12:04 21/08/2015

Vì sao Thủ tướng Hy Lạp bất ngờ từ chức?

Diệp Vũ

Nộp đơn xin từ chức, nhưng ông Alexis Tsipras cũng đề nghị tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian sớm nhất có thể

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.<br>
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.<br>
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua (20/5) bất ngờ tuyên bố từ chức, với hy vọng sẽ trở lại vị trí này với quyền lực lớn hơn sau cuộc bầu cử sớm sắp được tổ chức.

Trong 7 tháng cầm quyền ngắn ngủi vừa qua, ông Tsipras đã nỗ lực đưa Hy Lạp chống lại các yêu cầu của chủ nợ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn cho người dân nước này, nhưng cuối cùng đã phải “đầu hàng” để thoát nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi khối đồng tiền chung Eurozone.

Hãng tin Reuters cho biết, ông Tsipras đã nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos, và đề nghị tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian sớm nhất có thể.

Giới chức Chính phủ Hy Lạp nói mục đích của việc ông Tsipras từ chức là tiến hành bầu cử sớm vào ngày 20/9, theo đó dập tắt sự phản đối nhằm vào ông trong nội bộ đảng cánh tả Syriza cầm quyền, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của cử tri Hy Lạp đối với gói cứu trợ mà ông vừa đàm phán xong. Đây là gói cứu trợ thứ ba mà các chủ nợ quốc tế dành cho Hy Lạp kể từ năm 2010.

“Tôi sẽ tới gặp Tổng thống để đệ đơn xin từ chức của tôi, cũng như của chính phủ của tôi”, ông Tsirpas phát biểu trên truyền hình trước khi tới gặp ông Pavlopoulos.

Đối mặt với nguy cơ sụp đổ hệ thống tài chính của Hy Lạp và khả năng nước phải rời Eurzone, ông Tsipras đã buộc phải chấp nhận yêu cầu của chủ nợ thực hiện thêm các biện pháp cải cách kinh tế khắc khổ và tăng cường thắt lưng buộc bụng. Đây chính là những chính sách mà ông Tsipras đã hứa phá bỏ khi ông đắc cử Thủ tướng Hy lạp hồi tháng 1 năm nay.

“Tôi muốn nói thật với mọi người, rằng chúng tôi đã không đạt được thỏa thuận như mong đợi trong cuộc bầu cử tháng 1”, ông Tsipras nói với người dân Hy Lạp. “Tôi cảm nhận được trách nhiệm đạo đức và chính trị sâu sắc từ sự đánh giá của các bạn đối với những gì tôi đã làm, cả thành công và thất bại”.

Quyết định từ chức của ông Tsipras làm gia tăng bất ổn chính trị ở Hy Lạp vào đúng ngày mà nước này bắt đầu nhận vốn giải ngân từ gói cứu trợ trị giá 86 tỷ Euro, tương đương 96 tỷ USD. Với số tiền giải ngân này, Hy Lạp trả được khoản nợ đáo hạn ngày hôm qua cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Tuy vậy, bầu cử sớm cho phép ông Tsipras tranh thủ được sự ủng hộ của cử tri trước khi đến phần khó khăn nhất của chương trình cứu trợ này - bao gồm thực thi cắt giảm lương hưu xuống mức thấp hơn, tăng thêm thuế giá trị gia tăng (VAT), và tăng thuế thu nhập.

Cuộc bầu cử có thể cho phép ông Tsipras trở lại ghế Thủ tướng ở một vị thế mạnh hơn mà không vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Syriza chống lại thỏa thuận mà ông đã ký với chủ nợ.

Ông Tsipras hiện vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Hy Lạp vì những cố gắng trong việc chống lại các yêu cầu của chủ nợ quốc tế. Một cuộc thăm dò dư luận thực hiện hôm 24/7 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri Hy Lạp dành cho đảng Syriza của ông Tsipras là 33,6%. Với tỷ lệ này, Syriza đang là đảng chính trị nhận được sự ủng hộ lớn nhất ở Hy Lạp.