14:38 23/03/2010

Việt Nam chưa sử dụng nguồn vốn từ IMF

Anh Quân

Đại diện Ngân hàng Nhà nước và IMF trả lời báo giới về tình hình tài chính của Việt Nam

Họp báo kết thúc hội nghị “Tăng cường và giảm nghèo hậu khủng hoảng tại các nước dang phát triển châu Á” chiều ngày 22/3 - Ảnh: Anh Quân.
Họp báo kết thúc hội nghị “Tăng cường và giảm nghèo hậu khủng hoảng tại các nước dang phát triển châu Á” chiều ngày 22/3 - Ảnh: Anh Quân.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có lúc căng thẳng, trong khi phát hành trái phiếu bù đắp thâm hụt ngân sách và đầu tư gặp khó khăn. Liệu đã có động thái nào hỗ trợ cán cân thanh toán của Việt Nam từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)?

Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị “Tăng cường và giảm nghèo hậu khủng hoảng tại các nước dang phát triển châu Á”, diễn ra chiều 22/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước và IMF đã trả lời nhiều nội dung báo giới nêu.

IMF đã có hỗ trợ nào cho Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua để cải thiện tính hình tài chính?

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Chúng tôi xin khẳng định rằng trong suốt thời gian vừa qua, kể từ khi chúng ta nối lại quan hệ với IMF, WB (Ngân hàng Thế giới) và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, IMF luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng, giúp Chính phủ Việt Nam trong việc hoạch định chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế vĩ mô.

Trong quá khứ, chúng ta cũng đã có rất nhiều lần có chương trình với IMF và cũng nhiều lần vay mượn những khoản tiền khá lớn và hết sức thiết yếu trong những giai đoạn nhất định.

Trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và IMF thường xuyên có những cuộc trao đổi chính sách và tư vấn cho nhau, để Việt Nam có những chính sách đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

Ngoài các đoàn công tác thường xuyên, các chuyến công tác của lãnh đạo cấp cao của IMF sang Việt Nam, các cuộc gặp gỡ của Chính phủ Việt Nam với lãnh đạo cấp cao IMF, Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn chính sách của IMF.

Vừa qua, việc phân bổ nguồn vốn của IMF cho Việt Nam cũng làm tăng thêm dự trữ ngoại hối cho chúng ta. Về nguyên tắc, trong trường hợp cần thiết Việt Nam có thể sử dụng nguồn vốn này để hỗ trợ cho dự trữ ngoại hối của mình, cũng như hỗ trợ cán cân vãng lai, cán cân thương mại. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, Việt Nam vẫn chưa sử dụng đến nguồn này.

Là một thành viên của IMF, là một nước đang phát triển, Việt Nam có quyền được tiếp cận với các thể thức cho vay mới của IMF. Ngân hàng Nhà nước đang làm việc với IMF để chuẩn bị toàn bộ những điều kiện cần thiết và khi cần thì có thể tiếp cận nguồn vốn này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định trong phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua răng, trong quý 2 tới đây, việc phát hành trái phiếu, tín phiếu sẽ thuận lợi hơn so với năm 2008-2009. Có thông tin cho biết, tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ mua tín phiếu ngắn hạn do Bộ Tài chính phát hành. Xin ông cho biết thời điểm và liều lượng của đợt phát hành này?

Ông Nguyễn Văn Bình: Chúng ta đã triển khai các chính sách tài chính và tiền tệ rất thành công trong giai đoạn năm 2008 và 2009 để chống lại sự suy giảm kinh tế và đảm bảo duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao, được thế giới và trong nước đánh giá tương đối tích cực. Chúng ta cũng đã tiến hành gói kích thích kinh tế tương đối lớn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để có được gói hỗ trợ đó, chúng ta đã có những khoản chi lớn của ngân sách. Do đó, để giảm mức thâm hụt ngân sách, tạo ra cân đối vĩ mô trong năm 2010 và những năm tiếp theo thì việc huy động các nguồn vốn trong dân cư, trong nền kinh tế trong nước cũng như các nguồn ngoài nước là hết sức quan trọng.

Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến Chính phủ Việt Nam thành công trong việc phát hành ra thị trường quốc tế trái phiếu chính phủ và chúng ta đã phát hành được 1 tỷ USD. Cũng có một chương trình như vậy đối với phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này.

Về câu hỏi Ngân hàng Nhà nước có mua trái phiếu, hay tín phiếu của Bộ Tài chính hay không, thì quan hệ vay mượn giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã được quy định rất rõ trong Luật Ngân sách, cũng như Luật Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng nhu cầu tạm thời khi nguồn thu ngân sách chưa có được đầy đủ thì đó cũng là một trong những khả năng được pháp luật cho phép.

Còn việc tiến hành như thế nào thì chúng tôi còn phải tiếp tục theo dõi các diễn biến trên thị trường để có được hình thức phát hành, cũng như mức mua hợp lý, vừa phù hợp với luật pháp Việt Nam, nhưng cũng đồng thời phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội.

IMF đánh giá như thế nào về tình hình nợ công của Việt Nam, hiện vào khoảng 40% GDP?

Ông Anoop Singh, Giám đốc Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của IMF: Chúng tôi không thấy có vấn đề gì, tuy rằng quan ngại cũng nảy sinh trong vài năm gần đây do thâm hụt của Chính phủ có tăng, trong năm ngoái vào khoảng 9% GDP. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là do Chính phủ có ý định rõ ràng với gói kích cầu để ngăn ngừa ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới đến Việt Nam.

Chúng tôi hài lòng với việc Chính phủ đã nói rõ gói kích thích kinh tế như thế sẽ giảm và thâm hụt ngân sách năm 2010 dự kiến sẽ thấp hơn thâm hụt ngân sách của năm 2009. Đó là một bước đi tôi nghĩ là tốt.

Hơn nữa, tăng trưởng của Việt Nam sẽ quay trở lại mức tăng 6%. Như thế rất phù hợp với ý đồ của Chính phủ để bắt đầu giảm thâm hụt ngân sách.

Nhiều khuyến cáo của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và hệ thống tài chính. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này? Và IMF có gợi ý gì không?

Ông Nguyễn Văn Bình: Trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, chúng ta đã thấy được vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Các chính sách này góp phần quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khủng hoảng vừa qua.

Tuy nhiên, đứng trên bình diện quốc tế cũng như từng nước, nếu chúng ta không cải cách để củng cố hệ thống tài chính cũng như hệ thống ngân hàng thì đó có thể là nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng tiếp theo. Do vậy, cải cách là việc thường xuyên phải tiến hành và đặc biệt phải tiến hành mạnh mẽ ngay sau cuộc khủng hoảng này.