09:31 31/08/2017

“Tăng thuế VAT ảnh hưởng đến người nghèo không nhiều”

Bảo Quyên

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trao đổi với báo giới về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho rằng, vẫn có nhiều ý kiến chưa có sự nhìn nhận, đánh giá một cách 
đầy đủ, toàn diện về các giải pháp kiến nghị điều chỉnh Thuế của Bộ Tài 
chính.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho rằng, vẫn có nhiều ý kiến chưa có sự nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về các giải pháp kiến nghị điều chỉnh Thuế của Bộ Tài chính.
“Qua tham khảo một số nước trên thế giới thì đúng là việc điều chỉnh thuế VAT có tác động đến người dân. Nhưng Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người thu nhập thấp, người nghèo là không nhiều”.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khi trao đổi với báo giới về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế hiện đang được Bộ Tài chính lấy kiến kiến nhằm cơ cấu lại nguồn thu và đảm bảo ngân sách, nhưng lại gặp phản phản đối từ dư luận và các chuyên gia.

Được chỉ định trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 30/8 nhằm làm rõ những thông tin trái chiều về đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) cần có sự kết hợp giữa điều chỉnh thuế suất với việc điều chỉnh các quy định nhằm tiết kiệm chi tiêu, bảo đảm hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí.

Để thực hiện tái cơ cấu ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, xây dựng nền tài chính an toàn, hiệu quả, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Việc cơ cấu lại chi cũng đã được triển khai. Tái cơ cấu đầu tư công cũng đã được thực hiện quyết liệt với nhiều chính sách từ quy hoạch đến kế hoạch, dự toán, quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

“Một trong những mục tiêu của sửa đổi các luật thuế là để cơ cấu lại thu, bảo đảm ngân sách”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Về ý kiến cho rằng, thuế VAT khiến người thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, hiện luật thuế VAT quy định 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm dịch vụ, hàng hoá chịu thuế 5%.

Dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư được công bố năm 2014, Bộ Tài chính nhận thấy nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục.

Ngược lại, nhóm người thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng chi cho các nhóm hàng hoá thiết yếu này.

Trong khi đó, y tế và giáo dục hiện đang là đối tượng không chịu thuế, lương thực - thực phẩm do người dân sản xuất trực tiếp bán ra cũng không chịu thuế, chỉ có khâu kinh doanh - buôn bán mới chịu thuế ở mức thấp 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, các mặt hàng đầu vào của nông nghiệp…đều ở mức thuế suất thấp 5%, dự kiến tăng lên 6%. Thuế suất phổ thông hiện là 10%, dự kiến tăng lên 12%.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Mai cho rằng, với nhóm người thu nhập thấp, người nghèo hiện Chính phủ vẫn có những chính sách an sinh xã hội khác nhằm giúp đỡ những đối tượng này từ y tế, giáo dục, nhà ở…

Về ý kiến cho rằng tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới để đánh giá dựa trên kinh nghiệm của các nước, theo đó tác động sẽ ở mức hạn chế.

“Đã có nhiều ý kiến đóng góp rất xây dựng, trách nhiệm, và Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, giải trình một cách trách nhiệm để hoàn thiện dự án luật trình các cơ quan thẩm quyền thông qua. Bên cạnh đó vẫn có nhiều ý kiến chưa có sự nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về các giải pháp kiến nghị điều chỉnh Thuế của Bộ Tài chính. Rất mong người dân và báo chí ủng hộ để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước”, bà Mai nói.   

Trước đó, Bộ Tài chính trong đề án nói trên đã đề xuất tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019 với lý do mức VAT hiện tại 10% tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Không chỉ đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính còn kiến nghị tăng loạt các sắc thuế như Tiêu thụ đặc biệt với các loại nước ngọt, trà, cà phê đóng lon theo dây chuyền; thuốc lá; tăng thuế với xe bán tải… Đặc biệt, trước đó đề tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ mức 3.000 đồng lên 8.000 đồng/lít.