08:53 24/01/2011

Xuất khẩu cá tra: Tăng sản lượng, giảm hiệu quả?

Nguyễn Huyền

Nguồn cá tra nguyên liệu của năm 2010 bị giảm mạnh nên 2011 các nhà máy sẽ không có đủ cá để chế biến xuất khẩu

Để nuôi 1 triệu tấn cá tra cần 2 triệu tấn thức ăn.
Để nuôi 1 triệu tấn cá tra cần 2 triệu tấn thức ăn.
Trong 5 chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, riêng chỉ tiêu 1,45 -1,55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này xem ra khó đạt.

4 chỉ tiêu còn lại gồm: sản lượng giống 2,5 – 2,6 tỷ con giống cá tra các loại; diện tích nuôi từ 6.000 – 6.300 ha; sản lượng ước đạt 1,2 – 1,3 triệu tấn; có 60% cơ sở nuôi cá tra được đánh số, đăng ký nuôi cá tra có điều kiện và thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Nhiều ý kiến phân tích, bước sang năm 2011, do nguồn cá tra nguyên liệu của năm 2010 bị giảm mạnh nên lượng cá nguyên liệu dự trữ của 2010 chuyển qua 2011 đã bị nghẽn, các nhà máy sẽ không có đủ cá để chế biến xuất khẩu. Do vậy, chỉ tiêu xuất khẩu 1,45 – 1,55 tỷ USD sẽ rất khó thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Vasep cho biết, năm 2010 ước xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,4 tỷ USD, như vậy kết quả xuất khẩu năm 2010 tốt hơn năm 2009 và 2008. Tháng 9/2010, chúng ta chưa chặn được đà giảm giá, nhưng đến tháng 12 thì thị trường đã khởi sắc.

Từ khi Vasep có quyết định áp dụng giá sàn cho 2 mặt hàng chính là fillet cá tra thịt trắng và đỏ, khoảng 1 tháng sau chuyển biến thị trường rất tốt, đến nay thị trường châu Âu hoàn toàn chấp nhận giá sàn mới là 3 USD/kg, chắc chắn với tình hình này chúng ta sẽ chặn được đà giảm giá.

Theo Vasep có 2 nguyên nhân tác động mạnh lên giá cá xuất khẩu. Thứ nhất là kiểm soát sản lượng. Thứ hai là giá sàn. Trong năm 2011, Vasep dự báo Việt Nam có khoảng 1 triệu tấn cá nguyên liệu, chế biến được 360 - 380 ngàn tấn fillet, giảm hơn 40% so với 2010.
Theo ông Dũng, thử đặt vấn đề lấy con số chỉ tiêu là chính hay lấy hiệu quả kinh tế đạt được là chính? Trong năm 2008, sản xuất cá tra nguyên liệu tăng hơn 50% so với 2007, giá cá xuất khẩu lập tức giảm ngay, khiến cho doanh nghiệp lẫn người nuôi lao đao.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Vương, cho rằng trên thị trường giá bán 1 sản phẩm thể hiện rất rõ qua mối quan hệ cung cầu. Khi chúng ta nuôi 1 triệu tấn cá, xuất khẩu được giá 3 USD/kg, nhưng nếu sản lượng nuôi lên đến 1,5 triệu tấn cá thì chỉ bán được giá 2,5 USD/kg, như vậy cách làm nào có lợi hơn?

Nếu nuôi ít, nhu cầu thị trường nhiều thì giá cá sẽ tăng. Điều cần nhất bây giờ là giá cá phải tăng để ủng hộ ngành xuất khẩu trong nước và tăng lợi nhuận cho người nuôi cá và nhà chế biến. Không nên để nghề nuôi cá tra phát triển theo tiêu chí là “kế hoạch năm sau cao hơn năm trước”, chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ nên để cho xu hướng thị trường quyết định.

Khi quyết định đẩy sản lượng cá tra lên sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là thức ăn cho cá. Hiện nay, nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn cho cá tra nhập khẩu khoảng 35%, còn lại 65% là trong nước, nguồn cung trong nước lại tăng giá 100% và tăng một cách khó kiểm soát,  khiến giá thức ăn tăng mạnh.

Chúng ta đang phát triển chăn nuôi quá mạnh trong khi khả năng cung cấp nguyên liệu để chế biến thức ăn trong nước có giới hạn. Tính từ đầu năm đến nay giá thức ăn đã tăng 8 lần (1.500-2.200đồng/kg so với cuối năm 2009). Theo phản ảnh của người dân, giá thức ăn tăng nhưng chất lượng thức ăn trong những năm gần đây có xu thế giảm dẫn tới thời gian nuôi kéo dài, môi trường ô nhiễm, chất lượng cá nuôi giảm.

Theo ông Minh, mỗi năm chỉ cần sản xuất 1 triệu tấn cá tra là đủ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu, mà để nuôi 1 triệu tấn cá này cần đến 2 triệu tấn thức ăn, trong 2 triệu tấn thức ăn phải có 1 triệu tấn cám. Do vậy, khi quy hoạch sản lượng cá nuôi, cần tính tới nhu cầu đầu vào thức ăn cho cá, và chỉ tiêu đưa ra phải sát với tình hình thực tế của Việt Nam.

Hiện nay chúng ta đang nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá, nếu đẩy sản lượng cá tra ngày càng cao thì lượng thức ăn nhập khẩu ngày càng nhiều, cuối cùng chúng ta đi tiêu thụ các sản phẩm thừa của các nước, mà còn làm mất thế cạnh tranh của con cá tra Việt Nam.

Kế hoạch sản xuất 1,3 triệu tấn cá nguyên liệu trong năm 2011 là không khả thi. Thứ nhất, do lãi suất vay ngân hàng tăng không cho phép người nuôi đầu tư lớn như vậy. Thứ hai, đưa ra con số chỉ tiêu lớn chỉ làm hại thị trường chứ không có lợi. Theo quy luật cung cầu, khi chúng ta đưa ra con số kế hoạch sản xuất khổng lồ, thị trường lập tức có phản ứng ngay.

Dự báo khả năng năm nay Việt Nam chỉ có thể sản xuất được từ 800 nghìn đến 1 triệu tấn cá tra nguyên liệu. Khoảng 1 tháng nữa giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng và dao động từ 3,1 - 3,2 USD/kg, (fillet cá trắng 100% net FOB).

“Chúng ta đang xuất khẩu giá 3 USD/kg, nhưng khi sản lượng giảm thì vào đầu quý 2/2011 giá xuất khẩu có thể xuất tăng lên từ 3,1 – 3,2 USD/kg. Đó là hiệu quả tất yếu của quan hệ cung cầu, do vậy khi đưa nguồn cung quá lớn vào thị trường thì lập tức thị trường phản ứng thì chúng ta sẽ bị thua thiệt”, ông Minh nói.

Theo các doanh nghiệp, khi đưa ra kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra, nhìn vào các con số chúng ta thấy kế hoạch này vẫn còn nặng căn “bệnh” thành tích, mà không theo nhu cầu thị trường, khi thị trường phản ứng lại thì  người nông dân lãnh nhận hậu quả, còn doanh nghiệp đứng giữa mua cao thì bán cao, mua thấp thì bán thấp, nên không bị thiệt.

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra điều cần nhất là công bố chất lượng và sản lượng bán ra, điều hành sản lượng nuôi cá tra nguyên liệu hàng năm theo định hướng thị trường.