14:42 23/08/2017

VCCI kiên trì xin “thả” nhiều điều kiện kinh doanh

Nguyên Vũ

Chỉ với ba lĩnh vực, VCCI đã kiến nghị bãi bỏ và sửa đổi trên 100 điều kiện kinh doanh

Nhóm nghiên cứu của VCCI phát hiện khá nhiều ngành nghề được xác định là các ngành nghề, kinh doanh có điều kiện là chưa phù hợp.<br>
Nhóm nghiên cứu của VCCI phát hiện khá nhiều ngành nghề được xác định là các ngành nghề, kinh doanh có điều kiện là chưa phù hợp.<br>
Điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, xuất khẩu gạo, kinh doanh dịch vụ bảo hảnh bảo dưỡng xe ôtô... và còn nhiều ngành, nghề nữa đang được VCCI kiên trì kiến nghị Chính phủ bãi bỏ.

Trong phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 22/8 vừa qua của Chính phủ, báo cáo về kết quả rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã được xem xét.

Chỉ với ba lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, khoa học và công nghệ, VCCI đã kiến nghị bãi bỏ và sửa đổi trên 100 điều kiện kinh doanh.

Với kết quả rà soát chung, nhóm nghiên cứu của VCCI phát hiện khá nhiều ngành nghề được xác định là các ngành nghề, kinh doanh có điều kiện là chưa phù hợp.

Đáng chú ý trong số này có không ít ngành nghề đã từng được VCCI nhiều lần kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh. Như, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô, kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư hay sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy...

Cuối năm 2016, khi việc sửa danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được đưa ra Quốc hội, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã kiến nghị bỏ bảo hành, bảo dưỡng ôtô khỏi danh mục này.

Ở báo cáo vừa gửi đến Chính phủ, VCCI cho rằng, hoạt động bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô là một trong những dịch vụ kỹ thuật thông thường - tương tự như các hoạt động bảo dưỡng, bảo hành hàng hóa khác trên thị trường. Vì vậy, chưa tìm thấy tính đặc thù của loại dịch vụ này hơn các dịch vụ tương tự khác để có thể quy định về điều kiện kinh doanh.
 
Bãi bỏ điều kiện kinh doanh với xuất khẩu gạo cũng là đề xuất được VCCI kiên trì kiến nghị, một số vị đại biểu Quốc hội cũng có cùng quan điểm. Song, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sau khi sửa vẫn có tên ngành này.

Thêm một lần kiến nghị bãi bỏ, VCCI lý giải, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan đến sản phẩm gạo.

Cụ thể, việc cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, các yêu cầu về dự trữ lưu thông … đã được quy định khá rõ trong Nghị định 109. Do đó, yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là chưa phù hợp.

Điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo là có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành...

Theo VCCI thì “không nhận thấy mối liên hệ nào” giữa điều kiện về quy mô nói trên với các lợi ích công cộng (sức khỏe, tính mạng con người, an ninh quốc gia, quốc phòng, môi trường, trật tự công cộng…) mà Nhà nước bảo vệ.

Cũng khó trả lời được câu hỏi, các thương nhân xuất khẩu gạo không có kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ thì lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động đến mức Nhà nước buộc phải can thiệp.

Phân tích chi tiết, báo cáo của VCCI nêu: nếu cho rằng, xuất khẩu gạo là hoạt động sẽ tác động mức độ nào đó đến an ninh lương thực, Nhà nước cần phải kiểm soát chặt chẽ bằng cách áp đặt điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, thì cũng khó giải thích được quy định về quy mô của thương nhân xuất khẩu sẽ liên quan như thế nào tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực.

Các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo, theo VCCI là đã can thiệp vào yếu tố thị trường. Bởi, xuất khẩu gạo là hoạt động thương mại, các thương nhân thực hiện hoạt động kinh doanh này sẽ dựa vào nhu cầu của thị trường, yêu cầu của các đối tác hay chiến lược kinh doanh. Đây là quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp được Luật Doanh nghiệp 2014 ghi nhận và bảo vệ. Nhà nước không thể yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất quy mô lớn, trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không cần đến mức quy mô đó.

Cũng theo VCCI, yêu cầu thương nhân xuất khẩu gạo phải “sở hữu” kho chứa, cơ sở xay, xát là chưa phù hợp với thực tế, bởi họ có thể thuê kho chứa, cơ sở xay, xát thay vì sở hữu, trong khi cả hai hình thức này, thương nhân đều có quyền sử dụng, khai thác kho chứa, cơ sở xay, xát – đáp ứng điều kiện kinh doanh đối với hoạt động này.

VCCI đề xuất bỏ “xuất khẩu gạo” ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện Luật đầu tư 2014. Và bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP.