Vụ ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn được Uỷ ban Tư pháp "lưu ý"
Nhiều vụ án kinh tế lớn đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm, điển hình như vụ ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn
Thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp đã nhấn mạnh một số điểm đáng lưu ý.
Trong kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, đáng lưu ý, theo cơ quan thẩm tra là, nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh. Điển hình như vụ ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn.
Nội dung không mật cũng đóng dấu mật
Ngoài điểm đáng lưu ý trên, báo cáo của Uỷ ban Tư pháp cũng nhấn mạnh một số vấn đề khác trong phòng chống tham nhũng.
Đó là, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp…
"Uỷ ban Tư pháp cho rằng, đây là hạn chế lớn, đã kéo dài nhiều năm, Chính phủ cần có giải pháp để tự mình hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi để bảo đảm việc cải cách thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược theo nghị quyết của Đảng", Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục thông qua thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tuy đã có chuyển biến bước đầu, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nói vẫn không đi đôi với làm, thiếu gương mẫu, thậm chí có hành vi phản cảm, nhũng nhiễu, đòi hối lộ… đã tác động tiêu cực và làm giảm đáng kể tác dụng của công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng.
Hạn chế khác trong phòng ngừa tham nhũng cũng được cơ quan thẩm tra chỉ ra là việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, trách nhiệm giải trình mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn tình trạng không công khai, lạm dụng bảo mật thông tin để không công khai hoặc nội dung công khai không cụ thể, nhất là trên các lĩnh vực về quản lý, sử dụng đất, lập dự án… làm cản trở việc tiếp cận thông tin của báo chí, người dân.
Thậm chí, trong một số trường hợp, Chính phủ, các cơ quan tư pháp gửi tài liệu đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhưng đóng dấu mật, tối mật vào cả những nội dung không mật, báo cáo nêu rõ.
Xác định rõ trách nhiệm của bộ trưởng
Tại báo cáo, Uỷ ban Tư pháp nêu một số kiến nghị về giải pháp phòng, chống các loại hình tham nhũng.
Đối với "tham nhũng vặt", cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng "tham nhũng vặt" (nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp) tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để ra giải pháp phòng, chống phù hợp. Đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng "tham nhũng vặt" thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức "lợi ích nhóm", "sân sau", cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, qua các vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua (vụ Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG; vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; sai phạm tại Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên; sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng; vụ việc liên quan đến việc thực hiện các dự án BT tại tỉnh Khánh Hòa...), đề nghị Chính phủ giao Tổng thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2020.
Trước phản ánh của cử tri về tình trạng tham nhũng, tiêu cực của cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, các đoàn thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, kiểm toán nhà nước, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng các Công an, Tư pháp, Xây dựng và bộ trưởng các bộ có chức năng thanh tra chuyên ngành, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần đánh giá thực trạng tình hình và đề ra giải pháp phòng, chống trong thời gian tới.
Đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, Cục điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong chương trình công tác của năm 2020, cần chú trọng việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật, báo cáo thẩm tra nêu rõ.