm lợi ích ở chỗ này, thì các nhóm lợi ích đó là đi trái lại lợi ích của quốc gia, không được chấp nhận và không tồn tại trong thời gian tới”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp vàng lớn phía Nam cho hay, trước đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng song song hai loại hạn ngạch là hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu và hạn ngạch dập vàng miếng. Thông thường, hạn ngạch dập vàng miếng chỉ được cấp sau khi doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, đã mấy tháng nay, chỉ có SJC được nhập vàng nguyên liệu, và đến nay, các doanh nghiệp không phải SJC lại nhận được yêu cầu ngừng gia công vàng miếng.
Trả lời phỏng vấn kênh VTV1 trưa ngày 30/11, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ cũng cho biết công ty này đã chấp hành yêu cầu ngừng gia công vàng miếng. Thông tin ngừng sản xuất vàng AAA cũng đã được ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Agribank, xác nhận.
Trong khi đó, việc dập vàng miếng SJC tại SJC vẫn diễn ra bình thường. “Hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng của chúng tôi không có gì xáo trộn”, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC cho biết.
Như vậy, việc sản xuất vàng miếng ngoài SJC đã ngừng lại, cho dù nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng chưa được ban hành. Các thương hiệu vàng “phi SJC” hiện vẫn được các doanh nghiệp phát hành giao dịch bình thường, tuy một số loại bị áp dụng mức giá thấp hơn đáng kể so với giá vàng SJC như hai thương hiệu vàng AAA hay vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu.
Ngừng sản xuất vàng miếng đồng nghĩa với việc một hệ thống máy móc, con người không nhỏ của các đơn vị bị “xếp xó”. Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, PNJ hoạt động đã lâu năm nên khấu hao dây chuyền sản xuất vàng miếng đã gần hết. Bởi thế, việc ngừng sử dụng dây chuyền này sẽ không gây ảnh hưởng lớn về kinh tế.
Trong khi đó, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền cho biết, để đầu tư cho thương hiệu vàng SBJ, Sacombank-SBJ đã chi ra khoảng 30 tỷ đồng, bao gồm các chi phí cho nhập khẩu máy móc, kỹ thuật, đào tạo nhân viên, xây dựng thương hiệu… “Doanh nghiệp chúng tôi đi vào hoạt động chưa lâu, nên có thể lãng phí toàn bộ số tài sản này nếu không được tiếp tục sản xuất vàng miếng nữa”, ông Quyền nói.
Ông Quyền kiến nghị, sau khi cho ngưng sản xuất các thương hiệu vàng miếng ngoài SJC, Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại dây chuyền sản xuất của các thương hiệu này để dập vàng miếng thương hiệu quốc gia. “Làm như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại”, ông Quyền nói.