Việt Nam tăng điểm về cải cách môi trường kinh doanh
World Bank đánh giá đánh giá cao việc nâng cấp hạ tầng thông tin của Tổng cục Thuế Việt Nam, giúp doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng hơn
Trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được đánh giá tăng điểm với 3 chương trình cải cách môi trường kinh doanh được thực hiện trong năm 2019 và 2 chương trình vào năm 2020.
Cụ thể, điểm môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 69,8 trong báo cáo năm nay, tăng từ 68,6 điểm của năm ngoái. Hiện Việt Nam xếp thứ 70/190 nền kinh tế được đánh giá trong báo cáo này (xếp hạng năm ngoái là 69/190). World Bank đánh giá cao việc nâng cấp hạ tầng thông tin của Tổng cục Thuế Việt Nam, giúp doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng hơn. Việt Nam cũng được đánh giá cải thiện ở chỉ số tiếp cận tín dụng.
Xét ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Singapore tiếp tục giữ vị trí thứ hai toàn cầu về môi trường kinh doanh trong năm thứ tư liên tiếp. Hồng Kông cũng nằm trong top 10 nền kinh tế thế giới dẫn đầu về môi trường kinh doanh, ở vị trí thứ ba.
Theo dữ liệu của World Bank, trong năm qua, các nền kinh tế khu vực Đông Á–Thái Bình Dương đã tiến hành 33 chương trình cải cách về môi trường kinh doanh. Dù nhiều nền kinh tế trong khu vực được đánh giá có môi trường thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ so với mặt bằng chung thế giới, nhưng xét về tổng thể tốc độ cải cách đang chậm lại. Số cải cách trong khu vực đã giảm đi 10 cải cách trong vòng 12 tháng qua tính đến ngày 1/5 và chưa tới một nửa số nền kinh tế (12 trên 25) có thực hiện cải cách.
Mặc dù vậy, trong số 25 nền kinh tế đứng đầu thế giới về môi trường kinh doanh vẫn có 5 đại diện của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bao gồm Singapore (thứ 2), Hồng Kông (thứ 3), Malaysia (thứ 12), Đài Loan (thứ 15) và Thái Lan (thứ 21).
World Bank đánh giá các nền kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương đạt kết quả tương đối tốt trong các chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp cận điện năng và cấp phép xây dựng. Thủ tục cấp nối điện cho một cơ sở mới xây dựng trong khu vực này là 63 ngày, ít hơn gần 12 ngày so với mức trung bình của các nền kinh tế OECD. Tương tự, quy trình cấp phép xây dựng ở các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương ngắn hơn 20 ngày so với các nền kinh tế OECD.
Trung Quốc là một trong 10 nền kinh tế cải thiện nhiều nhất trong năm 2019. Đây là năm thứ hai liên tiếp Trung Quốc nằm trong top này.
"Những động lực cải cách ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương tiếp tục được duy trì, trong đó có một số quốc gia đạt những thành tích nổi bật như Trung Quốc. Cải cách liên tục là chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân", bà Rita Ramalho, Giám đốc Cấp cao Nhóm Chỉ số Toàn cầu Ngân hàng Thế giới, cho biết.
Với 8 cải cách, Trung Quốc đã cải thiện quy định trong hầu hết các lĩnh vực được đánh giá trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh và là nền kinh tế thực hiện nhiều cải cách nhất trong khu vực. Nước này thực hiện cải cách trong các lĩnh vực khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Indonesia và Myanmar thực hiện 5 cải cách, đa phần đều liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Với 3 lĩnh vực cải cách trong năm qua, Philippines tiếp tục giữ vững đà phát triển. Một trong số những cải cách đã được thực hiện là xóa bỏ yêu cầu vốn tối thiểu đối với các doanh nghiệp trong nước. Quốc gia này cũng đơn giản hóa quy trình cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.
Tuy nhiên, World Bank cho rằng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn còn ghi nhận nhiều yếu kém trong một số lĩnh vực như giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp và giao dịch thương mại xuyên biên giới. Các chỉ số này cho thấy khoảng cách khác biệt lớn giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Ví dụ, ở Myanmar phải mất tới 1.160 ngày để giải quyết tranh chấp thương mại với chi phí bằng 110,3% mức phí được áp dụng ở Papua New Guinea. Giải quyết tranh chấp thương mại thông qua tòa án sơ thẩm địa phương ở khu vực này có chi phí trung bình lên tới 47,2% giá trị khiếu nại, cao hơn gấp đôi mức trung bình là 21,5% của các nền kinh tế OECD.