16:29 10/08/2018

Xử lý tài sản bất minh: Thêm phương án, thêm lo lắng

Nguyễn Lê

Thêm một phương án mới, thêm tranh luận căng thẳng về quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Thêm một phương án mới, thêm tranh luận căng thẳng về quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng.

Chiều 10/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về vấn đề nan giải nhất trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi): xử lý tài sản bất minh.

Bên cạnh hai phương án cũ là thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính đã có một phương án mới được đề xuất (phương án 1 tại điều 57).

Điều 57. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

Phương án 1:

1. Tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì thuộc sở hữu của Nhà nước; việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này do Tòa án quyết định.

2. Khi kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm sau đây:

a) Nếu người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị Tòa án có thẩm quyền để xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập này theo trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự;

b) Nếu người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định việc công nhận quyền sở hữu Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc không công nhận yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

3. Trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự quy định tại khoản này.

Mặc dù cả cơ quan thẩm tra và cơ quan trình đều nghiêng về phương án này, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều băn khoăn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bỏ cụm từ "thuộc sở hữu nhà nước" ngay ở khoản 1 của phương án mới vì chưa ra toà đã khẳng định đó là tài sản thuộc sở hữu nhà nước thì có hợp lý không?

Phải qua quá trình tố tụng thì toà mới tuyên được đó có phải tài sản nhà nước hay không chứ nói ngay là tài sản thuộc sở hữu nhà nước thì còn gì khách quan nữa, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bình luận.

Băn khoăn về hai chữ "hợp lý, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh luật phải chặt chẽ, mục tiêu không chỉ là chống tham nhũng mà còn phải ổn định và phát triển nên cần tư duy toàn diện. Một số vị khác cũng lo ngại về hai chữ hợp lý trong bối cảnh Việt Nam chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội.

Nhưng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành cũng đã giao quyền cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phán quyết về sự hợp lý của tài sản, chứ đây không phải là quy định mới khi sửa luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho quan điểm là chọn phương án thu thuế, xử phạt hành chính hay ra toà, còn xử lý cụ thể từng phương án thì để cho cơ quan chuyên môn thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái là sau khi Quốc hội cho ý kiến thì Chính phủ có thảo luận về các vấn đề gay cấn, hóc búa của dự án luật không? Sau khi nghe câu trả lời, Chủ tịch Quốc hội nói, như thế là tập thể Chính phủ chưa thảo luận mà mới chỉ có Thanh tra Chính phủ lăn lộn chỉnh lý cùng cơ quan thẩm tra.

Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan hữu quan chỉnh lý lại phương án mới đề xuất và phương án thu thuế, sau đó xin ý kiến Bộ Chính trị.

Phương án nào thì tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng đều phải tịch thu 100%, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.