22:26 08/08/2009

Vinaconex nộp lại thặng dư: Đề xuất ký khế ước vay SCIC

Minh Đức

Liên quan đến việc thu hồi phần thặng dư 810 tỷ đồng từ đấu giá cổ phần, Vinaconex đề xuất ký khế ước vay với SCIC

Ngày 5/9/2008, Vinaconex thực hiện niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã VCG.
Ngày 5/9/2008, Vinaconex thực hiện niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã VCG.
Liên quan đến việc thu hồi phần thặng dư 810 tỷ đồng từ đấu giá cổ phần, Vinaconex đề xuất ký khế ước vay với SCIC.

Ngày 7/8, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có thông báo tới các cổ đông, liên quan đến việc thực hiện các kết luận mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Nổi bật trong thông báo này là hướng xử lý 810 tỷ đồng thặng dư bán cổ phần lần đầu, theo đề xuất mà tổng công ty này đưa ra.

Thông báo của Vinaconex cho biết, về khoản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hơn 6,7 tỷ đồng và khoản vốn Nhà nước tăng thêm từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chuyển thành tổng công ty cổ phần là hơn 73,4 tỷ đồng, thực tế tổng số tiền Vinaconex đã chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC – đại diện vốn Nhà nước) là hơn 143,3 tỷ đồng, lớn hơn số tiền Thanh tra Chính phủ kiến nghị là do chưa khấu trừ số tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (63 tỷ đồng) vào khoản vốn Nhà nước tăng thêm.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp không được miễn giảm của dự án khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính mà Vinaconex đã nộp 63 tỷ đồng sẽ được khấu trừ vào giá trị thặng dư 810 tỷ đồng do bán đấu giá cổ phần lần đầu. Do đó, đến thời điểm này, số tiền thặng dư vốn của Nhà nước đang để tại Vinaconex chỉ còn hơn 747,6 tỷ đồng.

Về khoản tiền trên, theo văn bản ngày 5/8 gửi Bộ Tài chính, Vinaconex đề xuất: Ngay sau khi Bộ Tài chính ra quyết định thu hồi, Tổng công ty sẽ thu xếp tài chính ở mức cao nhất trong khả năng có thể để nộp một phần về SCIC. Số tiền còn thiếu phải chờ nguồn thu từ đợt phát hành tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo nghị quyết Đại hội Cổ đông thường niên năm 2009; Vinaconex sẽ ký khế ước vay với SCIC.

Đối với việc tính lãi vay cho khoản thặng dư nói trên, Vinaconex cho rằng, có được khoản này là do các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp và thông tin khoản thặng dư này được để lại doanh nghiệp để tăng vốn Nhà nước sau đó.

“Vinaconex nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc sử dụng nguồn vốn này phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả cho đến khi được chuyển đổi thành vốn góp của cổ đông Nhà nước. Vinaconex kiến nghị Bộ Tài chính cân nhắc các yếu tố thực tế để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý hợp lý nhất nhằm thể hiện sự thống nhất trong quan điểm chỉ đạo của Nhà nước, tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, thông báo của Vinaconex viết.

Trước thông báo này, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinaconex, cũng cho biết, toàn bộ khoản thặng dư thu được từ phát hành cổ phần lần đầu nói trên đã được đầu tư vào các dự án. Mặc dù các dự án đã bắt đầu đi vào hoạt động, song không thể một sớm một chiều thu hồi vốn để nộp về SCIC.

Và để có nguồn tiền thực hiện nộp về SCIC, Tổng công ty sẽ phải tăng cường thu hồi công nợ từ các chủ đầu tư, đặc biệt là từ các dự án giải ngân bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước như: dự án đường Láng - Hòa Lạc, dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia, dự án Thủy điện BuônKuốp…, song nguồn chủ yếu vẫn là nguồn thu từ đợt tăng vốn điều lệ từ 1.850 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.

Cũng trong thông báo trên, Vinaconex khẳng định sẽ chấp hành nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý. Vinaconex cũng mong muốn xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại sau cổ phần hóa để hơn 6.000 cổ đông, 42.000 người lao động của Tổng công ty yên tâm, sớm ổn định sản xuất kinh doanh.