06:26 19/07/2011

“Bão” vàng đang trở lại và mạnh hơn?

Diệp Anh

Đêm qua (18/7) trên sàn Comex, giá vàng quốc tế có lúc lên tới 1.607,9 USD/oz, cao nhất trong lịch sử

Giá vàng có thể còn chạm ngưỡng 2.300 USD/ounce?
Giá vàng có thể còn chạm ngưỡng 2.300 USD/ounce?
Với phiên tăng thứ 11 liên tiếp, giá vàng quốc tế đêm 18/7 đã phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay. Cụ thể, giá vàng kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Comex tăng 12,3 USD/oz, lên 1.602,4 USD/oz. Ngưỡng cao nhất trong phiên giao dịch lên tới 1.607,9 USD/oz.

Nguyên nhân khiến vàng thế giới tăng giá mạnh là nỗi lo vỡ nợ ở nhiều quốc gia hàng đầu. Cụ thể, Mỹ đang tiến gần tới nguy cơ vỡ nợ khi Quốc hội nước này chưa đạt được thỏa thuận nâng trần nợ trước 2/8, trong khi một loạt quốc gia châu Âu đang đối mặt với án nợ tái bùng phát.

Sau một thời gian trầm lắng, thị trường kim loại quý bỗng sôi sục trở lại với những lần phá ngưỡng cản kỹ thuật ấn tượng. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của CBS Money Watch cho rằng, đây chỉ là giai đoạn đầu của "cơn sốt" mới và từ nay tới cuối năm, giá vàng còn có thể lên tới 2.300 USD/oz.

Chuyên gia CBS Money Watch phân tích, trong giai đoạn lạm phát tăng cao năm 1980, giá vàng đạt mức cao nhất là 850 USD/oz. Nếu tính theo tỷ giá hiện tại, thì mức giá này sẽ ở khoảng 2.300 USD/oz, do đó mốc 1.600 USD chỉ là tạm thời, nếu lạm phát còn nghiêm trọng hơn.

Thêm vào đó, các vấn đề nợ công hiện nay ở châu Âu và Mỹ cũng đang khiến các nhà đầu tư chứng khoán rời bỏ thị trường, quay sang đầu tư vàng, đẩy giá vàng lên cao. Nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương là một yếu tố khác gây áp lực cho giá vàng.

Như vậy, với hàng loạt yếu tố hỗ trợ trên, theo chuyên gia phân tích của CBS Money Watch, "bão" vàng không những đang trở lại mà thậm chí còn có cường độ lớn hơn nhiều so với những lần sôi sục trước đây. Tất nhiên, nếu các yếu tố trên trở nên kịch tính hơn nữa.

Phát biểu ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner bày tỏ sự tin tưởng rằng Quốc hội nước này sẽ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ trước hạn chót 2/8. "Hai đảng đã khẳng định vỡ nợ không phải lựa chọn tốt", ông nói.

Ông Geithner cảnh báo, nếu Mỹ vỡ nợ, đó sẽ là thảm họa sẽ hết sức tồi tệ đối với kinh tế, tài chính và cả người dân Mỹ. Nó giống như một thứ thuế vô lý đánh vào người tiêu dùng Mỹ và đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái.

"Hiện Quốc hội Mỹ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc nâng trần nợ. Đảng Cộng hòa đang thừa nhận sự thật và loại bỏ khả năng vỡ nợ ra khỏi bàn đàm phán”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ.

Mặc dù thỏa thuận này vẫn chưa rõ ngọn ngành, nhưng theo hãng tin Reuters, các nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ đang bàn nhau đưa ra một kế hoạch "B" nhằm cứu vãn vấn đề nợ nần, trong trường hợp cuộc thảo luận tiếp tục bế tắc.

Cũng liên quan tới Mỹ, tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) cảnh báo các tập đoàn cho vay thế chấp Fannie Me và Freddie Mac có thể mất thứ hạng tín dụng cao nhất, nếu Mỹ không đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công.

S&P nói rằng, hai tập đoàn Fannie Me và Freddie Mac đang do Chính phủ Mỹ kiểm soát cùng với một số ngân hàng khác như Federal Home Loan Banks hay Farm Credit System Banks cũng có nguy cơ vỡ nợ do các thể chế tài chính này "phụ thuộc trực tiếp vào Chính phủ Mỹ".

Trước đó, tổ chức này cũng đã cảnh báo nguy cơ Mỹ mất thứ hạng tín nhiệm AAA trong ba tháng tới là 50/50, ngay cả khi Quốc hội và Chính phủ đạt được thoả thuận nâng trần nợ vào cuối tháng này.

Cũng trong ngày 18/7, tổ chức định mức tín nhiệm Moody's đã gợi ý rằng, Mỹ nên loại bỏ giới hạn nợ của chính phủ để giảm tâm lý lo ngại của các trái chủ. Tổ chức này sẽ giảm đánh giá về nguy cơ hiện nay nếu chính phủ thay đổi quy cách quản lý nợ của chính phủ để giảm hoặc loại bỏ tình trạng bất ổn.

Các chuyên gia Moody's cho biết, hãng xếp hạng tín dụng luôn luôn cho rằng nguy cơ vỡ nợ của Mỹ là rất thấp bởi Quốc hội đã thường xuyên tăng trần nợ trong nhiều thập kỷ, thường là không có nhiều tranh cãi.

Trong khi đó, khi trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo Tài chính Đức, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet khẳng định, lục địa này có thể vượt qua khủng hoảng nợ công bằng cách thể hiện ý muốn và quyết tâm làm điều đó.

Ông Trichet cho rằng, đó không phải là vấn đề về mặt kỹ thuật, mà là ý chí và quyết tâm. Theo ông, Euro vẫn là một đồng tiền đáng tin cậy và sự tồn tại của nó không hề bị đe dọa bởi tình hình nợ công hiện nay. Tuy nhiên, ông cảnh báo, các chính phủ khu vực đồng Euro sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Hy Lạp vỡ nợ.

Liên quan tới vấn đề này, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào 21/7 phải có giải pháp để triển khai gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp. Thất bại của cuộc họp các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro hôm 11/7 vừa qua đã làm chao đảo các thị trường tài chính và tiền tệ.

Trong một động thái khác có liên quan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã kêu gọi châu Âu củng cố các ngân hàng không vượt qua đợt sát hạch về "khả năng kháng cự" hoặc suýt không vượt qua sát hạch.

IMF khẳng định thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này ủng hộ mạnh mẽ quan điểm rằng cần thực hiện các biện pháp để giải quyết có hiệu quả thực trạng tài chính yếu kém không chỉ tại các ngân hàng không vượt qua được sát hạch mà còn cả các ngân hàng "đỗ vớt".

Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Reuters tiến hành, các nền kinh tế lớn của châu Á được dự báo sẽ suy thoái trong những tháng tới, trong khi lạm phát sẽ hạ nhiệt và nhu cầu ở nước ngoài gia tăng.

Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2011 và 2012 của Trung Quốc, Ấn Độ, và một số nền kinh tế khác trong khu vực kể từ khi các cuộc thăm dò hàng quý mới nhất của các quốc gia châu Á trừ Nhật Bản, tiến hành cách đây 3 tháng.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, cuộc suy thoái sắp tới ở châu Á không quá nghiêm trọng. Ở Trung Quốc, họ dự đoán rằng, tăng trưởng sẽ ở trên mức 8%, cần thiết để tạo ra đủ công ăn việc làm, theo kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, còn Ấn Độ là 7,9%.

Hiện nay, những lo lắng lớn nhất đối với các thị trường mới nổi lớn nhất châu Á là lạm phát vẫn còn nóng trong khi tăng trưởng chậm lại, buộc các ngân hàng Trung ương phải nâng lãi suất và áp dụng các biện pháp thắt chặt.

Cũng liên quan tới kinh tế Trung Quốc, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá bất động sản tháng 6 tại nhiều thành phố đã giảm hoặc đứng giá. Điều này cho thấy, các biện pháp hạ nhiệt địa ốc của Trung Quốc đã phát huy tác dụng.

Theo báo cáo, trong số 70 thành phố lớn của Trung Quốc, có 26 thành phố có giá nhà đất giảm hoặc đứng giá trong tháng 6, nhiều hơn so với 20 thành phố giảm trong tháng trước đó. Ở chiều ngược lại, 24 thành phố ghi nhận tốc độ tăng chậm lại.