20:44 08/10/2017

VCCI: Tăng thuế sẽ làm xói mòn tích lũy vốn của doanh nghiệp

BẠCH DƯƠNG

Chi phí đang là gánh nặng của doanh nghiệp, nếu tiếp tục tăng thu sẽ làm xói mòn khả năng tích luỹ tư bản, tái đầu tư

VCCI cho rằng tăng thuế sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - Ảnh minh họa.<br>
VCCI cho rằng tăng thuế sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - Ảnh minh họa.<br>
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đóng góp ý kiến cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên.

Đầu bản góp ý, VCCI cho rằng chi phí chung của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cao. Theo báo cáo Doing Business 2017, tổng chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam phải nộp cao hơn nhiều nước trong khu vực, tới mức 39,4% lợi nhuận.

2017, 2018 là những năm điều chỉnh cách tính mức lương đóng bảo hiểm xã hội khiến tổng số tiền bảo hiểm mà cả doanh nghiệp và người lao động phải chịu tăng gấp rưỡi. Chi phí vốn vay, chi phí vận tải, chi phí logistic, thủ tục xuất nhập khẩu còn phiền hà, thủ tục hành chính phức tạp, cơ chế giải quyết tranh chấp chưa hiệu quả đều khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam luôn cao, kém cạnh tranh hơn so với các nước khác.

Đó là chưa kể đến những chi phí không chính thức khác có thể chiếm phần lớn trong lợi nhuận của các doanh nghiệp, theo điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của VCCI.

"Về mặt tổng thể với đại đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nếu tiếp tục chính sách tăng thu sẽ làm xói mòn khả năng tích luỹ tư bản để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất hay phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Tác động tiếp theo sẽ là làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giảm năng lực giải quyết việc làm của nền kinh tế, không tạo đủ áp lực để cải cách bộ máy nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước”, VCCI cho hay.

Về Luật thuế VAT, VCCI có nhiều góp ý gửi đến Bộ Tài chính. Cơ quan này cho rằng việc đề xuất tăng thuế  VAT từ 10% lên 12% đối với các loại hàng hoá, dịch vụ là một sự thay đổi chính sách rất lớn, tuy nhiên lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ trong tờ trình của Bộ Tài chính. Tờ trình mới chỉ đề cập đến tác động tăng thu ngân sách chứ chưa đề cập đến các tác động khác về kinh tế, xã hội của việc tăng thuế này.

"Thuế VAT là loại thuế luỹ thoái đánh vào tiêu dùng. Mặc dù tăng cùng một mức thuế suất, nhưng người có thu nhập thấp lại chịu tác động lớn hơn do tỷ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập của người có thu nhập thấp cao hơn người có thu nhập cao. Như vậy, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xoá đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác.

Về mặt kinh tế, việc tăng thuế VAT sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tăng thuế VAT vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra.

VCCI khuyến nghị Bộ Tài chính cần cân nhắc một số hệ quả của chính sách.

Thứ nhất, chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm trong những năm trở lại đây thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này.

Theo một đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với mô hình phát triển như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ suy giảm ở mức 1% sau mỗi thập kỷ, và tác động của việc tăng thuế sẽ đẩy nhanh hơn mức suy giảm này.

Thứ hai, trong 3 nhóm doanh nghiệp (quốc doanh, dân doanh trong nước và FDI) thì các doanh nghiệp dân doanh trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng thuế giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp FDI hiện nay tập trung nhiều vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, không chịu thuế VAT. Các doanh nghiệp nhà nước mặc dù cũng phải nộp thuế nhiều hơn nhưng sau đó có thể được thụ hưởng từ các khoản chi đầu tư tăng thêm có được từ tiền tăng thuế. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đặt ra tại Đại hội Đảng XII.

Thứ ba, việc tăng thuế còn có nguy cơ ảnh hưởng đến năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Trong 3 thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân trong nước có khả năng tạo việc làm tốt nhất trên mỗi đồng vốn đầu tư. Do đó, tiếp theo việc doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tăng thuế VAT, năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ tư, tác động lạm phát đã được Bộ Tài chính tính toán và được coi là không lớn, chỉ làm tăng CPI một lần trong khoảng 0,06%-0,39%. Do không nắm rõ phương pháp nghiên cứu nên khó có thể bình luận sâu hơn về tác động này. Mặc dù vậy, theo ý kiến một số chuyên gia mà VCCI tiếp nhận được, đây là tác động trong điều kiện giả định là các yếu tố khác không đổi, trong đó có chi ngân sách.

Nói cách khác, nếu việc tăng thuế và số tiền thu được tăng thêm (ước đoán 70.000 tỷ đồng) được giữ lại trong ngân sách, không làm tăng chi ngân sách thì mức tăng CPI như thế là phù hợp. Tuy nhiên, Nhà nước không thể thu thêm thuế rồi để đó, mà sẽ sử dụng tiền thuế này để chi tiêu công. Việc Nhà nước sử dụng những đồng tiền thuế này chi tiêu như thế nào có thể sẽ kéo theo lạm phát.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, VCCI cũng đề nghị Bộ Tài chính chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam. Trước đó, Dự thảo đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10% nhằm mục tiêu chính là bảo vệ sức khoẻ nhân dân do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì.

Với Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo đưa ra quy định hạn chế tỷ lệ vốn vay trong xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng đại trà cho tất cả các doanh nghiệp. Quy định này được đưa ra nhằm 2 mục đích là chống thất thoát thuế và lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp.

Việc kiểm soát chống chuyển giá chỉ nên áp dụng cho các doanh nghiệp có quan hệ liên kết và có chênh lệch thuế suất (hoặc bên cho vay ở nước ngoài). Còn đối với các doanh nghiệp khác thì chi phí của bên này là doanh thu của bên kia, nên khoản thu của Nhà nước vẫn sẽ được bảo đảm. Do đó, việc áp dụng quy định hạn chế tỷ lệ vốn vay khi tính thu nhập chịu thuế một cách đại trà là chưa phù hợp.

VCCI cũng cho rằng Nhà nước không cần thiết phải can thiệp bằng công cụ thuế như vậy. Khi một doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng cho một doanh nghiệp khác vay, bên cho vay luôn phải cân nhắc đánh giá về năng lực trả nợ của bên đi vay.

“Việc nhà nước quá lo lắng cho khả năng trả nợ của doanh nghiệp là điều không thực sự cần thiết, thị trường có thể tự giải quyết vấn đề này”, VCCI nhận định.

Về Luật thuế thu nhập cá nhân, VCCI cho biết, đề xuất đánh thuế chuyển nhượng vốn đối với cá nhân tương tự như quy định về thuế chuyển nhượng vốn trong thuế nhà thầu, đánh trên giá chuyển nhượng với mức thuế suất 1%. Khi so sánh với mức thuế suất 0,1% của chuyển nhượng chứng khoán thì có một sự chênh lệch thuế suất rất lớn. Nguy cơ dẫn đến tình trạng chuyển đổi loại hình công ty để tránh thuế, tạo chi phí xã hội làm các thủ tục hành chính không cần thiết. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan về mức thuế suất 1%.