14:59 09/09/2009

Xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc tăng 43%

Hồng Thoan

Việt Nam và Hàn Quốc cùng thúc đẩy đầu tư và thương mại và loại bỏ những rào cản thương mại trong lĩnh vực dệt may

Việt Nam và Hàn Quốc đang cùng đứng trong Top 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Việt Nam và Hàn Quốc đang cùng đứng trong Top 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Việt Nam và Hàn Quốc đang cùng đứng trong Top 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ buôn bán và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dệt may, Hiệp hội dệt may Việt Nam và Liên đoàn công nghiệp Dệt may Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức "Diễn đàn dệt may Việt Nam-Hàn Quốc" tại Hà Nội vào ngày 8/9.

 Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, Hàn Quốc là một trong những nước xuất khẩu hàng dệt may nổi tiếng và quan trọng trên thế giới trong nhiều năm.

Hiện nay, mặc dù Hàn Quốc đang gặp phải vấn đề thiếu nhân công, chi phí lao động ngày càng cao nhưng nhờ chiến lược phát triển đúng đắn, được đầu tư mạnh mẽ vào thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến nên ngành dệt may Hàn Quốc vẫn duy trì được vị thế và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ.

Toàn ngành có 16.862 công ty, 252.000 lao động, sản lượng đạt trên 38 tỷ USD trong năm 2007 và kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt tới 13,3 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu vải đạt trên 8 tỷ USD.

Nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam

Hàn Quốc đứng thứ 6 trong số các nước nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam với kim ngạch năm 2008 là 139 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2009 là 77 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2008. Còn Việt Nam đang nhập siêu khá lớn từ Hàn Quốc, trong năm 2008, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc vải 892 triệu USD, sơ sợi 85 triệu USD và nhiều loại phụ liệu khác.

Theo ông Lee Seung Ryul, Cục trưởng (Bộ Kinh tế và Tri thức Hàn Quốc), Việt Nam đang là đối tác thương mại trong lĩnh vực dệt may lớn thứ 2 của Hàn Quốc (sau Trung Quốc). Do vậy, sự hợp tác sẽ ngày càng được mở rộng chính vì lợi ích kinh tế đem lại cho cả hai bên. Thêm vào đó là yếu tố bổ trợ trong cơ cấu công nghiệp và những tương đồng trong văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác bền chặt trong lĩnh vực dệt may. Để làm được điều đó, hai bên cần nỗ lực và lên những kế hoạch cho tương lai, cùng tận dụng và phát huy những thế mạnh, trở thành những đối tác bền chặt.

Ông Ha Myeng Keun, Phó chủ tịch Liên đoàn công nghiệp dệt may Hàn Quốc nhận định, công nghiệp dệt may Việt Nam đang giữ vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu vải sợi của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt 1,310 tỷ USD, tăng 2% so với năm trước, mặt khác, do sự gia tăng nhập khẩu các mặt hàng quần áo từ Việt Nam, Hàn Quốc đã nhập khẩu 389 triệu USD, tăng 54% so với năm trước.

Về đầu tư, hiện có 441 DN dệt may của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam cũng khiến Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai sau Trung Quốc trong đầu tư nước ngoài của ngành dệt may Hàn Quốc, cùng phát huy hiệu quả giữa công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc với lực lượng lao động lành nghề, khéo tay của Việt Nam.

Loại bỏ rào cản thương mại

Tại Diễn đàn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Liên đoàn công nghiệp dệt may Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ buôn bán và hợp tác, đầu tư giữa ngành dệt may hai nước.

Nội dung chính hai bên cùng hướng tới gồm: thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa hai nước trong lĩnh vực dệt may, loại bỏ những rào cản thương mại, cung cấp thông tin và chính sách thương mại liên quan đến dệt may, hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dệt may, trao đổi thông tin về nghiên cứu và phát triển thị trường, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam và của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Hàn Quốc...

Hàn Quốc là nước đầu tư khá lớn vào ngành dệt may Việt Nam, tuy nhiên, đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam mong rằng Liên đoàn công nghiệp dệt may Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục chuyển dịch sản xuất và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sơ sợi chức năng, in nhuộm hoàn tất, thời trang... tại Việt Nam, tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc nhập khẩu các sản phẩm dệt may Việt Nam trở lại Hàn Quốc hoặc xuất khẩu đi các thị trường khác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cũng thừa nhận ngành dệt may Việt Nam vẫn còn yếu trong sản xuất nguyên liệu, thiết kế thời trang, thương hiệu..., trong khi đó, Hàn Quốc lại rất mạnh về những khâu này. Bộ Công Thương sẽ tích cực hỗ trợ cho sự liên kết giữa hai bên để khắc phục những điểm yếu này của Việt Nam.