08:55 07/10/2010

Xuất khẩu thủy sản: Cá ngừ tăng trưởng mạnh

Nguyễn Huyền

Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất với tốc độ tăng 76% về giá trị, đạt kim ngạch gần 200 triệu USD

Chế biến cá ngừ đại dương.
Chế biến cá ngừ đại dương.
Mặc dù trong năm 2010, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn từ việc thiếu nguyên liệu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường Mỹ, nhưng các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn tăng trưởng khá.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho biết, cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong 8 tháng qua với tốc độ tăng 76% về giá trị, đạt kim ngạch gần 200 triệu USD.

Thưa ông, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng qua đạt 3,5 tỷ USD, liệu 3 tháng còn lại có thể đạt được 1 tỷ USD để hoàn thành kế hoạch năm 2010?

Tình hình các thị trường xuất khẩu từ đầu năm nay có nhiều khó khăn do hậu quả của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên hết quý 3 kim ngạch xuất khẩu đã đạt được 3,5 tỷ USD. Quý 4 có lễ Noel và Tết dương lịch nên sức tiêu thụ thủy sản ở các nước phương tây thường tăng đáng kể, đây là quý có lượng thủy sản xuất khẩu tăng mạnh so với các quý khác trong năm.

Như vậy con số 4,5 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, Bộ vẫn khuyến khích các doanh nghiệp cố gắng xuất khẩu thuỷ sản trong năm nay vượt mức này.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa quyết định áp mức thuế chống bán phá giá trên 100% đối với cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Quyết định này có ảnh hưởng gì đến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, thưa ông?

Việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá trên 100% đối với cá tra của Việt Nam sẽ có ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, trong xuất khẩu thủy sản thì chúng ta luôn có hướng đa dạng hóa thị trường và xuất khẩu vào những thị trường khác nhau. Do vậy, việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá lên con cá tra sẽ có khó khăn trong xuất khẩu cá tra vào thị trường này, nhưng không phải là bế tắc.

Trong 9 tháng qua, 3 mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chính của Việt Nam là, tôm, cá tra và cá ngừ đại dương, nhưng hiện nay sản lượng đánh bắt cá ngừ cũng có những hạn chế nhất định. Liệu vị trí số 3 của cá ngừ có thể giữ vững trong suốt năm 2010 không, thưa ông?

Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong 8 tháng qua với tốc độ 76% về giá trị, đạt kim ngạch gần 200 triệu USD, đưa tỷ trọng mặt hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ 4,3% lên 6,6%. Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với cộng đồng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ để tháo gỡ một số khó khăn trong nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu lại. Hiện nay, nguồn cá ngừ đánh bắt trong nước vẫn cao hơn nhập khẩu, và nguồn cá ngừ nguyên liệu này được nhập khẩu từ các nước.

Bên cạnh đó chúng ta cũng có nhập khẩu thẳng từ các tàu đánh bắt trên biển. Thế nhưng cá ngừ không phải là mặt hàng chiếm kim ngạch lớn và chủ lực trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, và hiện nay số lượng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà ngừ cũng còn rất ít.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta là tôm, cá tra và sau đó là các sản phẩm đánh bắt từ biển và nuôi trồng. Các sản phẩm đánh bắt là nhóm nhuyễn thể chân đầu, mực, các loại khai thác và nuôi là nghêu... Tuy nhiên, nếu chúng ta có thuận lợi về khai thác thì mặt hàng này có giá trị cao, sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, trong nhóm nhuyễn thể thì con nghêu góp phần khá cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản, hiện mặt hàng này có giá trị xuất khẩu rất tốt, kế đến là mực và các loại cá khác cũng chiếm tỷ trọng rất quan trọng.
 
Con tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng dường như việc thiếu tôm nguyên liệu vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, thưa ông?

Việc nuôi tôm ngày nay phụ thuộc vào điều kiện khách quan tự nhiên rất nhiều. Vừa qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho độ mặn của nước biển tăng cao, khiến một số vùng nuôi tôm sú bị nhiễm bệnh. Đây là việc ngoài ý muốn. Hiện chúng ta đang điều chỉnh lại hệ thống thủy lợi, để làm thế nào có đủ lượng nước đảm bảo yêu cầu trong nuôi tôm, đó là nước phải sạch, có kênh cấp nước và kênh thoát nước riêng. Thứ hai là có thể dẫn ngọt để pha với nước mặn để làm giảm độ mặn, thường thì nước mặn khoảng dưới 20 phần ngàn thì con tôm phát triển tốt hơn.