14:52 21/03/2011

Vì sao Mỹ đóng vai trò khiêm tốn trong chiến sự Lybia?

Hồng Ngọc

Nếu bất kỳ binh sỹ Mỹ nào bị giết hoặc bị bắt trong chiến dịch tại Lybia thì ông Obama cũng sẽ gặp rắc rối thực sự về chính trị

Lybia liệu có là Iraq thứ hai? - Ảnh: Reuters.
Lybia liệu có là Iraq thứ hai? - Ảnh: Reuters.
Phát biểu ngày 20/3 trên chương trình "This Week" của kênh truyền hình ABC, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Michael Mullen cho biết giai đoạn đầu của chiến dịch quốc tế nhằm áp đặt vùng cấm bay ở Libya "đã thành công".

Tuy nhiên, Đô đốc Mullen nhấn mạnh nhiệm vụ của giai đoạn này là tập trung vào việc bảo vệ dân thường và hỗ trợ nỗ lực nhân đạo theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chứ không nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

Trong hai ngày 19 và 20/3, liên quân quốc tế liên tục oanh kích Lybia. Trong vụ tấn công đêm 20/3 (sáng 21/3 theo giờ Việt Nam), theo các nguồn tin quốc tế, tòa nhà đặt bộ chỉ huy của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tại thủ đô Tripoli đã bị san bằng.

Trước đó, phát biểu trước báo giới ngày 19/3, Phó đô đốc Mỹ William Gortney cho biết đầu giờ chiều cùng ngày, các chiến hạm và tàu ngầm của Anh và Mỹ đã tấn công hơn 20 hệ thống phòng không liên hợp cùng các cơ sở phòng không khác trên bờ của Libya bằng ít nhất 110 quả tên lửa hành trình Tomahawk.

Đây là chiến dịch của Mỹ có tên gọi "Bình minh Odyssey" (Odyssey Dawn), diễn ra sau các cuộc không kích trước đó của Pháp, phá hủy một số xe thiết giáp thuộc lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, tấn công một cơ sở phòng không ở Tajura nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 10km về phía Đông.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người suy nghĩ không phải là chiến dịch này đang xảy ra như thế nào, mà là tương lai sẽ ra sao, khi Mỹ khẳng định không đưa bộ binh tới quốc gia Bắc Phi. Phát biểu hôm 20/3 trong khi đang thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Brazil, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, sử dụng vũ lực đối với Libya là giải pháp bắt buộc và Mỹ sẽ không gửi bộ binh tới nước này.

Bên cạnh đó, Tổng thống Obama còn nhấn mạnh, tấn công quân sự vào Libya không phải là lựa chọn của liên quân, song chính ông Gaddafi đã buộc họ phải đưa ra quyết định “khó khăn” này vì đã không tuân thủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tiếp tục các hoạt động đàn áp người biểu tình bằng vũ lực.

“Hôm nay, tôi cho phép các lực lượng vũ trang Mỹ bắt đầu hành động quân sự có giới hạn tại Lybia nhằm ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế bảo vệ dân thường Lybia. Như tôi đã nói, chúng tôi sẽ không triển khai bất cứ lực lượng trên bộ nào”, nhà lãnh đạo của Mỹ phát biểu.

Phó đô đốc Mỹ William Gortney cho biết, đây chỉ là giai đoạn đầu tiên của chiến dịch. Các cuộc tấn công đã giáng vào các mục tiêu dọc Địa Trung Hải của Lybia. Có thể sẽ có thêm các cuộc tấn công khác, trước khi máy bay của liên quân, chủ yếu là của các nước châu Âu, cùng với vài máy bay của một số nước Arab bắt đầu “bay làm nhiệm vụ” trên vùng cấm bay.

Đợt tấn công mở màn đã đánh trúng vào các mục tiêu của quân chính phủ nằm co cụm quanh thủ đô Tripoli, nơi ông Gaddafi sinh sống, cũng như ở Misurata và Benghazi, hai thành trì của quân nổi dậy.

Kênh truyền hình quốc gia Lybia đưa tin, các lực lượng phương Tây đã oanh tạc các khu vực dân cư ở thủ đô Tripoli và các bể chứa nhiên liệu cung cấp cho thành phố Misrata ở miền Tây Libya, đồng thời cho biết một máy bay chiến đấu của Pháp đã bị bắn hạ ở thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, quân đội Pháp đã bác bỏ thông tin máy bay của nước này bị bắn rơi.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, Washington đang muốn trao việc quản lý vùng cấm bay cho các đối tác quốc tế và chỉ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc tấn công mở màn, bởi khả năng tiêu diệt radar và làm nhiễu sóng điện tử của Mỹ là không nước nào sánh kịp.

Phó đô đốc Gortney nói, “trong vài ngày nữa, quyền lãnh đạo cuối cùng sẽ được chuyển cho người chỉ huy liên quân. Sứ mệnh của chúng tôi là tạo khoảng không để các đối tác có thể đi đầu thực hiện việc giám sát vùng cấm bay”.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, các cuộc tấn công mở màn diễn ra sau khi hội nghị thượng đỉnh đột xuất quy tụ các nhà lãnh đạo của Mỹ, châu Âu và các nước Arab ngày 19/3 tại Paris đã nhất trí áp dụng mọi biện pháp cần thiết, nhất là về quân sự để ngăn chặn các cuộc tấn công của Gaddafi vào dân thường.

Ông Gaddafi đã phớt lờ nghị quyết của Liên hợp quốc được thông qua vào ngày 17/3 và các lực lượng trung thành với Gaddafi tiếp tục tấn công vào thành trì của quân nổi dậy ở Benghazi và ở những nơi khác vào cuối tuần.

Hôm qua (20/3), một phát ngôn viên quân đội Lybia tuyên bố lực lượng vũ trang nước này đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị ngay lập tức thực hiện một lệnh ngừng bắn mới, giữa lúc liên quân quốc tế bắt đầu đêm thứ hai oanh kích các mục tiêu tại quốc gia Bắc Phi này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn trên nêu rõ: "Lực lượng vũ trang Lybia đã ra lệnh cho tất cả các đơn bị quân đội đảm bảo một lệnh ngừng bắn ngay lập tức từ 21 giờ đêm nay (2h sáng 23/3 theo giờ Việt Nam)".

Theo người phát ngôn này, quân đội Lybia quyết định tuyên bố lệnh ngừng bắn mới sau khi Liên minh châu Phi kêu gọi lập tức đình chiến. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố sẽ không công nhận lệnh ngừng bắn được các lực lượng của nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi tuyên bố.

Phát biểu với báo giới, Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon của Nhà Trắng nói: "Quan điểm của chúng tôi trong thời điểm hiện nay là lệnh ngừng bắn đó không thực tế và đã bị vi phạm ngay lập tức". Ông cho biết thêm Mỹ và các đồng minh của mình đã có một "ngày thuận lợi đầu tiên" trong hành động can thiệp vào Lybia.

Nhiều nước cam kết hỗ trợ tham gia tấn công vào các mục tiêu của Lybia trên trời và trên đất liền, bao gồm: Canada cam kết gửi 6 máy bay G18; Tây Ban Nha sẽ cho sử dụng hai căn cứ của nước này; Anh cam kết triển khai máy bay chiến đấu Tornado và Typhoon, máy bay tiếp dầu, tàu chở dầu; Qatar cam kết đóng góp máy bay chiến đấu Mirage; Bỉ cam kết phái 6 máy bay F16; Italy cho phép máy bay của liên quân dùng 7 căn cứ của mình để tấn công Lybia;

Đan Mạch gửi 6 máy bay F16; Hà Lan cam kết đóng góp những gì cần thiết; còn Đức, nước không chấp nhận vùng cấm bay, có thể cử các phi hành đoàn tới Afghanistan để tạo điều kiện cho các phi hành đoàn của Mỹ thực hiện sứ mệnh Lybia. Về phía Mỹ, có hơn 6 tàu chiến cùng hàng trăm tên lửa hành trình và máy bay sẵn sàng được triển khai.

Đây là cuộc chiến thứ 3 mà Mỹ tham gia tại miền đất Hồi giáo. Nhưng lần này, Mỹ tham gia với vai trò nhỏ hơn. Đây là một sự khác biệt lớn và có thể thấy rõ trong tuyên bố ngày 18/3 của Tổng thống Obama khi ông cảnh báo nhà lãnh đạo Gaddafi từ bỏ quyền lực: “Chúng tôi sẽ dành mọi khả năng có thể để ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với dân thường Lybia, trong đó có việc giúp các nước đồng minh châu Âu và đối tác Arab áp đặt hiệu quả vùng cấm bay”.

Mặc dù vậy, song giống như hai lần trước, sự lựa chọn tham gia cuộc chiến lần này của Mỹ cũng chứa đầy cơ hội và rủi ro. Đã đến lúc nhiều người Mỹ đặt câu hỏi tại sao Mỹ luôn là nước gánh vác trọng trách, trong khi nước Mỹ có thể tiết kiệm tiền, ít lo lắng và sống yên ổn hơn khi để các nước khác gánh vác nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, việc Mỹ đóng vai trò nhỏ hơn trong cuộc chiến cũng có mặt tiêu cực. Nó làm giảm vai trò của Mỹ như là cường quốc duy nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, với Anh và Pháp đứng đầu, Mỹ sẽ ít kiểm soát được về những gì đang xảy ra ở Lybia.

Chiến dịch chống Lybia đang diễn ra theo nghị quyết 1973 của Liên hợp quốc, trong đó yêu cầu các tổng thống tham vấn quốc hội trước khi triển khai quân cho bất cứ chiến dịch quân sự được mở rộng nào.

Trong trường hợp này, chính quyền Obama đã tham khảo ý kiến của các đồng minh nhiều hơn so với Quốc hội Mỹ. Đây là lý do khiến Mỹ lưỡng lự về mặt quân sự. Nếu bất kỳ binh sỹ Mỹ nào bị giết hoặc bị bắt trong chiến dịch tại Lybia thì ông Obama cũng sẽ gặp rắc rối thực sự về chính trị.