Vonfram Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc?
Với thị phần 36% thế giới ngoài Trung Quốc, Masan Resources đặt tham vọng cạnh tranh trực tiếp với nhà cung cấp Trung Quốc
Sáng 19/4, Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources) tổ chức Đại hội đồng cổ đông.
Một nữ chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (79 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội) nói với phóng viên VnEconomy, đặc thù mỏ Vonfram Núi Pháo của Masan Resources là mỏ đa kim có trữ lượng rất lớn, trong đó chủ yếu là Vonfram.
2019: Doanh thu thuần 7.000 - 8.500 tỷ đồng
Theo bà này, nhờ công nghệ khai thác và chế biến hiện đại bậc nhất trên thế giới nên hiện tại, Masan Resources đã chế tạo đến được công đoạn ô xít Vonfram (WO3), kể từ khai thác sản phẩm thô, tuyển quặng, bóc tách, tinh chế.
"Đây là mỏ đa kim duy nhất ở Việt Nam có 4 kim loại. Hà Giang cũng có mỏ Vonfram nhưng lại kèm với thiếc. Hành trình chế biến Vonfram phải trải qua rất nhiều công đoạn, đi đến được WO3 là đã rất thành công vì giá bán cao", bà này nói.
Còn theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông, năm 2018, sản lượng đồng, Florit, Bismut (các kim loại có trong 1 quặng sau khai thác) đều đạt mức kỷ lục. Cụ thể, tổng lượng cấp liệu năm 2018 là 3.804.390 tấn và có hiệu suất thu hồi rất lớn. Chẳng hạn, tỷ lệ thu hồi tinh quặng Vonfram tăng 3,7%; tỷ lệ thu hồi Flouspar cấp axít tăng 4,0%; tỷ lệ thu hồi Bismut giảm 7,7% và tỷ lệ thu hồi đồng tăng 1,2%. Đây là mức hiệu suất kỷ lục đối với đồng, Vonfram và Florit. Tỷ lệ thu hồi của các sản phẩm này được kỳ vọng sẽ được giữ vững hoặc tăng nhẹ trong năm 2019.
Bên cạnh sản lượng, một yếu tố khác là giá nguyên liệu trên thế giới tăng, đã tác động kép lên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Báo cáo cho biết, với chiến lược chuyển sang các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nhất là Vonfram, đã tạo nên dấu ấn trong bảng báo cáo tài chính. Theo đó, doanh thu thuần năm 2018 đạt kỷ lục 6.865 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước; lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt 664 tỷ đồng. Thành quả này dựa trên giá bán tốt, hiệu suất lao động và kiểm soát chi phí.
Đáng chú ý, năm 2018, công ty đã mua lại 49% vốn góp từ công ty liên doanh tinh luyện Vonfram Núi Pháo – HC.Starck, đưa sở hữu 100% về Masan Resources. Đánh giá về thương vụ này, ông Craig Richard Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan Resources nói: "Năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông dựa trên giá sản phẩm được dự báo tăng, sản lượng tăng và hiện thực hoá thêm lợi ích từ việc thương vụ hợp nhất nêu trên".
Dựa trên năng lực hiện có cũng như bối cảnh thị trường thế giới (sản lượng từ thị trường Trung Quốc giảm do tái cơ cấu ngành khai khoáng, một số nhà máy đóng cửa…; giá bán tăng), Masan Resources đặt mục tiêu năm 2019 với doanh thu thuần 7.700 – 8.500 tỷ đồng và lợi nhuận phân bổ cho cổ đông từ 700 – 1.000 tỷ đồng.
Biểu đồ lợi nhuận
Phá thế độc quyền của Trung Quốc
Theo số liệu từ Hiệp hội ngành Vonfram quốc tế (International Tungsten Industry Association), Trung Quốc nắm giữ 80% sản lượng Vonfram ước tính và trên 60% - 70% trữ lượng xác định. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là quốc gia tiêu thụ khoảng 60% trữ lượng Vonfram cơ bản và trong 10 năm qua, mức tiêu thụ tăng bình quân 10% do tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá quá cao.
Trong khi, các chuyên gia về thị trường kim loại màu lại cho rằng, xét ở bình diện thế giới, về nguồn cung Vonfram, Trung Quốc (nơi chiếm giữ khoảng 70% thị phần) đang áp đặt các quy định ngặt nghèo, thậm chí xử phạt cứng rắn đối với các dự án khai thác chế biến Vonfram ô nhiễm. Điều này có thể dẫn đến nguồn cung bị co lại do các cơ sở phải tạm ngừng hoặc ngừng vĩnh viễn. Thực tế, đã có nhiều chủ dự án Vonfram tại Trung Quốc phải rời bỏ thị trường. Đáng chú ý, một dự án Vonfram khác tại Anh là Hemerdon có quy mô rất lớn cũng dừng hoạt động vào quý IV/2018.
Trong khi, các sản phẩm của Masan Resources được công nhận toàn cầu và là nhà cung cấp ưa thích cho các đốnóiác lớn trên thế giới.
Ngoài ra, do công ty đã hoàn thành việc thâu tóm dự án Nhà máy Tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C.Starck (đổi tên thành Công ty TNHH Vonfram Masan nên công suất chế biến được mở rộng hơn và sẵn sàng tiếp nhận kênh nguyên liệu bên ngoài dự án Núi Pháo thông qua mua lại của bên thứ 3. Năm 2018, công ty cũng gia tăng việc chế biến nguyên liệu Vonfram thô mua từ bên ngoài lên đến 350%, đạt 937 tấn WO3. Khả năng mở rộng nguồn cung cấp nguyên liệu bên ngoài mỏ Núi Pháo là yếu tố quan trọng đối với những tham vọng tăng trưởng.
Tại đại hội đồng cổ đông lần này, đại diện doanh nghiệp tự tin rằng, đã chuyển dịch thành công từ một dự án khai khoáng thành nhà cung cấp tài nguyên chiến lược Việt Nam cho các đối tác sử dụng vật liệu cao toàn cầu, bao gồm: vật liệu bán dẫn, in 3D, khoa học người máy, ô tô điện, năng lượng tái tạo, y khoa và hàng không vũ trụ.
Theo đó, sau 2020, công ty đặt ra lộ trình mở rộng thị phần từ 36% lên 50% (ngoài Trung Quốc) thông qua tăng công suất nhà máy tinh chế lên 12 nghìn tấn vào 2021 để trở thành nhà sản xuất vật liệu công nghiệp toàn cầu trước 2020.
Một chuyên gia luyện kim màu nói, đối với khu vực thị trường Vonfram trên thế giới (ngoài Trung Quốc), Việt Nam đang có vị thế đáng nể sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.