“Vương quốc Nhân dân tệ” miền biên ải
Ngoài “chợ tiền” lớn ở gần sân vận động thành phố, Lạng Sơn còn có những “chợ tiền” khác nhộp nhịp chẳng kém
Hiếm có Tết nào ở xứ Lạng lại khắc nghiệt và lạnh giá như năm nay. Ra ngoài đường đi xe máy nếu không đi găng tay và mang khẩu trang thì làn gió lạnh buốt cứ thổi cho rát mặt không thể chạy nổi.
Trời thì lạnh giá, kỳ nghỉ Tết lại kéo dài nên “chợ tiền” nổi tiếng Lạng Sơn họp khá muộn. Mồng 6 Tết rồi mà mới chỉ có vài người lèo tèo đến nhóm họp trong cái khuôn viên có thể chứa được trên 50 sạp đổi tiền.
Chọn vía mở hàng
Ngày trước, “chợ tiền” họp ngay ở những con phố đầu cầu Kỳ Cùng, na ná như mấy cái “phố vẫy” ở Hà Nội với những chiếc bàn và ghế nhựa và những bà những cô mang túi ngồi lúp xúp, cứ thấy khách đi qua lại nhao nhao, vẫy vẫy: “Đổi tiền, đổi tiền không?”. Nay thì “chợ tiền” đã được dời về gần đường Bà Triệu. Chợ nằm lọt sâu trong ki ốt số 1-2 sân vận động Đông Kinh, thuộc phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Phía trước chợ là một tấm biển chữ màu trắng được viết trên nền đỏ: “Điểm thu đổi ngoại tệ (CNY)”.
Người buôn bán ở đây đang mở hàng đầu năm, chọn vía để mở hàng cầu may nên không bỗ bã, xồn xồn như lúc khác. Nghề buôn bán bất kỳ thời nào cũng không thể loại bỏ yếu tố may rủi trong công việc làm ăn. Có một số nghi thức vô hại, có một số có tác dụng tích cực đối với việc buôn bán là người buôn bán mỗi đầu năm đều có mở hàng, khai trương”, tùy theo tầm cỡ và tính chất việc làm ăn mà thực hiện những nghi thức khác nhau. Một người buôn bán nhỏ ở chợ thì đầu ngày phải dọn hàng sớm, bày biện hàng hóa sao cho hấp dẫn khách, chuẩn bị cho mình một tâm lý phấn khởi chờ đón người “mở hàng” cho mình.
Trong buôn bán, kỵ nhất là đầu ngày đầu năm mà phải đi “đổi tiền” vì không ai muốn cái may (hoặc rủi) của mình chạy qua người khác hay ngược lại. Nhưng đã làm cái nghề đổi tiền “bạc bẽo” này rồi thì chỉ còn cách khắc phục khác là chuẩn bị cho sẵn các loại tiền (VND và Nhân dân tệ) để khi khách có nhu cầu đổi chác thì sẵn sàng mà giao dịch, đổi đi thối lại, tiền bạc sòng phẳng, thuận mua vừa bán cũng là một mở hàng tốt đẹp.
Người chủ sạp thường không nói thách tỷ giá quá cao với người khách đầu tiên, e họ trả giá sát quá hay không chịu mua, mở hàng mà không bán được là xui xẻo. Người buôn bán ở chợ tiền sợ nhất đầu năm gặp phải kẻ nặng vía mặt mũi lầm lì, tướng tá lù đù mở hàng mà không mua. Người buôn bán có kinh nghiệm thường ghi nhận một số khách quen có “vía tốt”, mời mọc hay nhờ họ “mở hàng” để lấy hên.
“Vương quốc Nhân dân tệ”
Theo tìm hiểu, ngoài “chợ tiền” lớn ở gần sân vận động thành phố, Lạng Sơn còn có những “chợ tiền” khác nhộp nhịp chẳng kém. Một số địa điểm có thể kể đến như khu vực Cổng Trắng, khu Vườn Sái (thị trấn Đồng Đăng); khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Chi Ma. Thậm chí, ở các chợ lớn như chợ Đông Kinh, chợ Đồng Đăng, chợ Tân Thanh...
Đặc biệt, ở khu vực đổi tiền Vườn Sái, thuộc thị trấn Đồng Đăng, có một ngã ba chuyên là địa điểm để đổi tiền mà người dân nơi đây gọi ngã ba này thành một tên mới là “ngã ba đổi tiền”. Ai có nhu cầu đổi với số lượng từ vài chục triệu đến trăm triệu tiền Việt nhiều chủ cửa hàng ở đây cũng sẵn sàng đáp ứng. Ngày thường, trung bình mỗi sạp đổi được từ 100 - 200 triệu VND/ngày. Ngày may mắn gặp người buôn bán lớn, nhiều người đổi hàng chục vạn tệ, tính ra lên đến 400 - 500 triệu VND. Lãi suất tùy vào số lượng tiền đổi lớn hay nhỏ. Nếu chỉ đổi mấy chục tệ đến vài trăm tệ thì mỗi Nhân dân tệ đổi được khoảng 3.000 VND. Nếu đổi với số lượng lớn, thì 1 Nhân dân tệ “ăn” 3.100 - 3.200 VND.
Lạng Sơn nổi tiếng là trung tâm mua sắm của vùng Đông Bắc, nhiều chợ với nhiều mặt hàng phong phú, giá cả lại rẻ so với Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận. Bởi vậy, tại các chợ lớn ở Lạng Sơn như Đông Kinh, Đồng Đăng, Tân Thanh... lúc nào cũng nườm nượp khách hàng trao đổi, mua bán. Điều thú vị đối với nhiều khách hàng là các chủ cửa hàng đều chấp nhận giao dịch bằng cả Nhân dân tệ. Nhiều chủ hàng còn cho biết nhận Nhân dân tệ như thế nhiều khi lại còn tiện hơn là tiền Việt, bởi “đằng nào chúng tôi chẳng sang Trung Quốc mua hàng”.
Hôm mồng 4 Tết, khi du xuân tại cửa khẩu Hữu Nghị, người viết bắt gặp hai phụ nữ một trẻ, một trung tuổi đang đón xe về Bắc Giang. Hỏi ra thì mới biết người phụ nữ đứng tuổi từ Macao trở về Việt Nam để thăm thú họ hàng. Chị đã ở Trung Quốc gần 20 năm, trước thì ở trong lục địa, vài ba năm gần đây thì sang Macao làm chân bưng bê đồ ăn cho các sòng bạc. Ở đây họ trả chị bằng tiền Macao nhưng do đồng tiền này ngày càng mất giá nên chị và nhiều người làm thuê yêu cầu chủ trả bằng Nhân dân tệ. Lương tháng của chị chừng 5.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 16 triệu VND). Khi về Việt Nam, tại Lạng Sơn chị có thể không cần đổi sang tiền Việt vì tiền Nhân dân tệ vẫn có thể tiêu được ở đây, chỉ khi đi sâu hơn vào nội địa như về Bắc Giang, Bắc Ninh thì chị mới phải đổi sang tiền Việt.
Khá nhiều người dân ở khu vực biên giới vượt biên sang Trung Quốc làm cửu vạn, làm thuê cũng được người Trung Quốc trả công bằng tiền Nhân dân tệ. Khi về Lạng Sơn họ vẫn giữ tiền này để tiêu dùng. Chính điều này cũng khiến tình trạng dùng tiền Nhân dân tệ tràn lan ở Lạng Sơn ngày càng trở nên phổ biến hơn. Ở Lạng Sơn, tại các huyện biên giới đôi khi trao đổi nông sản, mua trâu bò người ta cũng thường dùng Nhân dân tệ. Không chỉ phía các cửa hàng, người bán hàng ở Lạng Sơn chấp nhận tiêu tiền Nhân dân tệ, ngay cả người Việt Nam sang Trung Quốc làm ăn, giao dịch gần thì Pò Chài, sâu hơn nữa thì Bằng Tường, Nam Ninh... mang tiền đồng Việt Nam ra đổi chác, tiêu pha người ta cũng “khứa ỷ” (đồng ý)
“Quản chợ” không đơn giản
Việc xuất hiện và tồn tại những “chợ tiền” ở xứ Lạng là một đòi hỏi tất yếu của thị trường và vấn đề giao thương tại các cửa khẩu, nhưng những bất cập từ đây cũng đã bộc lộ dần theo thời gian. Và không phải người ta không nhận ra điều này, bởi trên thực tế hơn một lần vấn đề “quản” chợ tiền như thế nào đã được chính quyền sở tại ở đây đặt ra.
Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức họp đánh giá hoạt động kinh doanh vàng, thu đổi ngoại tệ trên địa bàn. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, hiện có 169 cá nhân kinh doanh thu đổi ngoại tệ, trong đó có 36 người hoạt động lén lút, không được cấp giấy chứng nhận hành nghề. Cũng qua đợt kiểm tra này đã phát hiện 70 trường hợp vi phạm. Xử phạt hành chính 3 vụ, 8 đối tượng vận chuyển trái phép 626.200 Nhân dân tệ, hơn 100 triệu đồng qua biên giới.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng số lượng người đăng ký tham gia kinh doanh thu đổi ngoại tệ thể hiện trong báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành chỉ là “bề nổi”, thực ra còn rất nhiều đối tượng buôn bán tiền Nhân dân tệ ở thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình, Tràng Định chưa lộ mặt và câu chuyện mua bán, đổi chác tiền thực tế còn phức tạp hơn nhiều.
Theo Thượng tá Dương Công Mạnh, Phó trưởng phòng PC46, công an tỉnh Lạng Sơn, tình hình buôn bán tiền Nhân dân tệ rất phức tạp, đã hình thành đường dây chuyển tiền xuyên quốc gia. Theo điều tra, khảo sát, có những tốp 2-3 người túc trực ở địa bàn Lạng Sơn, một tốp ở Bằng Tường (Trung Quốc), chỉ qua một cuộc điện thoại là hoàn thành việc chuyển tiền.
Hệ lụy của tình trạng buôn tiền lộn xộn này rất dễ nhìn thấy: gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và bộc lộ một thực tế là các ngành chức năng ở Lạng Sơn chưa kiểm soát được dòng tiền qua biên giới, cho dù những năm qua số lượng hàng nông sản xuất sang Trung Quốc qua ngả Lạng Sơn rất nhiều. Và đáng lo hơn vẫn là câu chuyện: nguy cơ “Nhân dân tệ hóa” hiển hiện ở những vùng biên ải...
Trời thì lạnh giá, kỳ nghỉ Tết lại kéo dài nên “chợ tiền” nổi tiếng Lạng Sơn họp khá muộn. Mồng 6 Tết rồi mà mới chỉ có vài người lèo tèo đến nhóm họp trong cái khuôn viên có thể chứa được trên 50 sạp đổi tiền.
Chọn vía mở hàng
Ngày trước, “chợ tiền” họp ngay ở những con phố đầu cầu Kỳ Cùng, na ná như mấy cái “phố vẫy” ở Hà Nội với những chiếc bàn và ghế nhựa và những bà những cô mang túi ngồi lúp xúp, cứ thấy khách đi qua lại nhao nhao, vẫy vẫy: “Đổi tiền, đổi tiền không?”. Nay thì “chợ tiền” đã được dời về gần đường Bà Triệu. Chợ nằm lọt sâu trong ki ốt số 1-2 sân vận động Đông Kinh, thuộc phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Phía trước chợ là một tấm biển chữ màu trắng được viết trên nền đỏ: “Điểm thu đổi ngoại tệ (CNY)”.
Người buôn bán ở đây đang mở hàng đầu năm, chọn vía để mở hàng cầu may nên không bỗ bã, xồn xồn như lúc khác. Nghề buôn bán bất kỳ thời nào cũng không thể loại bỏ yếu tố may rủi trong công việc làm ăn. Có một số nghi thức vô hại, có một số có tác dụng tích cực đối với việc buôn bán là người buôn bán mỗi đầu năm đều có mở hàng, khai trương”, tùy theo tầm cỡ và tính chất việc làm ăn mà thực hiện những nghi thức khác nhau. Một người buôn bán nhỏ ở chợ thì đầu ngày phải dọn hàng sớm, bày biện hàng hóa sao cho hấp dẫn khách, chuẩn bị cho mình một tâm lý phấn khởi chờ đón người “mở hàng” cho mình.
Trong buôn bán, kỵ nhất là đầu ngày đầu năm mà phải đi “đổi tiền” vì không ai muốn cái may (hoặc rủi) của mình chạy qua người khác hay ngược lại. Nhưng đã làm cái nghề đổi tiền “bạc bẽo” này rồi thì chỉ còn cách khắc phục khác là chuẩn bị cho sẵn các loại tiền (VND và Nhân dân tệ) để khi khách có nhu cầu đổi chác thì sẵn sàng mà giao dịch, đổi đi thối lại, tiền bạc sòng phẳng, thuận mua vừa bán cũng là một mở hàng tốt đẹp.
Người chủ sạp thường không nói thách tỷ giá quá cao với người khách đầu tiên, e họ trả giá sát quá hay không chịu mua, mở hàng mà không bán được là xui xẻo. Người buôn bán ở chợ tiền sợ nhất đầu năm gặp phải kẻ nặng vía mặt mũi lầm lì, tướng tá lù đù mở hàng mà không mua. Người buôn bán có kinh nghiệm thường ghi nhận một số khách quen có “vía tốt”, mời mọc hay nhờ họ “mở hàng” để lấy hên.
“Vương quốc Nhân dân tệ”
Theo tìm hiểu, ngoài “chợ tiền” lớn ở gần sân vận động thành phố, Lạng Sơn còn có những “chợ tiền” khác nhộp nhịp chẳng kém. Một số địa điểm có thể kể đến như khu vực Cổng Trắng, khu Vườn Sái (thị trấn Đồng Đăng); khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Chi Ma. Thậm chí, ở các chợ lớn như chợ Đông Kinh, chợ Đồng Đăng, chợ Tân Thanh...
Đặc biệt, ở khu vực đổi tiền Vườn Sái, thuộc thị trấn Đồng Đăng, có một ngã ba chuyên là địa điểm để đổi tiền mà người dân nơi đây gọi ngã ba này thành một tên mới là “ngã ba đổi tiền”. Ai có nhu cầu đổi với số lượng từ vài chục triệu đến trăm triệu tiền Việt nhiều chủ cửa hàng ở đây cũng sẵn sàng đáp ứng. Ngày thường, trung bình mỗi sạp đổi được từ 100 - 200 triệu VND/ngày. Ngày may mắn gặp người buôn bán lớn, nhiều người đổi hàng chục vạn tệ, tính ra lên đến 400 - 500 triệu VND. Lãi suất tùy vào số lượng tiền đổi lớn hay nhỏ. Nếu chỉ đổi mấy chục tệ đến vài trăm tệ thì mỗi Nhân dân tệ đổi được khoảng 3.000 VND. Nếu đổi với số lượng lớn, thì 1 Nhân dân tệ “ăn” 3.100 - 3.200 VND.
Lạng Sơn nổi tiếng là trung tâm mua sắm của vùng Đông Bắc, nhiều chợ với nhiều mặt hàng phong phú, giá cả lại rẻ so với Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận. Bởi vậy, tại các chợ lớn ở Lạng Sơn như Đông Kinh, Đồng Đăng, Tân Thanh... lúc nào cũng nườm nượp khách hàng trao đổi, mua bán. Điều thú vị đối với nhiều khách hàng là các chủ cửa hàng đều chấp nhận giao dịch bằng cả Nhân dân tệ. Nhiều chủ hàng còn cho biết nhận Nhân dân tệ như thế nhiều khi lại còn tiện hơn là tiền Việt, bởi “đằng nào chúng tôi chẳng sang Trung Quốc mua hàng”.
Hôm mồng 4 Tết, khi du xuân tại cửa khẩu Hữu Nghị, người viết bắt gặp hai phụ nữ một trẻ, một trung tuổi đang đón xe về Bắc Giang. Hỏi ra thì mới biết người phụ nữ đứng tuổi từ Macao trở về Việt Nam để thăm thú họ hàng. Chị đã ở Trung Quốc gần 20 năm, trước thì ở trong lục địa, vài ba năm gần đây thì sang Macao làm chân bưng bê đồ ăn cho các sòng bạc. Ở đây họ trả chị bằng tiền Macao nhưng do đồng tiền này ngày càng mất giá nên chị và nhiều người làm thuê yêu cầu chủ trả bằng Nhân dân tệ. Lương tháng của chị chừng 5.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 16 triệu VND). Khi về Việt Nam, tại Lạng Sơn chị có thể không cần đổi sang tiền Việt vì tiền Nhân dân tệ vẫn có thể tiêu được ở đây, chỉ khi đi sâu hơn vào nội địa như về Bắc Giang, Bắc Ninh thì chị mới phải đổi sang tiền Việt.
Khá nhiều người dân ở khu vực biên giới vượt biên sang Trung Quốc làm cửu vạn, làm thuê cũng được người Trung Quốc trả công bằng tiền Nhân dân tệ. Khi về Lạng Sơn họ vẫn giữ tiền này để tiêu dùng. Chính điều này cũng khiến tình trạng dùng tiền Nhân dân tệ tràn lan ở Lạng Sơn ngày càng trở nên phổ biến hơn. Ở Lạng Sơn, tại các huyện biên giới đôi khi trao đổi nông sản, mua trâu bò người ta cũng thường dùng Nhân dân tệ. Không chỉ phía các cửa hàng, người bán hàng ở Lạng Sơn chấp nhận tiêu tiền Nhân dân tệ, ngay cả người Việt Nam sang Trung Quốc làm ăn, giao dịch gần thì Pò Chài, sâu hơn nữa thì Bằng Tường, Nam Ninh... mang tiền đồng Việt Nam ra đổi chác, tiêu pha người ta cũng “khứa ỷ” (đồng ý)
“Quản chợ” không đơn giản
Việc xuất hiện và tồn tại những “chợ tiền” ở xứ Lạng là một đòi hỏi tất yếu của thị trường và vấn đề giao thương tại các cửa khẩu, nhưng những bất cập từ đây cũng đã bộc lộ dần theo thời gian. Và không phải người ta không nhận ra điều này, bởi trên thực tế hơn một lần vấn đề “quản” chợ tiền như thế nào đã được chính quyền sở tại ở đây đặt ra.
Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức họp đánh giá hoạt động kinh doanh vàng, thu đổi ngoại tệ trên địa bàn. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, hiện có 169 cá nhân kinh doanh thu đổi ngoại tệ, trong đó có 36 người hoạt động lén lút, không được cấp giấy chứng nhận hành nghề. Cũng qua đợt kiểm tra này đã phát hiện 70 trường hợp vi phạm. Xử phạt hành chính 3 vụ, 8 đối tượng vận chuyển trái phép 626.200 Nhân dân tệ, hơn 100 triệu đồng qua biên giới.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng số lượng người đăng ký tham gia kinh doanh thu đổi ngoại tệ thể hiện trong báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành chỉ là “bề nổi”, thực ra còn rất nhiều đối tượng buôn bán tiền Nhân dân tệ ở thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình, Tràng Định chưa lộ mặt và câu chuyện mua bán, đổi chác tiền thực tế còn phức tạp hơn nhiều.
Theo Thượng tá Dương Công Mạnh, Phó trưởng phòng PC46, công an tỉnh Lạng Sơn, tình hình buôn bán tiền Nhân dân tệ rất phức tạp, đã hình thành đường dây chuyển tiền xuyên quốc gia. Theo điều tra, khảo sát, có những tốp 2-3 người túc trực ở địa bàn Lạng Sơn, một tốp ở Bằng Tường (Trung Quốc), chỉ qua một cuộc điện thoại là hoàn thành việc chuyển tiền.
Hệ lụy của tình trạng buôn tiền lộn xộn này rất dễ nhìn thấy: gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và bộc lộ một thực tế là các ngành chức năng ở Lạng Sơn chưa kiểm soát được dòng tiền qua biên giới, cho dù những năm qua số lượng hàng nông sản xuất sang Trung Quốc qua ngả Lạng Sơn rất nhiều. Và đáng lo hơn vẫn là câu chuyện: nguy cơ “Nhân dân tệ hóa” hiển hiện ở những vùng biên ải...