15:51 02/02/2009

Xuất khẩu của Việt Nam: Chú ý sự dịch chuyển ưu tiên mua sắm

Linh San

Suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ gây những khó khăn gì cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm 2009?

Ông Antonio Berenguer - Ảnh: TT.
Ông Antonio Berenguer - Ảnh: TT.
Suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ gây những khó khăn gì cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm 2009?

Trả lời câu hỏi này, ông Antonio Berenguer, Tham tán thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam nói:

- Thương mại hai chiều Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) trong năm 2008 đạt mức 15,8 tỷ USD, tức là tăng 13,9% so với năm 2007.

Do giới hạn về việc hội nhập tài chính thế giới và sự có mặt hạn chế của các tổ chức tài chính quốc tế ở Việt Nam, nên Việt Nam không chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc ngay lập tức bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, do đó ảnh hưởng của sự suy giảm chỉ có thể cảm nhận ở một vài tháng sau đó, khi khủng hoảng tác động tới các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Mỹ và Nhật Bản. Đáng lưu ý là dự đoán tăng trưởng trong năm 2009 của khu vực châu Âu giảm 0,4%, ở Mỹ là 2% và ở Nhật là 0-1%.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá vội vàng đưa ra kết luận bởi vì ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa rõ ràng.

Dù xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm sút do sự suy giảm kinh tế toàn cầu, chúng ta cần phải lưu ý rằng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, người dân vẫn có nhu cầu hàng hóa tiêu dùng giá thấp, hơn nữa những người tiêu dùng trước đó mua hàng hóa giá đắt có thể chuyển sang mua sản phẩm của Việt Nam với giá rẻ hơn.

Nói cách khác, sự dịch chuyển ưu tiên mua sắm có thể nhận thấy rõ ràng và do đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với giá cạnh tranh sẽ bù đắp thua lỗ đã được dự báo trước.

Vậy ông có lời khuyên nào cho các nhà xuất khẩu Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường châu Âu?

Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu và phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nên tôi tin là có một số vấn đề mà Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện để nâng cao tính cạnh tranh.

Theo tôi, có 3 vấn đề chính là: tiếp tục tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như EU, WTO, đàm phán các thể chế qui định tốt hơn, và nâng cao cải cách trong nước để thu hút đầu tư nhiều hơn.

Cụ thể là một vài vấn đề chính về xuất khẩu của Việt Nam cần phải được xem xét như là chất lượng của sản phẩm, chiến lược marketing tốt, chi phí sản xuất, tuân thủ theo hàng rào thương mại cũng như là xử lý các vấn đề về thuế. Thuế đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thu hút FDI.

Ví dụ như luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi của Việt Nam sẽ dẫn đến tăng tổng chi phí nhân công cho người nước ngoài làm việc ở Việt Nam khiến cho Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực về lĩnh vực này. Về rào cản tiếp cận thị trường tại Việt Nam, việc tự do hóa thương mại hơn nữa có thể dẫn đến sự tăng trưởng trong xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng việc EU dự định bãi bỏ các loại thuế quan cho một số lĩnh vực chủ yếu như dệt may và giày da thì Việt Nam cũng đã có thể tiết kiệm gần 190 triệu Euro. Thực tế chứng minh rằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế dẫn đến xuất khẩu tăng. Trên đây chỉ là một vài vấn đề quan trọng nhất mà Việt Nam cần lưu ý để có thể tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường EU.

Ông dự báo quan hệ thương mại Việt Nam - EU trong năm 2009 sẽ như thế nào?

Thương mại hai chiều Việt Nam - EU sẽ tiếp tục phát triển, tuy nhiên mức độ tăng trưởng sẽ thấp hơn thời gian trước do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những tác động cụ thể cũng như là qui mô thì còn phải chờ thời gian xem xét.

Xuất khẩu của Việt Nam là những sản phẩm không đắt, do đó điều đầu tiên là rất khó dự báo chính xác sự ưu tiên của người tiêu dùng sẽ như thế nào. Liệu họ có đơn giản là mua ít sản phẩm hơn để chuyển sang sản phẩm giá rẻ hơn, cái nào sẽ có lợi cho Việt Nam?

Thứ hai là sự ưu tiên của người tiêu dùng tác động đến xuất khẩu Việt Nam ở mức độ như thế nào? Như tôi đã nói ở trên thì điều quan trọng liên quan đến đầu tư của EU vào Việt Nam là sự tiếp tục cải cách của Chính phủ.