22:51 15/03/2010

Trái chiều dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2010

Y Nhung

Dự báo về kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 2010 hiện vẫn đang có những số liệu khá “chênh” nhau

Năm 2009 khối lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt gần 210 nghìn tấn, với kim ngạch đạt trên 1,67 tỉ USD.
Năm 2009 khối lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt gần 210 nghìn tấn, với kim ngạch đạt trên 1,67 tỉ USD.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, năm 2010 xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 4,5-4,7 tỷ USD, nhưng dự báo khác lại cho rằng con số trên là hơi lạc quan.

2009 là năm có nhiều khó khăn đối với xuất khẩu nói chung, nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất khẩu thuỷ sản của cả nước vẫn mang lại kim ngạch khoảng 4,2 tỷ USD, chỉ giảm 6,2% (tương đương 276,6 triệu USD) so với thực hiện cả năm 2008.

Trên cơ sở này, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2010 sẽ tăng khoảng 7,1% so với năm 2009 và đạt khoảng 4,5 tỷ USD.

Còn theo dự báo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm nay sẽ đạt 4,7 tỉ USD do kinh tế thế giới, nhất là các nước: Mỹ, EU, Nhật Bản… là những thị trường xuất khẩu thuỷ sản chính của Việt Nam đang trên đà phục hồi.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) lại cho rằng những con số này là khó đạt được, bởi lẽ: năm 2010, theo nhận định của Tổ chức Lương thực Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thị trường thuỷ sản thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức nhất là khi nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng. Tiêu dùng suy giảm, xu hướng tiết kiệm phổ biến… đây sẽ là những trở ngại lớn cho quá trình hồi phục của thương mại thuỷ sản toàn cầu.

Tại một số thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, triển vọng kinh tế được nhiều chuyên gia dự báo chưa mấy sáng sủa khi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt được trong năm 2009 còn thiếu tính bền vững, đặc biệt là tình trạng giảm phát ở Nhật cùng tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục tại Mỹ và EU sẽ là những nhân tố chính làm giảm nhu cầu tiêu dùng và là nguyên nhân khiến giá giảm.

Ngoài ra, sự đầu tư mạnh mẽ trong việc mở rộng sản lượng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, tạo dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng thủy sản của một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines nhằm củng cố và bành trướng thị phần tại một số thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản cũng sẽ là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu cá tra, cá ba sa Việt Nam bị định nghĩa lại là catfish thì việc xuất khẩu cá tra và cá ba sa của nước ta sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tiếp đến, tại thị trường Nhật Bản, nhu cầu nhập khẩu cũng như tiêu dùng tôm của người dân nước này phụ thuộc rất lớn vào những chuyển biến tích cực của nền kinh tế. Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này sẽ khó có thể tăng mạnh trong năm 2010.

Thêm nữa, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU sẽ trở nên khó khăn hơn khi khi quy định IUU bắt đầu đi vào thực tiễn từ 2010 (Cụ thể theo quy định số 1005/2008 ngày 29/9/2008 của Hội đồng châu Âu, từ ngày 1/1/2010, EU yêu cầu tất cả lô hàng hải sản khai thác phải có giấy chứng nhận khai thác hợp pháp, nếu thiếu sẽ không được phép xuất vào EU).

Trước những xu hướng trên, Agromonitor dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2010 sẽ chỉ tăng dưới 4% so với năm 2009.