07:38 21/07/2011

Vàng vẫn là “thiên đường” của giới đầu cơ

Diệp Anh

"Các nguy cơ vẫn còn đó và bởi vậy nhiều người đang sẵn sàng mua vàng khi giá sụt giảm", một chuyên gia phân tích cho hay

Thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ - Ảnh minh họa: CNBC.
Thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ - Ảnh minh họa: CNBC.
Kết thúc ngày giao dịch 21/7, giá vàng giao sau giảm phiên thứ hai liên tiếp. Cụ thể, vàng giao tháng 8 trên sàn Comex ở New York hạ 4,2 USD xuống còn 1.596,9 USD/oz.

Tuy nhiên, chuyên gia Klopfenstein của Lind-Waldock cho rằng, "các nguy cơ vẫn còn đó và nhiều người đang sẵn sàng mua vàng khi giá sụt giảm". Giá vàng giao ngay đã bắt đầu hồi phục khá mạnh. Tính tới 7h31 sáng 21/7 (giờ Việt Nam), vàng giao ngay đang ở 1.598 USD/oz.

Peter Fung, trưởng nhóm kinh doanh của Công ty Wing Fung Precious Metals có trụ sở ở Hồng Kông, cũng cho rằng, giá vàng sẽ vẫn được hỗ trợ ở mức cao, trong khoảng 1.570-1.580 USD/ounce trong ngắn hạn. Còn đến cuối năm nay, hoạt động đầu cơ vàng tiếp tục đẩy giá kim loại quý này lên mức 1.800-1.900 USD/ounce.

Còn theo chuyên gia thị trường Wang Tao của hãng tin Reuters, giá vàng sẽ dao động trong khoảng 1.565-1.575 USD/ounce trong vài tháng tới, trước khi tăng bứt phá lên khoảng 1.940 USD/ounce vào cuối năm nay, do vấn đề nợ công ở Mỹ, châu Âu cũng như kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đẩy bật giá vàng.

Trước đó, hôm 19/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm cắt giảm chi tiêu liên bang tới 6.000 tỷ USD để đổi lấy việc nâng trần nợ công lên 2,4 nghìn tỷ USD. Dự luật được đảng Tea hậu thuẫn này cũng yêu cầu một sửa đổi hiến pháp về cân bằng ngân sách.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó cùng ngày đã phản đối dự luật trên, và vì vậy nó sẽ không có cơ hội được Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát thông qua.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Obama cho rằng thách thức nợ công của Mỹ nên được giải quyết và vấn đề này cần được xử lý theo hướng "tiếp cận cân bằng". Ông cũng cảnh báo không còn nhiều thời gian khi thời hạn chót để giải quyết vấn đề trần nợ công của Mỹ (ngày 2/8) đang đến gần.

Nguồn tin từ Nhà Trắng hôm 20/7 cho biết, Tổng thống Barack Obama có thể ủng hộ tăng trần nợ Mỹ ngắn hạn miễn rằng đó là một phần trong thỏa thuận lớn hơn. Lập trường mới của ông Obama cho thấy Nhà Trắng đã nhận ra rằng thời gian cho Quốc hội hành động trước khi Mỹ cạn tiền vào ngày 2/8 đang dần hết.

Dẫu vậy, những kết quả chưa rõ ràng về khả năng chấm dứt bài toán nợ nần của nước Mỹ trong khi hạn chót 2/8 đang ngày một tiến sát, đã khiến tâm lý sợ hãi trở lại bao trùm thị trường chứng khoán, bất chấp các báo cáo kinh doanh đầy lạc quan của khối doanh nghiệp.

Giới đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (21/7) về việc tìm ra một giải pháp thuyết phục cho vấn đề nợ công của Hy Lạp cũng như cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trước đó, ngày 19/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã "dội gáo nước lạnh" lên các thị trường khi bà tỏ ý hoài nghi về khả năng đạt được giải pháp triệt để cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp tại hội nghị thượng đỉnh ngày 21/7.

Bà nêu rõ, đối với những người suy nghĩ có trách nhiệm về vấn đề nợ công trong Eurozone, một giải pháp toàn diện duy nhất cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và những khó khăn tài chính trong khu vực là điều không thể xảy ra, ngay cả trong hội nghị thượng đỉnh.

Những người đề xuất tìm kiếm giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này hoặc đã thiếu thận trọng, hoặc đã mất kiên nhẫn. Bà cũng tỏ ý nghi ngờ các ý tưởng như cơ cấu lại nợ cho Hy Lạp, phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro, hay thành lập liên minh chuyển tiếp tiến tới một châu Âu liên bang.

Theo bà, giải quyết vấn đề nợ công trong Eurozone là một "trách nhiệm lịch sử," vì châu Âu không thể tồn tại mà không có đồng Euro. Nhưng thay vì đưa ra giải pháp nhanh chóng, các nước Eurozone cần một loạt biện pháp có thể kiểm soát và quản lý được để giải quyết tận gốc việc giảm nợ cho Hy Lạp và nâng cao năng lực cạnh tranh của nước này.

Trong khi đó, theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cuộc khủng hoảng nợ kéo dài của Hy Lạp và một số nước trong Liên minh châu Âu tạo nên một nguy cơ đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu. IMF cảnh báo, cuộc khủng hoảng có thể lan rộng sang các nước châu Âu khác và sau đó trên toàn thế giới.

Trong một động thái khác, hôm qua (20/7), Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các quy định ngân hàng mới, theo đó sẽ buộc các ngân hàng phải tăng thêm vốn điều lệ và áp đặt trừng phạt nhằm ngăn chặn những rủi ro có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
 
Ủy viên phụ trách các thị trường nội khối của Liên minh châu Âu, ông Michel Barnier tuyên bố: "Chúng tôi không thể để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự cũng như không cho phép các hành động của một bộ phận thiểu số trên thị trường tài chính thế giới gây phương hại cho sự thịnh vượng của chúng tôi".
 
Ông Barnier cho rằng, châu Âu sẽ trở thành người đầu tiên thực thi thỏa thuận toàn cầu Basel III về quản lý tiền vốn và khả năng thanh khoản của ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải nắm giữ "vốn nhiều và hiệu quả hơn" để tự chống chọi với các cú sốc tài chính xảy ra trong tương lai, thay vì phụ thuộc vào các gói cứ trợ tài chính của chính phủ.
 
Theo kết quả khảo sát hàng quý của hãng tin Reuters, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng vững trong năm nay và năm tới, chủ yếu nhờ các cường quốc đang nổi, với mức tăng trưởng dự báo 4,1% trong năm nay và 4,3% vào năm tới. Những nước đang nổi lớn như Trung Quốc đã tăng trưởng gần hai chữ số kể từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, hầu hết các nước G7 có viễn cảnh kinh tế ảm đạm hơn so với cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 4, với mức tăng dưới 2% trong năm nay. Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể sẽ chỉ tăng 0,4% mỗi quý từ nay đến tháng 4/2012, chậm hơn so với mức tăng 0,8% trong quý I năm nay.

Đánh giá về kinh tế Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang có các dấu hiệu hồi phục kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa qua và có thể sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối năm nay. IMF dự báo, kinh tế Nhật có thể sẽ giảm 0,7% trong năm nay, nhưng sẽ tăng trưởng trở lại trong năm tới, với mức tăng 2,9%.

Lạm phát tại Nhật trong năm 2011 và 2012 được IMF dự báo sẽ ở mức 0%. Trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) sẽ có khả năng tiêu cực do kết quả của sự thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, IMF cảnh báo sự bất ổn về triển vọng kinh tế của Nhật Bản vẫn "rất lớn”.

Cũng liên quan tới khu vực châu Á, theo hãng tin Reuters, các nhà quản lý tiền tệ Trung Quốc hôm 20/7 đã thúc giục Mỹ khôi phục lòng tin của thị trường và nhà đầu tư đối với USD. Trung Quốc hiện đang giữ 3.200 tỷ USD dự trữ, lớn nhất thế giới nên việc USD xuống giá sẽ là thách thức đối với nước này.