Vì sao nói “thời kì vàng” của các startup châu Á đã đến?
Ở châu Á, các doanh nghiệp có cơ hội giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống và thay da đổi thịt địa phương đó thành nền công nghiệp phát triển…
Sau Thế chiến thứ Hai, nền kinh tế Nhật Bản phát triển đã đánh dấu khởi đầu của phép màu kinh tế châu Á, và kể từ đó, châu Á tiếp tục tạo ra những kỳ tích về kinh tế, trở thành vùng đất ươm mầm lý tưởng cho những công ty lớn.
Trong những năm trở lại đây, Đông Nam Á đã và đang trở thành ngôi sao sáng khi là “sân nhà” của một số những doanh nghiệp khởi nghiệp triển vọng và thu hút sự chú ý, điển hình như việc IPO của Grab và GoTo trở thành sự kiện được mong chờ nhất năm. Kevin Aluwi, nhà đồng sáng lập của Gojek, một trong những “kỳ lân” của Indonesia, đồng thời là một nửa tạo nên GoTo, tin rằng đây chính là khởi đầu “thời kỳ vàng” của các công ty công nghệ châu Á.
CƠ HỘI RỘNG LỚN
Đông Nam Á có dân số hơn 680 triệu người, chiếm 8,58% dân số thế giới, với độ tuổi trung bình là 30,2. Đây là khu vực có dân số còn trẻ và đang phát triển mạnh với mức tăng trưởng dồi dào. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Philippines sẽ tăng trưởng 5,7%, Malaysia tăng 5,5%, Việt Nam tăng 5,3% và Indonesia là 5,1%.
Những quốc gia Đông Nam Á này đang tăng trưởng với một tốc độ không tưởng, tuy chưa phát triển bằng Nhật Bản hay Hoa Kỳ, nhưng đây lại chính là một lợi thế mà những thị trường khác không có: các doanh nghiệp có cơ hội tạo ra tầm ảnh hưởng lâu dài lên xã hội và thúc đẩy quá trình chuyển đổi phát triển của khu vực.
KHỞI NGHIỆP ĐANG DẪN LỐI CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC QUỐC GIA
Trong một thập kỷ vừa qua, Đông Nam Á đã sản sinh ra những kì lân khởi nghiệp hàng tỷ đô như Gojek và Tokopedia (trước khi hai doanh nghiệp này sáp nhập thành GoTo), Bukalapak, Carousell hay Sea Group. Tuy vậy, khu vực này vẫn hầu như chưa khai thác hết những tiềm năng rộng lớn vốn đã tồn tại từ một thập kỷ trước.
Lý do thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp như Gojek là khả năng đáp ứng diện rộng cho một khu vực đang phát triển và có nhu cầu cao. Với khả năng phát triển của khu vực, các doanh nghiệp có cơ hội lớn trong nền kinh tế phi chính thức, nơi họ có thể đóng vai trò tổ chức và khai thác các mạng lưới hiện có để phát triển các doanh nghiệp lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Một ví dụ cho việc doanh nghiệp có thể tạo ra những tác động tích cực lên nền kinh tế: GoTo đóng góp 2% GDP cho Indonesia với những hoạt động kinh doanh như dịch vụ đặt xe, thanh toán và thương mại điện tử. Để thực sự hiểu rõ sức tác động của các doanh nghiệp này, thay vì so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành phương Tây hiện nay, hãy so sánh họ với những doanh nghiệp lớn từng có những ảnh hưởng đặt nền móng như Standard Oil của John D. Rockefeller hay JP Morgan trong Thời kì Vàng son của kinh tế Hoa Kỳ; hay nói cách khác, những doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình nền kinh tế. Những công ty dù lớn như Amazon, Alphabet hay Apple đều không đóng vai trò cốt lõi trong việc định hình nền kinh tế địa phương giống như các công ty khởi nghiệp châu Á đang làm.
Ở châu Á, các doanh nghiệp có cơ hội giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống và thay da đổi thịt địa phương đó thành nền công nghiệp phát triển. Tương lai của châu Á phụ thuộc vào thành công của những kỳ lân này và những công ty này đang tác động đến cuộc sống của hàng triệu người Đông Nam Á.
Các doanh nghiệp ở các khu vực đang phát triển có một lợi thế, đó là họ có thể thích ứng rất nhanh với những công nghệ tân tiến nhất mà không cần phải trải qua giai đoạn phát triển trung gian. Điển hình như ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các công ty có thể vận dụng ngay các công nghệ mới mà không bị cản trở bởi những công nghệ lỗi thời và những tư duy cũ thâm căn cố đế khó thay đổi.
Đó cũng là lý do tại sao Nhật Bản nắm bắt được thời cơ dẫn đầu ngành chế tạo và ứng dụng robot, trong khi phương Tây vẫn đang chật vật trong việc mang robot tự động vào phục vụ đời sống của người dân. Những doanh nghiệp với tư duy tiến bộ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc thúc đẩy và tạo ra những thay đổi, điều mà khó có thể thực hiện hơn ở các nước phương Tây. Châu Á chính là một bức tranh tổng thể tiêu biểu cho tương lai của công nghệ.
Trung Quốc đã tiến xa hơn trong việc ứng dụng thương mại điện tử so với bất kì quốc gia nào trên thế giới, lý do là các doanh nghiệp Trung Quốc không bị một bức tường rào cản, chính là những “di sản” truyền đời của các doanh nghiệp lâu năm, điều đã ngăn cản tốc độ thay đổi ở Hoa Kỳ. Trong khi Amazon phải hạ gục Walmart để trở thành vua trong lĩnh vực bán lẻ, thì đối thủ lớn nhất của JD.com lại là Alibaba, một gã khổng lồ khác về thương mại điện tử. Trung Quốc đi trước thế giới trong việc tạo ra những “siêu ứng dụng” có thể làm bất kì việc gì, điều mà đến Hoa Kỳ cũng chưa thực sự làm được.
Lời cuối dành cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tạo tác động lớn về mặt xã hội và trở thành một phần hệ sinh thái khởi nghiệp đặt nền móng cho tương lai: thay vì tìm đến Thung lũng Silicon, hãy đến châu Á, cụ thể hơn là Đông Nam Á, nơi đang nuôi dưỡng một hệ sinh thái màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp và sản sinh ra những kỳ lân triển vọng.